Bản đề cương văn hóa và việc thành lập Hội Văn hóa cứu quốc (kỳ 3)

06:07, 30/07/2019

Như Phong

(tiếp theo)

Khi nói chuyện với chúng tôi, thường thường anh không thích ngồi trước nhà hay trên gác của tòa báo. Anh hay hẹn chúng tôi đến vào buổi tối rồi rủ cùng đi bách bộ trên hè, từ cửa tòa báo đến tận đầu phố, đi đi lại lại nhiều vòng. Có lần, chúng tôi đưa anh trở lại tòa báo, rồi chào ra về thì trời đã khuya. Trước cửa tòa báo, có một rặng cây sữa tỏa xuống lòng phố một mùi hương nồng nàn, dày đặc trong những buổi tối mùa thu... Đến bây giờ tôi còn nhớ mãi mùi hương dữ dội của thứ hoa sữa đó. Có lẽ mùi hương ấy đã thường bay lùa vào giữa các cuộc trao đổi ý kiến và tâm sự của chúng tôi, trong những buổi tối hồi hai mươi tuổi ấy, bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về nhiều vấn đề của văn học, của cuộc sống...

Có một lần, trái với lệ thường, đồng chí Trường Chinh bảo tôi lên nhà. Khi tôi vừa đến, anh lấy trên bàn bản thảo một bài báo anh vừa viết hồi chiều. Anh nói: "Đây là một bài báo mình định đưa sang báo Ngày Mới. Mình viết về vấn đề cụ Phan Bội Châu vừa rồi, một vấn đề cũng cần phải có một cách nhận định thế nào đó cho quần chúng...".

Đó là cuối năm 1938, cụ Phan Bội Châu vừa làm một việc khiến cho dư luận xôn xao. Nguyên tên Thống sứ Bắc Kỳ của thực dân Pháp hồi ấy là Saten, một tên đầu sỏ thực dân nổi tiếng dâm dục, độc ác nhưng lại xảo quyệt, vừa được lệnh trở về Pháp. Hắn có nhiều tham vọng, muốn rằng khi về nước sẽ tìm cách chạy chọt để leo lên một địa vị cao hơn, chẳng hạn như trở lại làm Toàn quyền Đông Dương. Hắn dùng một số tay sai, trong đó có tên Phạm Tá, chủ một hiệu nhuộm ở Bờ Hồ, nhưng thật ra vừa là mật thám vừa là ma cô dắt gái cho Saten, bầy ra mấy trò lừa bịp để làm tài liệu cho hắn về Pháp báo cáo với "chính quốc" rằng "dân chúng Annam" rất ái mộ, lưu luyến hắn. Một trong những trò hề là tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Trường đua ngựa, bắt lũ trưởng phố, lý trưởng lùa nhân dân nội, ngoại thành Hà Nội đến dự, cho ăn kẹo bánh, bắt nghe hoặc không nghe cũng được mấy tên tay sai của Saten đọc diễn văn ca tụng, chúc tụng hắn đủ điều, tất nhiên có chụp ảnh, tường thuật trên báo om sòm... Một trò bịp nữa gian ngoan hơn, là cho tên Phạm Tá đích thân vào Huế tìm gặp cụ Phan Bội Châu, năn nỉ, tán tỉnh, nài xin cụ làm cho bài thơ chào tạm biệt Saten. Nhà chí sĩ già tội nghiệp của chúng ta, không hiểu nghĩ thế nào, cũng làm một bài thơ tứ tuyệt gởi cho Saten, nội dung và nghệ thuật cũng chẳng có ý gì cho lắm. Cụ Phan lúc ấy không còn hoạt động cách mạng gì nữa, nhưng vẫn được nhân dân cả nước ta hết lòng kính trọng, sùng bái. Khi được biết bài thơ này của cụ, nhân dân ta rất bất bình, những người trước kia tôn thờ cụ bao nhiêu thì bấy giờ lại càng phẫn uất bấy nhiêu...

Bài báo của đồng chí Trường Chinh đầu đề là "Lãnh tụ với quần chúng!". Anh chỉ nói qua về bài thơ của cụ Phan Bội Châu mà anh đánh giá là một hành động thật thà đến khờ dại, nhưng anh đi sâu vào cắt nghĩa tại sao cụ Phan là một người yêu nước chân thành, thù giặc sâu sắc mà bây giờ lại làm một việc có tính khách quan nối giáo cho giặc như vậy. Anh vạch ra rằng: cụ Phan từ khi về nước bị giam lỏng ở Huế, đã mất hết liên lạc với phong trào, với cuộc sống của đất nước. Từ một lãnh tụ yêu nước, cụ đã trở thành một ông già cô độc, nhàn tản, "ông già bến Ngự", bị phong trào cách mạng của nhân dân để lại đằng sau, thành ra mất dần ý thức chính trị, mất dần đến cả khả năng phân biệt giữa địch và ta... Sau bài này, anh còn viết một bài nữa, cũng đăng trên báo Ngày Mới, đầu đề là "Sứ mạng của phái Văn thân đã hết rồi". Lần này anh nâng vấn đề lên một bình diện cao hơn nữa. Nhân trường hợp của cụ Phan Bội Châu, anh nói đến sự tàn tạ, bế tắc của phong trào yêu nước trước đây do các cụ Văn thân lãnh đạo. Không ai không thừa nhận tinh thần yêu nước của các cụ. Nhưng các cụ xuất thân từ giai cấp phong kiến. Các cụ bị nhiều hạn chế bởi địa vị kinh tế - xã hội và hệ tư tưởng của giai cấp, nên không thể tìm ra đường lối và phương pháp đấu tranh chính xác, không thể có quần chúng đông đảo ủng hộ, cuối cùng tất nhiên phải đi đến thất bại. Vai trò lãnh đạo cách mạng dân tộc bấy giờ phải chuyển qua tay một giai cấp mới, giai cấp vô sản, mới có triển vọng thắng lợi được.

Tôi đọc hai bài này, cảm thấy mình được thỏa mãn về nhiều phương diện. Những bài ấy giải quyết cho những thắc mắc mà tôi cũng thấy có ít nhiều ở trong tôi khi xảy ra bài thơ tai hại của cụ Phan Bội Châu, vì từ hồi còn nhỏ tôi vẫn sẵn lòng hâm mộ, kính trọng cụ. Nhưng quan trọng hơn nữa, những bài ấy còn giúp cho tôi học được cụ thể cách vận dụng quan điểm và phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin để đánh giá một nhân vật, một phong trào chính trị...

Lại một lần nữa đồng chí Trường Chinh gọi tôi đến. Lần này là một cuộc phê bình thật sự của một đồng chí lãnh đạo các báo chí công khai của Đảng với một biên tập viên văn nghệ của một tờ báo thanh niên.

Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu vừa từ trần. Ông Vũ Đình Long, chủ nhà in và Nhà xuất bản Tân Dân , vốn khá nhạy đối với mọi cơ hội có lợi cho mình, liền cho ra ngay một số đặc biệt của tạp chí Tao Đàn và tổ chức cả một cuộc diễn thuyết có tính cách truy điệu ở hội quán Trí Tri, có nhiều nhà văn, nhà thơ nói chuyện, có vài danh ca ngâm những bài thơ của Tản Đà... Báo Đời Nay, trước đây không lâu vẫn chế nhạo nhà thơ già, bấy giờ cũng có một bài ca tụng Tản Đà đến hết mức...

Đồng chí Trường Chinh chỉ vào mấy tờ tuần báo, tạp chí báo hàng ngày có những bài nói về Tản Đà, và ôn tồn nói: "Cậu xem, họ làm có om xòm không? Bọn tư sản có cái gì lợi dụng được để quảng cáo, để làm tiền là họ làm ngay. Nhưng, thôi kệ họ... Tôi chỉ muốn hỏi: tại sao trên báo Thế giới, báo của thanh niên có thể để một phần trang rộng rãi cho văn học, các cậu không có bài gì nói về Tản Đà? Tản Đà, tuy là một nhà thơ lãng mạn, nhưng cũng có nhiều cái hay, xứng đáng là một nhà thơ lớn của dân tộc. Các cậu nên nhớ: người cộng sản phải quan tâm đến tất cả những gì có liên quan đến dân tộc và phải luôn luôn có mặt, có tiếng nói của mình trên mọi vấn đề.

Tôi nhớ mấy năm ấy tôi đã có nhiều dịp gần gũi và tìm hiểu nhà thơ Tản Đà. Hôm đưa đám nhà thơ, tôi cũng có đi và buổi tối hôm ấy đã thức đến khuya đọc lại bài "Thề non nước" và mấy bài "Gửi người tình nhân không quen biết"... Tại sao tôi lại không nghĩ viết một bài về Tản Đà nhỉ? Lần ấy, tôi lại được học thêm về quan điểm đánh giá văn học của đồng chí Trường Chinh và nhất là cái ý thức xây dựng, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trên mọi mặt trận, cả trên mặt trận văn nghệ...

Mải hồi tưởng lan man, một hồi sau tôi mới đọc xong bức thư của đồng chí Trường Chinh. Giá còn bức thư ấy đến nay, chúng ta sẽ có một tài liệu rất quý...

Mở đầu, đồng chí Trường Chinh nói qua về tình hình thế giới và nước ta trong thời kỳ ấy, chính sách phát xít của Pháp và Nhật. Anh gọi, ngay từ hồi ấy, chính sách văn hóa của chúng là nô dịch hóa, ngu dân kiểu phát xít và phong kiến trung cổ. Anh cũng điểm qua vài khuynh hướng văn nghệ tiêu cực nảy nở trong mấy năm ấy.

Rồi anh khẳng định cái nguy cơ bị diệt vong của nền văn hóa dân tộc, nếu ta không tích cực đấu tranh chống chính sách văn hóa phát xít của Pháp - Nhật, đấu tranh phá đổ ách thống trị của chúng.

Cuối cùng, anh kêu gọi các nhà văn hóa kiên quyết đứng dậy đấu tranh và bàn nên dùng hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh nào cho thích hợp.

Dưới thư, anh viết: "Xiết chặt bàn tay anh, lúc nào cũng ở gần bên anh".

Thư viết như viết thư riêng cho một người bạn, nhưng rõ ràng là một bản hiệu triệu của Đảng và khẳng định rõ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng.

Đảng đã gọi lòng tôi bừng bừng như có lửa cháy. Bao nhiêu nhận định của tôi về chính sách văn hóa của Pháp - Nhật và những thủ đoạn đầu độc tinh thần, làm u mê trí tuệ và tê liệt ý chí của chúng đối với nhân dân ta đã được Đảng soi sáng thêm cho. Bao nhiêu nỗi ngột ngạt, căm giận của tôi, cùng cái cảm giác chua chát thấy mình trơ trọi, bất lực trong hai năm vừa rồi bỗng như tiêu tan... Từ giờ, tôi đã có thể đấu tranh; từ giờ, tôi không phải chỉ độc một mình; từ giờ, trước mắt tôi đã có tổ chức, có lãnh đạo...

Tôi và anh Học Phi liền bàn ngay với nhau kế hoạch tiến hành công việc, trước nhất là công việc tổ chức...

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com