Trường Chinh và sự nghiệp chấn hưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc

06:12, 26/12/2019

Hoàng Trinh

Tháng 3-1996, tại Tôkyô, tổ chức Japan Foundation, một tổ chức của Nhà nước Nhật Bản, đã tổ chức một cuộc Hội thảo quốc tế lấy đề tài là: "Chấn hưng và phát triển văn hóa, nghệ thuật dân tộc". Tham dự cuộc Hội thảo có đại biểu 9 nước thuộc châu Á trong đó có Việt Nam. Được Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia cử sang Nhật dự cuộc Hội thảo, tôi đã đọc một bài tham luận: "Sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam", được các đại biểu rất chú ý theo dõi và thảo luận.

Để viết bài này, tôi đã nghiên cứu rất kỹ toàn bộ các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa, văn nghệ và đọc lại các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và những công trình nghiên cứu lý luận tiêu biểu của chúng ta từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 cho đến nay. Đây cũng là một dịp ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta, những bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng về văn hóa, văn nghệ, của các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và giảng dạy văn hóa, văn nghệ nửa thế kỷ qua.

Đồng chí Trường Chinh thăm căn cứ Dốc Miếu, Quảng Trị, tháng 1-1974.
Đồng chí Trường Chinh thăm căn cứ Dốc Miếu, Quảng Trị, tháng 1-1974.

Trong cuộc tổng ôn tập này, tôi có dịp nhận thức sâu sắc thêm đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhân tố quyết định những thành tựu của sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa, văn nghệ dân tộc.

Đường lối văn hóa, văn nghệ là một sản phẩm trí tuệ cao của cả một tập thể, nhưng trong đường lối, ta cũng có thể nhìn thấy những đóng góp xuất sắc của từng đồng chí có trách nhiệm cao nhất. Trường Chinh, trên cương vị Tổng Bí thư và Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa, văn nghệ là một trong những nhà lãnh đạo đã có một trách nhiệm đặc biệt quan trọng.

Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam do Trường Chinh được phân công thảo ra cho đến các bài lý luận phát biểu sau này được tổng hợp lại trong hai tập Về văn hóa, nghệ thuật do Nhà xuất bản Văn học ấn hành, chúng ta thấy, Trường Chinh suy nghĩ một cách toàn diện về mọi vấn đề trong địa hạt văn hóa, văn nghệ, sáng tạo, nghiên cứu lý luận phê bình, báo chí, xuất bản, công chúng giao lưu văn hóa... Các quan điểm của đồng chí Trường Chinh từng bước đã trở thành một hệ thống hoàn chỉnh, vừa có tác dụng chỉ đạo, dẫn dắt vừa đóng một vai trò đòn bẩy và động lực đối với sự nghiệp sáng tạo, và sự nghiệp chấn hưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Điều khó khăn và gay go nhất trong lĩnh vực này là vừa bảo đảm tự do sáng tạo, tức quyền làm chủ của cá nhân nhà văn và nhà nghệ sĩ, vừa hướng được mọi sự sáng tạo vào một quỹ đạo duy nhất và thống nhất là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vào một sự phát triển không ngừng lấy cuộc sống hạnh phúc chân chính của nhân dân làm mục tiêu. Hệ thống các quan điểm của đồng chí Trưòng Chinh đóng góp vào đường lối văn nghệ của Đảng, đã xử lý được vấn đề này một cách có lý, có tình, tức có nguyên tắc và có sự đồng cảm, sự kích thích và cả hai nhân tố đều hỗ trợ nhau, mở đường cho văn hóa, văn nghệ tiến lên những khám phá mới vào cuộc sống. Thông qua những giá trị nghệ thuật và nhân văn cao đẹp mà củng cố niềm tin và làm phát triển tư duy lao động và sáng tạo của con người trong chế độ chúng ta.

Đánh giá trình độ tiên tiến văn minh của một nước, bao giờ người ta cũng dành cho văn hóa, nghệ thuật tính chất của một chìa khóa, tức tính chất khai sáng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa, nghệ thuật nước ta cũng ngày càng giàu chất khai sáng góp phần giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân, mở mang trí tuệ, tình cảm và ý thức thẩm mỹ của công chúng bằng chính chất lượng tư tưởng và chất lượng nghệ thuật của chúng. Cái cơ bản nhất, quý nhất, hay nhất của văn hóa, nghệ thuật là ở chỗ này. Tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân mà Trường Chinh thường xuyên đề cập đến là rất thống nhất với tính sáng tạo và tính nhân văn của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Cùng hội cùng thuyền nhưng mỗi tác phẩm là một tác phẩm không có hằng số và tần số mà chỉ có tính sáng tạo đơn nhất. Một tác phẩm văn học không phải là "chùm nho của Zenxis" như người ta thường nói. Nho của Zenxis vẽ, chim tưởng thật cứ đến mổ... Nghệ thuật đích thực không phải như vậy. Một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật là một sản phẩm vừa độc đáo, vừa khái quát, mang những hạt nhân vô cùng tinh tế của hiện thực thông qua một trí tưởng tượng sáng tạo của nhà nghệ sĩ ở tầm cao. Đó là quan điểm văn nghệ theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một trí tuệ lớn, đồng chí Trường Chinh luôn luôn đứng ở hàng đầu, đã vận dụng, phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào các hoạt động của văn hóa, nghệ thuật. Công lao to lớn của đồng chí trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc đã được lịch sử xác nhận và chứng minh.

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com