Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 9)

06:09, 12/09/2019

Lê Lam

(tiếp theo)

Trong tôi bỗng rộn lên một niềm vui đến bàng hoàng sửng sốt trước những lời nói hết sức bất ngờ của anh, làm tan đi bao điều e ngại.

Vâng, thế thì hay quá cho họa sĩ... Và em cho rằng có lẽ ở nước ta chỉ có cụ Hồ Xuân Hương và cụ Nguyễn Du mở cửa cho giới họa sĩ vẽ khỏa thân tha hồ, bất tận.

Anh Trường Chinh cùng cười vui với tôi:

Vẽ khỏa thân để diễn tả cái đẹp của người con gái Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam là một việc đáng làm và cần làm của các họa sĩ Việt Nam chứ! Anh tiếp tục bá vai tôi đi xem tiếp. Khi đến bức Hoạn Thư ghen:

"Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm".

Anh hỏi tôi:

Chú định nói gì ở bức này?

Em vẽ Thúc Sinh đang cúi gằm mặt xuống bàn tiệc rượu, vì Thúc Sinh chỉ còn ngậm đắng nuốt cay, còn biết nói gì... Hoạn Thư nhìn về phía Kiều với vẻ đắc thắng, cho bõ "vui này đã bõ đau ngầm xưa nay!". Nàng Kiều ngoài thì đánh đàn mà trong lại khóc thầm, "giọt châu lã chã khôn cầm". Nghe xong, Anh nói:

Như thế cũng được, nhưng nếu tôi là họa sĩ tôi sẽ vẽ: Hoạn Thư nhìn Kiều đang mời Thúc Sinh uống rượu. Ba người thôi mỗi ngươi một tâm trạng:

"Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan, bắt nhặt, đến lời,
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.
Sinh càng như dại như ngây,
Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi".

Với những gợi ý của anh, tôi rất tâm đắc và cho rằng đấy sẽ là một bức tranh để diễn tả tâm lý, tâm trạng, dung nhan con người thật thú vị, tuy rằng không phải dễ dàng gì mà có thể vẽ được. Đây là bức tranh người vẽ phải rất từng trải, hiểu đời, hiểu rất sâu sắc về con người, con người Việt Nam. Cũng là ghen nhưng cái ghen của Hoạn Thư hoàn toàn không giống cái ghen của Ôtenlô.

Xem đến bức

"Kéo cờ lũy phát súng thành,
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài".

Anh thốt lên:

Đúng rồi! Đúng rồi! Từ Hải là gì, là ai? là...

Triều đình riêng một góc trời.
Gồm hai văn vũ rạch đôi sơn hà.
Đôi phen gió quét mưa sa.
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam...

hay là:

"Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Kém gì cô quả, kém gì bá vương!
Trước cờ ai dám tranh cường,
Năm năm hùng cứ một phương hải tần..."

Như vậy đấy, cho nên làm sao mà Từ Hải không thuê được mấy anh thợ thêu, thợ kim hoàn để làm mũ mãng, cờ xúy cho tướng soái, binh lính. Làm sao mà Từ Hải lại chít khăn tai chó như một anh chọc tiết lợn được!!!

Từ Hải là một nhân vật đẹp ở trong Truyện Kiều, cũng có thể coi như Nguyễn Du dựng nên một thần tượng nam nhi. Những câu thơ về Từ Hải ở trong Truyện Kiều thật là oai hùng, đầy ý chí ngang tàng khi bị Hồ Tôn Hiến dụ hàng về với triều đình:

"Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau ?
Chọc trời quấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?"

Chí khí nam nhi đến thế là cùng, nhưng vì quá tin nghe lời vợ là nàng Kiều, mất cảnh giác với kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt. Nàng Kiều đã khóc Từ Hải:

"Tin tôi nên quá nghe lời,
Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.
Ngỡ là phu quý phụ vinh,
Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!"

Nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để lại một bài học sâu xa, thấm thía, để cho con người suy ngẫm, con người không được nhẹ dạ cả tin đối với kẻ thù. Kẻ thù của chúng ta bây giờ cũng y như thế. Chúng nó nói về hòa bình, dân chủ, tự do còn hoa mỹ hơn cả chúng ta. Đấy cũng là đặc điểm của thời đại chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên đặc điểm ấy.

(còn nữa)

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com