Bình Định: Triển khai xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm

08:03, 06/03/2020

Tập trung triển khai xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm hồ Đồng Mít, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc thu hồi đất (hơn 1.300ha), di dời toàn bộ 480 hộ đồng bào H’rê với hơn 1.700 nhân khẩu của xã An Dũng đến nơi ở mới tại hai khu tái định cư An Trung và An Hưng. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định với mục đích điều tiết nguồn nước để cung cấp lượng nước tưới cho 6.742 ha đất canh tác, 147ha nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 276 nghìn người; cải thiện môi trường sinh thái, chống xâm nhập mặn và cắt giảm lũ cho hạ du; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại bốn huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định cùng huyện An Lão và các sở, ngành, đơn vị liên quan đã khẩn trương tập trung nguồn lực ngay từ khi mới triển khai để bảo đảm sự đồng bộ. Tới nay, đã có 477/480 hộ dân của xã An Dũng nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và sẽ di chuyển đến nơi ở mới trước tháng 8-2020. Theo Bộ NN và PTNT, đây là một trong những công trình có tiến độ giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thi công.

Sóc Trăng: Có thêm CCN khoảng 1.700 tỷ đồng

Ngày 4-3, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ khởi công CCN Xây Đá B có quy mô 54ha, với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng.

CCN Xây Đá B do Công ty TNHH DinTsun Việt Nam đầu tư (hoạt động trong lĩnh vực may mặc), tọa lạc trên địa bàn xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Theo quy hoạch, CCN này sẽ triển khai công nghệ sản xuất dệt, nhuộm, may mặc... Trong quá trình thi công CCN sẽ được bảo đảm đúng với thiết kế xây dựng, và nhà máy sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn thế giới. Dự kiến, giai đoạn đầu từ tháng 3-2021, công ty sẽ tuyển 2.500 lao động. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng người lao động phải đi làm ăn xa, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương.

Quảng Trị: Cần 350 tỷ đồng khắc phục đê xuống cấp, bờ sông sạt lở

Theo Sở NN và PTNT Quảng Trị, trong năm 2020, tỉnh cần 350 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp tình trạng các tuyến đê bị xuống cấp, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo đó, tỉnh cần khắc phục khẩn cấp 16,6km đê bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn với kinh phí 130 tỷ đồng. Các tuyến đê cần khắc phục khẩn cấp gồm: Bến Hải dài 6,5km, cần 50 tỷ đồng; Tường Vân - Bắc Phước dài 2,7km, kinh phí 25 tỷ đồng; Mai Lĩnh - Ô Lâu dài 4km, kinh phí 30 tỷ đồng; Vĩnh Thái dài 3,4km, kinh phí 25 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Trị có hệ thống đê điều với tổng chiều dài gần 180km; trong đó có trên 50km đê chưa được đầu tư nâng cấp, qua đó làm cho hệ thống đê điều chưa hoàn thiện để đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều ở Quảng Trị vẫn còn diễn ra, gây nguy cơ mất an toàn. Khảo sát của Sở NN và PTNT Quảng Trị cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, thành phố, với tổng số 2.364 hộ. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hàng chục km bờ sông bị sạt lở./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com