Đồng chí Trường Chinh với Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (5-1941) - kỳ 3

06:01, 21/01/2021

PGS.TS Đinh Quang Hải

(Tiếp theo)

Cùng Trung ương Đảng chỉ đạo khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang

Về vấn đề khởi nghĩa vũ trang, các Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và tháng 11-1940 đã có những dự kiến bước đầu, nhưng phải đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, từ sự đúc rút kinh nghiệm Xô viết Nghệ - Tĩnh, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến Đô Lương và nhất là những dự đoán sáng suốt xu thế phát triển của tình hình thế giới và trong nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc,... mới được hoàn chỉnh. Hội nghị khẳng định: "Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang" và phải xúc tiến ngay công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi. Đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện thời.

Hội nghị phân tích những điều kiện khách quan và chủ quan cho cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi và dự kiến hình thức khởi nghĩa là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: "ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mạng Đông Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng trong giờ nghỉ giải lao tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa II.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng trong giờ nghỉ giải lao tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa II.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương 8 đã khẳng định: Cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang và quyết định thành lập các Đội tự vệ cứu quốc và những tổ du kích cứu quốc làm lực lượng xung kích trong phong trào cách mạng ở địa phương. Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, đặt cơ sở nền tảng để toàn dân ta thực hiện tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Thực hiện chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh và Trung ương Đảng, các địa phương có hội Cứu quốc đã tích cực tuyển lựa những người hăng hái lập Đội tự vệ cứu quốc làm nhiệm vụ bảo vệ quần chúng, bao vây các phần tử phản động. Mỗi xã lại chọn một số đội viên tự vệ cứu quốc ưu tú lập Đội tự vệ chiến đấu xã. Các Đội tự vệ chiến đấu là lực lượng cơ động, làm nòng cốt trong việc canh gác, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các hội nghị, đẩy mạnh huấn luyện, giữ vững giao thông liên lạc với cấp trên, tích cực sắm sửa vũ khí, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh.

Trên cơ sở nhận rõ vai trò của lực lượng vũ trang trong cách mạng, ngay sau cao trào cách mạng 1936-1939, Đảng ta đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng lực lượng chủ lực. Theo đó, Đội vũ trang Cao Bằng, các trung đội Cứu quốc quân và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lần lượt ra đời. Đây là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ các căn cứ địa, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển ở khắp nơi. Cùng với xây dựng lực lượng, Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh và lãnh tụ Hồ Chí Minh còn coi trọng việc xây dựng các vùng căn cứ làm nơi đứng chân, xây dựng, củng cố lực lượng du kích. Đó là những nơi có địa thế hiểm yếu, có dân chúng cảm tình ủng hộ; việc xây dựng các vùng căn cứ đều gắn liền với việc giành và củng cố chính quyền cách mạng ở địa phương. Nhờ đó, các căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, Cao Bằng,... được hình thành và phát triển. Cùng với đó, theo chỉ thị của Đảng, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng tổ chức nhiều đội xung phong Nam tiến, làm nhiệm vụ gây dựng cơ sở quần chúng, mở đường liên lạc từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và mở thông với Hà Nội, tạo sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, thống nhất. Sự phân phối lực lượng đều khắp bảo đảm khi thời cơ đến nhất tề tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Như vậy, từ những "Đội tự vệ" được tổ chức ở Phú Riềng và Nghệ Tĩnh (năm 1930), dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh và Trung ương Đảng, cách mạng Việt Nam đã tổ chức được một lực lượng vũ trang cách mạng khá đông và rộng rãi. Lực lượng vũ trang ấy đã cùng với đội quân chính trị quần chúng đông đảo kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành một sức mạnh to lớn trong cuộc khởi nghĩa toàn dân, đè bẹp mọi sự phản kháng của quân thù, xóa bỏ chính quyền nhà nước của thực dân và phong kiến tay sai.

Như vậy, Nghị quyết đúng đắn của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương và các văn kiện của Hội nghị là kết quả trí tuệ của toàn Ban Chấp hành Trung ương, trong đó có sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh. Hòa mình trong phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng và từ nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tổng kết thực tiễn của cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh và tập thể Ban Chấp hành Trung ương đã đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, biến tư tưởng Hồ Chí Minh thành đường lối, chủ trương và đưa vào cuộc sống. Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng đã phát triển, hoàn chỉnh những chủ trương được đề ra ở Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và tháng 11-1940.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đã phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, có tác dụng quyết định trong việc vận động toàn Đảng, toàn dân tích cực chuẩn bị tiến tới khỏi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Công lao to lớn đó của đồng chí Trường Chinh đã được Đảng ta khẳng định: "Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng".

Đồng chí Trường Chinh với tài năng, trí tuệ và sự hiểu biết sâu rộng của mình trên nhiều lĩnh vực đã có những đóng góp hết sức quan trọng đối với thành công của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (5-1941), đó là những tiền đề cơ sở quan trọng góp phần vào sự thành công của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc và đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com