Thêm góc nhìn sâu sắc về Chiến dịch Điện Biên Phủ

05:12, 04/12/2020

Lần đầu tiên tại Việt Nam có một bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh là thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường, đồng thời là nguồn tư liệu quý góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Đặc sắc nghệ thuật tranh panorama

Hùng tráng, kỳ vĩ và đầy tự hào là cảm nhận của chúng tôi khi chiêm ngưỡng bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đang được hoàn thiện tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, đường kính 42m, trên tổng diện tích 3.225m2. Với 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên, các họa sĩ đã tái hiện hơn 4.500 nhân vật kết hợp với phần mô hình đắp nổi. Tất cả được xâu chuỗi, kết nối tạo nên một bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, gây ấn tượng mạnh đối với người xem.

Bức tranh phác thảo hình ảnh quân và dân ta chiếm lấy hầm Đại tướng Đờ Cát Tờ Ri. Ảnh: dienbien.gov.vn

Bức tranh phác thảo hình ảnh quân và dân ta chiếm lấy hầm Đại tướng Đờ Cát Tờ Ri.

Ảnh: dienbien.gov.vn

Panorama là thể loại tranh toàn cảnh, thường sử dụng để vẽ phong cảnh hoặc tái hiện các trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh. Trên thế giới có hai bức panorama nổi tiếng của F.Roubaud, là: “Trận chiến Borodino” được trưng bày tại Bảo tàng tranh panorama về trận đánh Borodino ở Moscow (Liên bang Nga); bức “Sevastopol panorama” trưng bày tại Bảo tàng tranh panorama ở Sevastopol (Ukraine). Riêng ở Việt Nam, đây là bức tranh panorama đầu tiên tái hiện lịch sử chiến trường.

Ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Bức tranh này là ước nguyện của rất nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh Điện Biên. Từ năm 2012, khi có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó đã có hạng mục bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, từ chủ trương cho đến khi thực hiện là một quá trình bởi ở Việt Nam lúc bấy giờ chưa có tổ chức nào vẽ được tranh panorama. Tỉnh Điện Biên đã mời chuyên gia của Nga sang khảo sát nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được.

Năm 2014, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, đơn vị thiết kế trang trí cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã đề xuất vẽ phác thảo bức tranh này. Ông cho biết: “Sau hơn một năm hoàn thiện đề cương, chúng tôi bắt tay vẽ bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ cao 2,3m trên nền vải. Tỉnh Điện Biên đã thành lập hội đồng nghệ thuật với những chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, đồng thời tổ chức hội thảo với sự tham gia của một số cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà sử học, nhà báo cùng tham gia đóng góp ý kiến”.

Nguồn tư liệu quý giá

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, quá trình thực hiện bức tranh rất công phu, kỹ lưỡng. Hơn một năm qua, gần 100 họa sĩ giàu kinh nghiệm từ Hà Nội được huy động, thay phiên nhau lên Điện Biên vẽ bức tranh.

Bức tranh được thực hiện trên nền vải, hình tròn, với bố cục chặt chẽ, tả thực theo lối đồng hiện.

Tác phẩm được chia làm 4 trường đoạn. Trường đoạn 1 có chủ đề “Toàn dân ra trận”, là hình ảnh trùng trùng điệp điệp những đoàn dân công trèo non, lội suối thồ hàng cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Trường đoạn 2 có tên “Khúc dạo đầu hùng tráng”, với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn 3 là “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà... phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Kết thúc bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá phát nổ trong đồi A1, như lời hiệu triệu quyết chiến, quyết thắng. Trường đoạn 4 là bức tranh hào hùng về “Chiến thắng Điện Biên”. Đối lập với hình ảnh những đoàn hàng binh địch thất thểu lê bước từng hàng dài là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm, với lá cờ đỏ tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Bức tranh gửi đến thông điệp về khát vọng hòa bình, quyết chiến giành độc lập, tự do, ca ngợi tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh quật khởi của quân và dân ta. Dự kiến, sau khi hoàn thiện, ban tổ chức sẽ dựng kịch bản, chiếu phim giới thiệu về quá trình hoàn thiện bức tranh; sử dụng hiệu ứng ánh sáng tập trung từng trường đoạn trên nền nhạc để giới thiệu tác phẩm.

Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ giúp người xem không chỉ thỏa mãn nhu cầu cảm thụ nghệ thuật mà còn là một dữ liệu quý giá lưu giữ những hình ảnh chân thực, sống động về Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau./.

Phạm Kiên (Nguồn: Báo QĐND)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com