Yên Bái: Chú trọng hỗ trợ kinh tế hợp tác xã phát triển

08:08, 29/08/2018

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng vừa tập trung vào những khâu đột phá để tạo tăng trưởng nhanh, đồng thời vừa chú trọng việc an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Thu hái chè tại HTX Chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Thu hái chè tại HTX Chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Mục tiêu của Yên Bái là đến năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 322 HTX với số lượng thành viên trên 25.760 người, số lao động thường xuyên trong HTX là trên 7.300 người; trong đó có 40 HTX thành lập mới trong năm 2019; khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển. Phấn đấu doanh thu bình quân đạt trên 3.370 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động là 48 triệu đồng/năm; tỷ lệ cán bộ HTX đạt trình độ sơ, trung cấp, cao đẳng, đại học đạt trên 60% so với tổng cán bộ quản lý của HTX. Đảm bảo giữ vững tỷ lệ HTX hoạt động ổn định, có hiệu quả đạt trên 75%.

Hà Nam: Hiệu quả từ nuôi cá lồng trên sông Hồng

Những năm gần đây, nhiều xã ven sông Hồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Nghề này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nuôi tăng thu nhập và mở ra hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Cá lồng được nuôi khá đa dạng với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá diêu hồng, cá ngạnh, cá trắm, cá chép… Nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Hồng nên người chăn nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao. Bên cạnh đó, giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Thủy sản, Sở NN và PTNT tỉnh Hà Nam, nuôi cá lồng trên sông Hồng tại tỉnh Hà Nam là một trong những mô hình có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với thể tích lồng nuôi từ 100-125m3, mỗi lồng nuôi cho năng suất tương đương 1ha ao nuôi trong nội đồng.

Tuy nhiên, nuôi cá lồng trên sông Hồng gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, phương tiện, dụng cụ neo giữ chắc chắn. Bên cạnh đó, các hộ tính toán độ an toàn của lồng và cân nhắc số lượng nuôi trong những tháng cao điểm của mùa mưa, bão, hạn chế tối đa thiệt hại và ổn định phát triển sản xuất.

TP Hồ Chí Minh: Triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động

Nhằm tối ưu hoá hoạt động giao nhận hàng hoá của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, địa điểm giúp cơ quan hải quan quản lý hàng hoá một cách hiệu quả, mới đây, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng Tân Cảng - Cát Lái và cảng Tân Thuận.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai phương pháp quản lý mới này cho phép người khai hải quan không phải xuất trình các chứng từ giấy khi đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan như trước đây, giúp giảm chi phí, giảm khoảng 1/3 đến 1/2 thời gian làm thủ tục; giúp doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, địa điểm quản lý chặt chẽ hàng hóa đưa vào đưa ra, chủ động trong việc xếp dỡ, nâng cao năng lực khai thác giải phóng hàng theo đó giảm nhân công, giảm chi phí do giảm thiểu hồ sơ giấy trao đổi giữa các bên.

Cục Hải quan thành phố là đơn vị lớn nhất ngành hải quan, số thu và kim ngạch chiếm khoảng 40% toàn ngành, địa bàn quản lý rộng với 10 chi cục hải quan quản lý 73 kho bãi, địa điểm của 64 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, địa điểm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hải quan 2014 và Nghị định 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com