Ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận ba dự án Luật

07:05, 29/05/2019

Sáng 28-5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có bố cục gồm 6 chương, 101 điều quy định việc quản lý Nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật này thay thế cho Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ là cần mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công và lấy tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; sửa đổi quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đổi mới quy định quản lý nguồn vốn

để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách; đổi mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phù hợp với từng loại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công...

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất là giữ nguyên quy định như Luật Đầu tư công hiện hành như quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.

Liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch  đầu tư công trung hạn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ủng hộ phương án 1 và những lập luận của Ủy ban Thường vụ  Quốc hội. Theo đó, Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), quy định như phương án 1 là phù hợp với Hiến pháp và chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Cụ thể, Hiến pháp đã khẳng định 3 chức năng cơ bản của Quốc hội, trong đó có chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Tại Điều 70 của Hiến pháp cũng quy định rõ nhiệm vụ của Quốc hội đó là Quốc hội hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. Bên cạnh đó, danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một bộ phận trung tâm, hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực ngân sách Nhà nước rất lớn trong cả 5 năm; có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, nội dung này cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định. Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định danh mục là nhằm bảo đảm thể hiện đầy đủ tinh thần Hiến pháp về vai trò của Quốc hội trong quyết định ngân sách; bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật (Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công hiện hành). Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1-11-2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương cơ cấu lại đầu tư công, theo đó cần thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính; gắn kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công. Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn là một phần không thể tách rời của kế hoạch tài chính 5 năm. Ngoài ra, việc trình Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cụ thể cho từng dự án là bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ trong xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, do Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ trong khi việc hoàn chỉnh danh mục và phân bổ vốn trung hạn thường khó hoàn tất trong một kỳ họp và trong quá trình thực hiện có thể phát sinh trường hợp cần phải điều chỉnh, vì vậy, các đại biểu đề nghị điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.  Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa bảo đảm vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, vừa bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời, nhằm luật hóa và bảo đảm tính thống nhất với Nghị quyết số 26/2016/QH14 và Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.

Ngoài ra, các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND; việc tổ chức quản lý vốn đầu tư công; điều kiện quyết định chủ trương đầu tư... cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình các nội dung các đại biểu còn băn khoăn tại phiên họp; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm 5 chương, 47 điều, tập trung vào một số vấn đề về tên gọi của Luật; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; về nội dung kế hoạch; về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; về các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên...

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 40 điều quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch về trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh. Dự án Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, có một số vấn đề tiếp tục cần xin ý kiến Quốc hội, đó là: bố cục của dự thảo Luật; bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định về sử dụng hộ chiếu và hình thức, nội dung của hộ chiếu; điều chỉnh lại các mục của Chương III bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện; về tên gọi của Luật; về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; quyền và nghĩa vụ của công dân; giấy tờ xuất nhập cảnh; cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành; về hủy, thu hồi, khôi phục hộ chiếu; điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam... Thời gian còn lại của buổi làm việc, các đại biểu thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com