Trường Chinh với sự chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám trong lần lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi công tác nước ngoài (kỳ 2)

06:05, 27/05/2021

PGS.TS. Phạm Hồng Chương

(Tiếp theo)

Hội nghị nêu rõ "phải kịp củng cố Đảng về mọi phương diện", làm cho Đảng được mạnh mẽ và bônsêvích hóa Đảng, "Vì chính sách Mặt trận của Đảng càng rộng rãi thì vai trò lãnh đạo của Đảng càng phải vững chắc nếu không chẳng những Đảng không lãnh đạo được Mặt trận chống phát xít Nhật - Pháp mà còn theo đuổi Mặt trận". Hội nghị đã quyết định phải tiến hành 15 phương pháp để củng cố Đảng.

Hội nghị đã ra những quyết nghị đặc biệt đối với các đảng không vào Việt Minh: "Phải ra sức vạch rõ tội ác của các hạng Việt gian thân Nhật, thân Pháp, đặc biệt là phải ra tài liệu kịch liệt đả phá chương trình của bọn Đại Việt và những khẩu hiệu "Pháp - Việt hợp tác", "Pháp - Việt phục hung" của bọn Việt gian thân Pháp", đặng mau tập trung lực lượng cách mạng Việt Nam đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc.

Về vấn đề ngoại giao với Trung Quốc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cho rằng, trước mắt phải làm cho Chính phủ Trung Quốc thấy rõ: Cuộc liên minh giữa các đảng phái cách mạng Việt Nam và Trung Quốc phải căn cứ vào nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và việc những người cộng sản Việt Nam có chân trong Việt Minh không những không cản trở cuộc liên minh giữa Việt Minh với Trung Quốc mà còn thêm sức mạnh rất nhiều cho mặt trận Hoa - Việt thống nhất kháng Nhật và đề nghị những đồng chí ở hải ngoại phải kịp tẩy trừ cô độc chủ nghĩa, phải vận động những nhà cách mạng Việt Nam đúc thành một khối biệt lập hẳn với một vài phần tử cơ hội.

Về thái độ đối với Chính phủ Đờ Gôn có thể được thành lập, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định không tán thành một chính phủ thuộc địa và phải hết sức đấu tranh cho chính phủ cộng hòa dân chủ của nhân dân Đông Dương được thành lập.

Điều cần lưu ý là trong nghị quyết đặc biệt còn chỉ rõ đối với Anh - Mỹ - Trung Quốc vào Đông Dương đánh Nhật là: "Khi ấy ta phải lợi dụng dịp tốt khởi nghĩa giành chính quyền đồng thời giao thiệp với Anh - Mỹ - Trung Quốc đế họ công nhận quyền tự do độc lập của nhân dân Đông Dương và rút ra khỏi Đông Dương sau khi cùng ta đánh bại phát xít Nhật - Pháp".

Vấn đề đặc biệt cuối cùng được thông qua Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng là nghị quyết đính chính một vài nhận xét sai lầm do chưa nói rõ chiến lược của Đảng về mối quan hệ giữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc và cách mạng thổ địa trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương. Bởi vậy, Nghị quyết của Hội nghị giải thích rõ thêm rằng: "Lúc này, nhiệm vụ dân tộc giải phóng cần kíp và quan trọng hơn. Nên Đảng phải thống nhất mọi lực lượng cách mạng đặng mau hoàn thành nhiệm vụ ấy trước. Muốn thế phải vận động đưa hết các tầng lớp nhân dân cả địa chủ, tư sản bản xứ vào mặt trận cách mạng. Do đó, khẩu hiệu thổ địa cách mạng không thể đề ra lúc này. Như thế là chiến lược của Đảng có thay đổi ít nhiều chứ không phải chỉ có chiến thuật mà thôi".

Sau Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh lại tiến hành triệu tập họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tại Võng La) để thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí trực tiếp dự thảo thể hiện rõ ràng, sâu sắc quan điểm của Đảng ta về văn hóa: xác định mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), không chỉ làm cách mạng chính trị mà phải làm cả cách mạng văn hóa, Đảng phải lãnh đạo phong trào văn hóa. Bản Đề cương chỉ rõ quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hóa là phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Để hoàn thành được cách mạng văn hóa phải có Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo và cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi cách mạng chính trị thành công.

Đề cương đề ra ba nguyên tắc của nền văn hóa mới: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại hoặc xa rời quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa phản tiến bộ, trái khoa học). Văn hóa mới Việt Nam, có tính chất dân tộc về hình thức, dân chủ mới về nội dung, là nền văn hóa cách mạng nhất, tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này. Từ đó, Đề cương đề ra những nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Việt Nam... Đề cương về văn hóa Việt Nam, bản tuyên ngôn của Đảng về văn hóa, đã vũ trang cho toàn Đảng và những người hoạt động văn hóa phương hướng đúng đắn để chiến thắng phát xít Nhật - Pháp trên mặt trận văn hóa và tư tưởng, xây dụng nền văn hóa mới của nước ta. Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày thành lập, Đảng ta có chủ trương đúng đắn về văn hóa, văn nghệ Việt Nam mà ảnh hưởng của nó còn có tác động sâu rộng đến mãi sau này. Năm 1943, trên cơ sở Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng, Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam ra đời, là một thành viên mới của Mặt trận Việt Minh.

Tiếp đó, tháng 6-1944, Đảng ta giúp một số trí thức yêu nước, tiến bộ, thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam, tham gia Việt Minh, đã làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít thêm sâu rộng, đồng thời đập tan âm mưu của địch định lôi kéo tư sản dân tộc và trí thức.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com