Đồng chí Trường Chinh với Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (5-1941) - kỳ 2

06:01, 07/01/2021

PGS.TS Đinh Quang Hải

(Tiếp theo)

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941 thành công và với việc thông qua Nghị quyết "thay đổi chiến lược" đã hoàn chỉnh đường lối giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. "Chủ trương chính sách mà Trung ương đề ra trong hội nghị lịch sử đó đã được toàn Đảng chấp hành nghiêm chỉnh và đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945)". Kết quả đó chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc của Đảng trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành đường lối của Đảng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương được đồng chí Trường Chinh "chuẩn bị từ trước, nhưng với lòng khâm phục lãnh tụ sâu sắc thì sự nhất trí đã có ngay từ lần trao đổi đầu tiên" với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sự nhất trí giữa Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ở trong nước lúc đó với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mới ở nước ngoài về, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, nhất là với sự ra đời của Nghị quyết thay đổi chiến lược và sự đoàn kết thống nhất của Đảng ta. Đây là sự kiện không dễ có được trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế.

Như vậy, với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh và Trung ương Đảng, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo cả về chủ trương, đường lối, phương pháp và tổ chức lực lượng, mở đường cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi.

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Vấn đề xây dựng Đảng được Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt chú trọng. Nghị quyết Hội nghị đã chỉ ra những khuyết điểm trong Đảng như: thiếu cán bộ chỉ đạo, thiếu cán bộ chuyên môn, thành phần vô sản trong Đảng còn ít và phát triển cách mạng không đều. Vì vậy, vấn đề xây dựng Đảng được coi là một "công tác trung tâm" và Đảng phải "Làm sao cho đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng".

Ngay trong Hội nghị, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để kiện toàn Ban lãnh đạo của Đảng, Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới, bầu đồng chí Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư, bầu Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm ba đồng chí: Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang). Chế độ làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo nguyên tắc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra là: nêu cao tinh thần trách nhiệm; đoàn kết, nhất trí; tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách; phê bình và tự phê bình.

Trong điều kiện lúc đó, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương mang tính chất như một đại hội Đảng. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương và Tổng Bí thư, xây dựng các văn kiện như Điều lệ tóm tắt của Đảng và ra một văn kiện riêng về Vấn đề Đảng, nói rõ về Đảng Cộng sản của giai cấp vô sản và những nguyên tắc tổ chức và xây dựng Đảng. Hội nghị còn xây dựng Chương trình Việt Minh, xây dựng Điều lệ Việt Nam nông dân cứu quốc hội và Điều lệ của Việt Nam tiểu tố du kích cứu quốc.

Đồng chí Trường Chinh dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chủ trương gấp rút đào tạo cán bộ, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn về công vận, nông vận, binh vận...; tăng thêm thành phần vô sản trong Đảng, lấy việc vận động công nhân làm công việc đầu tiên trong việc tổ chức quần chúng của Đảng, làm cho phong trào công nhân lên cao và đi tiên phong cho các phong trào khác; Đảng bộ miền Nam, Đảng bộ miền Trung phải giúp đỡ việc xây dựng Đảng ở Campuchia, Lào,...

Điều này cho thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tổng Bí thư Trường Chinh không chỉ quan tâm tới sự thống nhất tư tưởng, đường lối mà còn cả vấn đề thống nhất và củng cố tổ chức của Đảng cũng như các hệ thống tổ chức chính trị xung quanh Đảng. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức của Đảng vì thế có bước phát triển mới, làm cho các tổ chức này có đủ sức mạnh bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt giành độc lập cho dân tộc.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đã phát triển lên một bước mới vấn đề thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Hội nghị chủ trương Đảng ta phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân. Cho nên, Mặt trận không thể gọi như trước là Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn, có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện trong tình hình hiện tại. Theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh.

Hội nghị cũng xác định Đảng và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Campuchia, Lào để lập ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh để sau này lập ra Đông Dương độc lập đồng minh.

Hội nghị chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc phải có Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, không phải chỉ tập hợp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, mà cả địa chủ yêu nước, nhân sĩ dân chủ, thân hào tiến bộ,... Các hội thành viên của Mặt trận đều mang cái tên có sức lay động mạnh mẽ tình cảm yêu nước: các Hội Cứu quốc.

Dưới sự chỉ đạo và phát động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh và Trung ương Đảng, một phong trào cứu nước đã được dấy lên, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn vào thành thị. Nghị quyết của Đảng đã biến thành sức mạnh của quần chúng, tạo ra bước ngoặt mới có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com