Những lần gặp anh Trường Chinh (kỳ 1)

06:08, 21/08/2019

Lê Lam

Năm 1945 - Cuộc gặp lần thứ nhất

Nắng tháng tư vẫn chưa gay gắt, còn dịu nhẹ. Gió từ sông Hồng làm gợn sóng bãi dâu trải dài xanh ngắt. Đội chiếc nón mộ cụp ở trên đầu, tôi cảm thấy thật dễ chịu khi mặc chiếc áo chồi chuội chanh óng ánh một màu vàng nhạt do mẹ tôi may. Tôi đi về phía Đồng Thôn, chẳng mấy chốc đã đến gốc cây xanh, đó là điểm tiếp giáp giữa hai thôn An Hà và Hải Bối (Tổng Hải Bối, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên cũ). Đó là điểm hẹn gặp với anh Cư, cấp trên của tôi. Tôi sẽ phải trao cho anh Cư một số thư đã được cuộn nhỏ bằng đầu đũa. Những thư này thường cuộn lại rất nhỏ, gọn, khi đi thường giắt vào cạp quần. Nếu có động, gặp bọn Nhật hoặc các nhà chức sắc như chánh tổng, lý trưởng... thì tôi có thể giấu trong miệng hoặc nếu cần thì nuốt luôn vào bụng.

Vốn đã quen với công việc liên lạc, chuyển thư từ, tài liệu, báo chí, hôm nay chỉ có hai bàn tay không, nên tâm hồn tôi thanh thản hơn bao giờ hết. Tôi đến bên gốc cây xanh mát rượi, miệng lẩm nhẩm hát bài hát cách mạng mà tôi vừa học được:

Đi mau tiến bước mau tiếng chim vang lừng,
Chào đón các chiến sĩ trên đường mới.
Đi mau tiến bước mau nắng xuân tưng bừng...

... Nào mau mang súng lấy gươm tiễu trừ hết quân sài lang
Cùng với non sông đất nước vinh quang muôn đời!...

Cách đó mấy hôm tôi đã dự cuộc mít tinh bí mật rất đông người, có tới hàng trăm, ở cánh đồng làng Văn Thượng (huyện Đông Anh). Trong ánh trăng suông, tôi đã hát vang bài hát này đầy khí thế và hào hứng. Hàng trăm người lắng nghe. Lúc ấy bài hát như một thủ tục bắt đầu cuộc mít tinh. Kết thúc bài hát, mọi người vỗ tay tán thưởng. Mấy anh thanh niên chĩa súng mútcơtôn (mousqueton) bắn mấy phát lên trời thị uy cho thêm phần hùng tráng, mấy anh khác đốt thuốc dẻo TNT lóe sáng rồi tung lên trời, bầu trời bỗng rực sáng. Chỉ lúc đó, người ta mới nhìn thấy bao khuôn mặt tươi cười phấn khởi dưới cờ đỏ sao vàng của Việt Minh đang tung bay trong gió...

Tôi như đang mơ màng với buổi mít tinh... Bỗng thấy một người đàn ông lạ mặt từ trong ruộng dâu đi ra tay cầm ô đen để che nắng, mặc áo dài the, quần nâu màu gụ, chân đi giầy Gia Định đen. Người đàn ông lạ mặt đi đến gốc cây xanh, cụp ô lại rồi đứng bên chiếc bia bốn mặt bằng đá có khắc chữ nho. Tôi nhìn suốt từ đầu đến chân người đàn ông lạ mặt khá chăm chú và chưa biết chào hỏi làm sao. Người lạ mặt cất tiếng trước:

Chào em! Em đi chơi đấy à?

Dạ! Em không đi chơi. Em đi trông dâu. Ruộng dâu nhà em ở ngay đây... Nhà em nuôi tằm. Tằm đang ăn rỗi...

Em cũng biết nuôi tằm à?

Không! Em không biết đâu, thầy u em biết nuôi tằm, còn em đang đi học.

Em học đến lớp nào?

Em học cua suýp (Cours Supérieure).

Người đàn ông lạ mặt lúc này nhìn thẳng vào mặt tôi có vẻ hơi ngạc nhiên. Tôi cũng nhìn rất rõ: Một khuôn mặt trắng hồng hào, mắt rất sáng, vẻ tươi tắn hiếm có. Và đặc biệt là răng người này không đen như các vị chức sắc làng tôi: chánh tổng, lý trưởng chánh hội, thủ quỹ, trưởng bạ, họ cũng mặc áo the quần trắng. Giọng nói ấm và vang trong trẻo lạ thường. Trong tôi nảy ra những ý nghĩ so sánh: Người đàn ông này không có giọng của dân thôn Nhị, thôn Tứ làng tôi. Càng không phải giọng An Hà, Cổ Điển bên cạnh, mà là một giọng Hà thành rất sang mà khi học ở làng Vẽ (Đông Ngạc) tôi đã từng nghe thấy. Tay anh mân mê chiếc khăn mùi xoa có kẻ xanh trắng bọc mấy quyển sách gì đó con con, bàn tay trắng trẻo như một thư sinh. Người đàn ông lạ mặt tiếp tục hỏi tôi:

Tại sao hôm nay em không đi học?

Thưa anh, em nghỉ học rồi. Với lại thầy u em bảo Nhật, Pháp vừa bắn nhau, Pháp không còn thì học tiếng Pháp làm gì. Hôm ở bên làng Vẽ, em thấy mấy thằng Tây xin quần áo nâu đi trốn Nhật, ai cũng buồn cười và thương cho bọn ấy. Chính bọn ấy trước đây thường Alê - đá đít dân ta. Trường làng Vẽ và ở các ngõ Vẽ, ngõ Ngác, ngõ Trung, ngõ Chùa... thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các truyền đơn đánh Pháp đuổi Nhật, có khi còn thấy cờ đỏ sao vàng của Việt Minh ở trên ngọn cây cao, ở cổng đình, tam quan chùa. Người ta nói: Việt Minh tức là Hội kín.

Người đàn ông lạ mặt chăm chú lắng nghe tôi nói chuyện và thỉnh thoảng lại đệm vào một câu: Thế à! Thế à!

Tôi vừa kể chuyện vừa dò xét thái độ của người đàn ông lạ mặt. Mặt anh vẫn thản nhiên, thỉnh thoảng lại: Thế à! Thế à!

Đến lúc này, sau khi đã quan sát kỹ người lạ mặt này tôi đoán rằng: anh này chắc cũng như anh Cư thôi, chẳng việc gì phải e ngại, nói chuyện thoải mái về chuyện của Việt Minh, Hội kín. Tất nhiên tôi vẫn tỏ ra "khôn khéo" bằng cách nói rằng em nghe người ta kể chuyện, rằng em nghe người ta đồn.

Câu chuyện dù rất sôi nổi nhưng người đàn ông lạ mặt cũng chỉ đáp lại bằng những câu: Thế à! Thế hả! Thế rồi tôi cũng thôi không nói chuyện nữa. Vì có lẽ cũng chẳng có gì để nói nữa. Bỗng tôi nghe anh hát rất khẽ. Tôi quay mặt đi nhưng chú ý lắng nghe. Một bài rồi hai bài... Có bài tôi biết rõ là các anh cán bộ dạy tôi để làm công tác tuyên truyền cho Việt Minh.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com