Làng kháng chiến Hoàng Mẫu

04:07, 23/07/2021

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà kể cho nghe nhiều câu chuyện về lịch sử của làng mình, hình ảnh hiện lên trong tiềm thức của tôi từ ngày đó thì làng tôi là một ngôi làng có truyền thống anh hùng từ thuở xa xưa, từ câu chuyện đánh bọn cướp để giữ làng hay như lời răn của cổ nhân “Vật kích Cổ Liêu đề” (tạm dịch: Chớ có dùng vũ lực mà đánh nhau với làng Cổ Liêu) đã thể hiện được sức mạnh tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của người dân nơi đây. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tinh thần đó một lần nữa được trỗi dậy mà tiêu biểu là sự kiện ngày 30 tháng Chạp năm 1950.

Cổng làng Hoàng Mẫu.
Cổng làng Hoàng Mẫu.

Chung sức đồng lòng dựng làng kháng chiến

Ngôi làng mà tôi muốn nói đến có một cái tên rất đẹp và ý nghĩa: Hoàng Mẫu thuộc xã Yên Lương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Về ý nghĩa tên gọi này, theo các cụ cao niên trong làng cho biết: Theo truyền thuyết, vào thời Lý trong một lần nhà vua cùng hoàng hậu vi hành qua làng thì hoàng hậu bỗng dưng trở dạ, khi đó bà Nguyễn Thị Lân (bà cô tổ của họ Nguyễn, làng Hoàng Mẫu) đã kịp thời làm bà đỡ giúp hoàng hậu hạ sinh ấu chúa được mẹ tròn, con vuông. Để ghi nhớ công lao này, nhà vua đã đặt tên cho làng là làng Hoàng Mụ. Khi ấu chúa trưởng thành, ngài một lần nữa đổi tên cho làng Hoàng Mụ thành làng Hoàng Mẫu, kể từ đó tên gọi làng Hoàng Mẫu được giữ cho đến ngày nay.

Vào thời Nguyễn, thôn Hoàng Mẫu thuộc xã Cổ Liêu, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Dưới chế độ phong kiến suy tàn kèm những chính sách áp bức, bóc lột hà khắc đến cùng cực của thực dân Pháp, bầu không khí ảm đạm, tăm tối lạc hậu đã bao trùm khắp làng quê.

Ngày 6-2-1948, đại hội Đảng bộ lần thứ nhất xã Minh Lương (tên gọi của xã Yên Lương thời kỳ này) được tổ chức. Đây là một mốc son quan trọng đánh dấu cho những bước phát triển mới trong công tác đấu tranh tại địa phương. Người dân làng Hoàng Mẫu luôn sẵn sàng đón cán bộ về nuôi giấu trong nhà mình, cán bộ về công tác về làng thì ở nhà ai cũng được. Đây được coi là cơ sở an toàn của Đảng.

Năm 1950, sau khi đã chiếm xong huyện Ý Yên, thực dân Pháp đóng bốt tại núi Gôi, Cầu Tào, Cát Đằng. Núi Gôi là một điểm cao có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn của xã Minh Lương, ngoài ra phía tây bắc của xã là đường Quốc lộ 10, có bốt Cầu Tào nằm một phần trên địa bàn xã. Do đó, Minh Lương trở thành tuyến đầu của toàn vùng thượng Nghĩa Hưng. Địch thường xuyên đi càn, nã pháo từ bốt Gôi về làng Hoàng Mẫu khiến biết bao gia đình lâm vào cảnh mất nhà, màn trời chiếu đất, nhiều đêm phải dắt díu nhau chạy ra cánh đồng để tránh đạn.

Nhiều lần chúng hung hăng kéo quân vào làng dở trò cướp bóc, hãm hiếp đàn bà. Khi đó, những người phụ nữ làng Hoàng Mẫu thường tập trung lại, bàn nhau bằng mọi cách để không cho giặc bắt đi: vận quần áo rách rưới, mặt bôi gio lem luốc, cốt làm sao cho quân địch thấy gớm mà tránh xa. Có những người không kịp bôi bẩn lên mặt mũi thì đi tiểu ra rồi lăn lê dưới đất... Họ làm mọi cách có thể để giữ trọn nhân phẩm của mình. Chưa dừng lại ở đó, ngày 4-5-1950, trong lúc đi càn, khi thấy người dân làng Hoàng Mẫu sợ hãi chạy trốn, quân địch đứng từ đường cái nã súng vào làng khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có các ông: Bạt, Hướng, Đường, Kẹo…

Tháng 9-1950, làng Hoàng Mẫu được chọn là nơi xây dựng làng kháng chiến dưới sự chỉ đạo của huyện ủy, sự đồng lòng của người dân địa phương. Tuy nhiên, sự việc này sớm đã lọt vào tai mắt của bọn Việt gian phản động. Đồng chí Trần Văn Đương, người làng Hoàng Mẫu, cán bộ ủy ban hành chính xã, đồng thời là người phụ trách công tác rào làng kháng chiến, đã bị địch bắt và bắn chết giữa sân đình của làng nhằm trấn áp và đe dọa nhân dân. Nhưng chúng không ngờ hành động đó đã khơi ngòi cho tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất có truyền thống từ bao đời nay của người dân nơi đây. Việc xây dựng làng kháng chiến càng được khẩn trương tiến hành. Nơi đây đã trở thành một chiến hào với những lũy tre dày đặc bao quanh, bên trong làng là hệ thống giao thông hào ngang dọc cùng hệ thống hầm bí mật kiên cố, rất thuận tiện cho bộ đội, du kích tác chiến.

Làng kháng chiến Hoàng Mẫu nằm nối liền với các làng kháng chiến khác trong vùng của các xã Yên Đồng, Yên Cường... tạo thành làng kháng chiến liên hoàn của vùng trung tâm vùng thượng Nghĩa Hưng. Trong hệ thống làng kháng chiến này thì Hoàng Mẫu là cửa ngõ phía bắc, là điểm quan trọng và ác liệt nhất vì nó đón địch từ hướng đường 10 và bốt Gôi đi xuống. Giống như cái gai trước mắt, vì thế quân địch quyết tâm tiêu diệt bằng được địa điểm này.

Cánh đồng Gồ Mả Thũn phía trước làng Hoàng Mẫu.
Cánh đồng Gồ Mả Thũn phía trước làng Hoàng Mẫu.

Trận chiến chiều cuối năm

Cụ Trần Thị Thếp (tên thường gọi là cụ Cợn), năm nay 93 tuổi, người làng Hoàng Mẫu, là người chứng kiến sự kiện sáng ngày 30 tháng Chạp năm Canh Dần (1950) cho biết: Sở dĩ quân Pháp dám mở cuộc tấn công vào làng Hoàng Mẫu nguyên nhân do một người du kích người làng Lương Đống, hắn ta nằm trong đội du kích bảo vệ làng kháng chiến Hoàng Mẫu vì căm tức khi bị phạt (do hắn trốn ra khỏi làng kháng chiến đi chơi không xin phép) nên đã ăn cắp khẩu súng trường và mang lên bốt Gôi đầu hàng giặc và trở thành tên chỉ điểm nguy hiểm, dẫn quân địch về triệt hạ làng kháng chiến Hoàng Mẫu.

Do đã được lên kế hoạch từ trước, lợi dụng thời điểm mọi người đang chuẩn bị đón Tết Canh Dần, quân địch đã điều động một đội quân cơ động lính Âu Phi, có xe lội nước và pháo yểm trợ, kết hợp với quân của các bốt Phạm Xá, Gôi, Cầu Tào tấn công vào làng kháng chiến Hoàng Mẫu và các làng kháng chiến trong khu liên hoàn. Nhờ vào tinh thần cảnh giác cao nên các đồng chí chỉ huy đã cho phần lớn nhân dân sơ tán hết, trong làng có 2 tiểu đội du kích tập trung dưới quyền chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Cáp, thôn đội trưởng. Một tiểu đội thuộc trung đội 110, bộ đội huyện do đồng chí Nguyễn Văn Trúc, trung đội phó chỉ huy. Nhiều trai tráng xin được ở lại cùng bộ đội, du kích đánh giặc nhưng dường như biết trước đây sẽ là trận chiến khốc liệt “một mất, một còn” nên các đồng chí chỉ huy chỉ giữ lại một vài người, vừa làm nhiệm vụ trông coi làng xóm, vừa phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Khi quân địch kéo đến, bao vây quanh làng và bắt đầu những đợt tấn công như vũ bão với hy vọng sớm xuyên thủng được phòng tuyến vững chắc bên ngoài để tràn vào làng. Những lũy tre xanh đã trở thành những bộ áo giáp, che chở cho đàn con quê hương trước đạn pháo của kẻ thù. Qua nhiều đợt tấn công, quân địch biết phía ta không có quân chủ lực, chúng cho quân bao vây, nhằm nhử để ta bắn hết đạn, sau đó chúng sẽ đánh tràn vào.

Đến khoảng 2, 3 giờ chiều, khi thấy tiếng súng và lựu đạn của quân ta ném ra lẻ tẻ, chúng cho quân ồ ạt phá hàng rào xông vào làng. Đạn dược đã hết, bộ đội và du kích ta cảm tử xông lên đánh giáp lá cà với giặc. Họ đã chiến đấu hiên ngang như những chiến binh, quên mình vì quê hương, đất nước. Trong trận chiến đó, tất cả 24 chiến sĩ đã chiến đấu bất khuất đến giờ phút cuối cùng và ngã xuống, thôn đội trưởng Nguyễn Văn Cáp bị địch giết hại, không những thế chúng tra tấn dã man khiến dân làng không nhận ra, sau vợ của đồng chí nhìn thấy vết sẹo ở cạnh rốn mới nhận ra đó là chồng mình.

Cụ Trần Thị Thếp cho biết: “Năm đó, tôi 23 tuổi, tôi cùng nhiều người, chủ yếu là người già không thể đi di tản được, ngồi tập trung hết ở phía trên của hầm chính (nay là nhà ông Dẫn), quân giặc do có tên chỉ điểm vị trí hầm bí mật, chúng hung hổ kéo vào, quăng lựu đạn xuống hầm, và bắn chết 11 chiến sĩ tại đây. Không chỉ dừng lại ở đấy, chúng còn đốt nhà, cướp, bắn giết hết gia súc của người dân. Bố tôi nuôi được con lợn sề nó cũng mổ bụng lấy đi buồng gan. Sau khi chúng rút đi, chiều hôm đó, dân làng tôi đã chôn cất cho cả thảy hơn 20 chiến sĩ tại cánh đồng Gồ Mả Thũn phía trước làng, chôn 3-4 chiến sĩ cùng một hố. Đến ngày mồng 3, 4 Tết, nhiều người dân ở các làng Tử Vinh, Thụy Nội… xuống đây đào lại mộ, nhận xác người thân và đem về làng mình chôn cất”.

Nhờ vào vũ khí tối tân, ưu thế về số lượng nên quân địch đã phá được làng kháng chiến Hoàng Mẫu, đốt phá hàng trăm nóc nhà nhưng dưới tinh thần chiến đấu quả cảm của bộ đội, du kích địa phương, chúng cũng bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù ngã xuống, nhưng tinh thần chiến đấu của họ là bất diệt.

Chiến tranh đã lùi xa, ngày nay, trên quê hương Hoàng Mẫu, dấu vết u ám của một thời đau thương không còn nữa, thay vào đó là bức tranh tươi vui với những gam màu rực sáng: Làng xóm yên vui, dân tình hòa thuận, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, nâng cao, mang lại cho người dân sự ấm no, hạnh phúc. Những câu chuyện xưa về làng vẫn như các mẩu chuyện cổ tích mà cụ Thếp kể cho các cháu nghe, được lưu truyền lại từ đời này qua đời khác nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Thành Nam


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com