Quảng Ninh: Phát huy hiệu quả mô hình chính quyền điện tử

08:08, 07/08/2018

Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh vươn lên đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính PAR Index, qua đó, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Sau 5 năm xây dựng chính quyền điện tử và các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện, tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ðến nay, hơn 400 đơn vị hành chính của Quảng Ninh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử. Trung bình hơn 1 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng, tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm, riêng tiết kiệm chi phí gửi, nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, khoảng 600 nghìn hồ sơ được giải quyết hằng năm giúp tiết kiệm chi phí xã hội trung bình mỗi năm hơn 70 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp tỉnh minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp, người dân dễ dàng giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước. Hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp ít nhất một lần/giao dịch.

Quảng Ngãi: Bảo vệ di sản trong quá trình xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn chỉ đạo các biện pháp bảo vệ các di sản địa chất, cải thiện cảnh quan, môi trường và các di tích tại huyện đảo Lý Sơn nhằm đáp ứng các tiêu chí của UNESCO trong quá trình xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn.

Theo nội dung công văn, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Lý Sơn phối hợp Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn và các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo vệ di sản địa chất, cải thiện cảnh quan, môi trường, xây dựng đảo Bé xanh, sạch, đẹp; giữ nguyên trạng di sản địa chất và hiện trạng sử dụng đất; tạm dừng việc chuyển nhượng, chuyển đổi, tách thửa, hợp thửa và các hoạt động khác làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất cho đến khi quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ di sản địa chất được phê duyệt. Bên cạnh đó, không cho phép xây dựng nhà ở và công trình có từ hai tầng trở lên; không cơi nới, sửa chữa nhà ở và công trình khác làm ảnh hưởng đến di sản địa chất, gây biến dạng cảnh quan, môi trường... Công văn cũng chỉ đạo việc thu gom, xử lý rác thải tại khu vực cảng và các tuyến giao thông, khu vực di tích, di sản và khu vực công cộng trên đảo Lớn; rà soát các di tích văn hóa, di sản địa chất để đề xuất kế hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị; nghiên cứu, đề xuất mở rộng và bảo vệ di tích Ðền thờ Thiên Y Ana Thánh mẫu, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để thực hiện các công trình đủ điều kiện trong năm 2018 nhằm bảo đảm hoàn thành trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn vào tháng 11-2019./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com