Vua Lê Thánh Tông tuyển chọn quan lại hiền tài

04:01, 09/01/2020

Bậc “Hiền tài” - Tinh hoa của dân tộc, là vốn quý của quốc gia. Ngược dòng lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam,  những đại chí sĩ võ công văn trị như: Đinh Điền, Nguyễn Bặc (thời Đinh), Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành (thời Tiền Lê), Tô Hiến Thành (thời Lý), Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Đạo Tái, Trạng nguyên Nguyễn Hiền (thời Trần), Nguyễn Trãi, Trạng nguyên Lương Thế Vinh (thời Lê Sơ), Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử), Ngô Thị Nhậm, Phan Huy Ích (thời Quang Trung Nguyễn Huệ)… đều được các vị vua anh minh tài ba trọng dụng vào các chức quan giúp triều đình chăm lo chính sự quốc gia. Nhờ thế mà vương triều thời ấy vững mạnh, thắng giặc ngoại xâm, đất nước thái bình hưng thịnh. Đồng thời cũng chính sự tôn quý, cảm phục vị minh quân đã tin yêu, giao trọng trách tạo điều kiện mà nhiều nhân tài trở thành văn quan, võ tướng tài ba kiệt xuất, trung quân ái quốc, có những cống hiến quý báu, to lớn cho sự trường tồn, vinh quang của quốc gia dân tộc và lưu mãi danh thơm.

Trường thi - Nam Định.  Ảnh: Tư liệu
Trường thi - Nam Định.
Ảnh:
Tư liệu

Tiêu biểu nhất, vào thời Lê Sơ (1428-1527), dưới triều Vua Lê Thánh Tông (1460-1497), vị vua “anh minh, lỗi lạc” đã xây dựng vương triều được lịch sử coi là “thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam”: Với tài năng kinh bang tế thế của mình, Lê Thánh Tông biết áp dụng những yếu tố tích cực “trị quốc an dân” của Nho giáo phù hợp với hoàn cảnh đất nước đương thời. Một trong những yếu tố nổi trội, hiệu quả nhất là nhà vua chú trọng thực hiện chính sách khoa cử tuyển chọn quan lại hiền tài.

Tiếp tục kế thừa các vương triều trước, Lê Thánh Tông vẫn tổ chức các khoa thi theo 3 cấp: Thi Hương (cấp vùng), Thi Hội (quốc gia), Thi Đình (nhà Vua) theo định kỳ vài bốn năm và các Ân khoa của nhà vua (nhân có sự “hoan hỉ” lớn). Quy định thể lệ khoa cử minh bạch, chặt chẽ. Đối với các khoa thi tuyển chọn hiền tài văn võ để bổ dụng chức quan; để không bỏ sót những danh tài có khả năng nhưng vì lý do không thể đi thi đúng kỳ thì thực hiện chế độ Bảo cử: Người có tước vị phẩm hàm có thể giới thiệu một người có đức tài vào làm một chức quan, nhưng phải chịu trách nhiệm (bảo lãnh).

Việc khảo thí: Tất cả quan lại từ (cao) nhất phẩm đến cửu phẩm (thấp nhất), 3 năm một lần phải qua khảo thí, văn thi văn, võ thi võ. Hỏng thi, nhẹ thì bị phạt, nặng thì bãi chức; kể cả người đỗ đại khoa, người được vua sủng ái… không ai được miễn.

Khảo khóa để kiểm tra đánh giá năng lực thực hành, tức là kết quả công việc thực tiễn của viên quan có chức đương nhiệm, đánh giá lòng dân (tín nhiệm) ở địa phương về kinh tế và đời sống xã hội tại cộng đồng. Khảo khóa chia làm 2 bước: sơ khảo và thông khảo. Ba năm một lần, quan (cấp) trên khảo sát quan dưới, Quan trường khảo sát lại thuộc quyền. Thời hạn cứ 12 năm xét thăng thưởng một lần: Có tội thì xử lý ngay (không nhất thiết định kỳ).

Có lệ Tập Ấm dành cho con em gia tộc quan lại quyền quý, được ưu tiên nhận vào học ở một số trường gọi là chiêu Văn Quán để có đủ trình độ đi dự thi. Khi thi đỗ mới bổ chức, không có ngoại lệ. Ngạch Thí chức với 3 năm đầu được bổ nhiệm là tập sự, hưởng một phần ba lương. Sau 3 năm nếu không đạt thì đuổi về.

Tổ chức các khoa và Ngự sử đài, song song với cơ chế khảo thí, khảo khóa có 6 khoa để khảo sát 6 bộ và thường xuyên giám sát công việc. Ngự sử đài tổ chức có hệ thống từ trung ương đến địa phương, theo dõi (giám sát) năng lực phẩm chất các quan lại, có quyền đan hặc (chất vấn) khi cần hoặc luận tội và kiến nghị triều đình xử lý. Các khoa và Ngự sử đài là những tổ chức độc lập, không nằm trong hệ thống tổ chức của các bộ mà do Vua trực tiếp điều hành. Việc đánh giá quan lại theo nếp hàng năm. Việc thăng, thưởng hoặc trách phạt cũng theo định kỳ, không phải lập đoàn kiểm tra cấp dưới. Chế độ lương bổng đãi ngộ theo phẩm hàm.

Ngoài các quan chức đương nhiệm theo danh vị bổ dụng của triều đình, còn có Tản Quan là những vị quan nhàn tản, tuy có tước vị phẩm hàm được trọng vọng, được hưởng lộc Vua nhưng không được giao quyền cai trị. Đó là các vị quan trong hoàng tộc, những võ công đã có chiến tích, hoặc con cháu bậc khai quốc công thần nhưng không có học vị (không có trình độ năng lực), không có quyền hành gì ngoài xã hội.

Chế độ Dưỡng liêm, đối với những quan lại có công trạng, ngoài lương tháng theo phẩm hàm chức tước còn được cấp lộc điền (quan điền) và tế điền để con cháu hưởng lộc cúng giỗ người đã khuất. Nếu phạm tội, bị bãi chức thì tất cả các bổng lộc đều bị thu hồi hết.

Dưới triều Vua Lê Thánh Tông, bộ máy quan lại từ triều đình tới các huyện, tổng (cụm xã) được quy định thống nhất, nghiêm minh, không thêm bớt dù chỉ một chức quan nhỏ. “Nếu thừa một viên (quan) phạt (người đứng đầu) 60 trượng - gậy, biếm hai tư (hạ bậc 2 chức) hoặc bãi chức; thừa hai viên xử tội đồ và người đặt vào chức ấy bị phạt 50 roi”.

Tựu chung lại, với 56 tuổi đời, 38 năm ở ngôi vua, Lê Thánh Tông đã thường xuyên chăm lo xây dựng vương triều vững mạnh, thông qua việc ban hành Luật Hồng Đức (duy nhất tồn tại đến ngày nay) và tổ chức khoa cử, tuyển chọn, bổ dụng người hiền tài vào các chức quan để cùng nhà vua cai quản đất nước. Trong 38 năm ấy, đã có 12 khoa thi (đại khoa), lựa chọn được 501 tiến sĩ. Số người đỗ đại khoa (tiến sĩ, trạng nguyên) bằng một nửa số khoa bảng cao trong 397 năm thời Lý - Trần - Hồ cộng lại. Trong số 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ thời Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, có 13 bia khắc các khoa tiến sĩ thời Lê Sơ thì trong đó có 7 tấm bia đầu tiên do Vua Lê Thánh Tông cho dựng vào năm 1484 để tôn vinh bậc đại hiền tài Nho học (7 tấm bia này đề danh tiến sĩ khoa thi các năm 1442, 1448, 1463, 1466, 1475, 1478 và 1481).

Đặc biệt, bài văn khắc trên bia đá của khoa thi đầu tiên năm 1442 được trích, dịch và thường xuyên lưu truyền cho đến ngày nay là “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí hưng thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc Đế vương Thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”./.

Ngô Tiến Vạnh
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com