Anh Trường Chinh như tôi được biết (kỳ 1)

06:08, 06/08/2019

Phan Kế An

Đặng Xuân Khu là một tên tuổi mà chúng tôi đã nghe và ngưỡng mộ từ lâu, từ thời còn đi học và nhất là qua thời gian hoạt động Việt Minh từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Nguyễn Ái Quốc đã chinh phục tình cảm của chúng tôi từ trước nữa và đã khiến chúng tôi quyết tâm theo chí hướng của Người, thì Đặng Xuân Khu như là tấm gương luôn luôn ở bên cạnh, tuy chúng tôi chưa bao giờ được gặp. Thế mà có một chuyện bất ngờ.

Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ Báo Nhân Dân ở Việt Bắc.
Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ Báo Nhân Dân ở Việt Bắc.

Một buổi chiều tháng 11-1946, trong những ngày Thủ đô Hà Nội sôi sục căm thù giặc Pháp gây hấn, âm mưu đánh chiếm nước ta lần nữa, hoạ sĩ Trần Đình Thọ đến nhà tôi ở phố Bà Triệu truyền đạt ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Hội Văn hoá Cứu quốc, đề nghị tôi và các bạn hoạ sĩ cùng ở nhà tôi đến ngay nơi ở của anh Nguyễn Đình Thi tại ấp Thái Hà để làm một công tác đặc biệt, cần mang theo cả quần áo, chăn màn và đồ vẽ. Tôi nhờ anh Thọ tìm anh Mai Văn Hiến cũng ở nhà tôi, lúc ấy đang dở bận công tác ở Nhà thông tin tuyên truyền Trung ương. Cùng đi với tôi có các anh Nguyễn Tư Nghiêm, Thân Trọng Sự, Nguyễn Hữu Cát. Anh Mai Văn Hiến rồi sau cũng đến cùng anh Trần Đình Thọ. Chúng tôi gặp anh Thi và thấy có mấy đồng chí khác, có cả anh Nguyễn Khánh Toàn mà tôi đã biết. Anh Thi phổ biến cho sáu chúng tôi nhiệm vụ, đại khái: mỗi người vẽ gấp một tranh cổ động hô hào toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp để kịp tung ra khi nổ súng. Vẽ xong, tranh của ai người ấy tự khắc lấy trên bản gỗ, anh Xuân Thuỷ phụ trách báo Cứu Quốc chuẩn bị cho gỗ khắc và in ấn. Công việc phải thật khẩn trương và bí mật. Việc vẽ và khắc tranh này cần làm trong nhà anh Thi liên tục, ăn ngủ ở đây, không đi đâu trong suốt thời gian làm việc để bảo đảm an toàn. Chúng tôi yêu cầu một số dụng cụ tối thiểu, anh Xuân Thuỷ đáp ứng ngay.

Tối hôm ấy chúng tôi cùng ăn cơm với anh Nguyễn Khánh Toàn và anh Nguyễn Đình Thi, sáng hôm sau là bắt tay vào việc. Trong những ngày vẽ tranh, có nhiều người đến gặp anh Thi và xem vẽ. Một đồng chí người tầm thước, mặc áo dạ, cổ quấn khăn quàng, đến bên chúng tôi, ngắm rất kỹ từng bức tranh vẽ mực đen trên giấy trắng khổ lớn sắp hoàn thành, nhận xét bức tranh của một bạn có bàn tay chặn địch còn yếu, phải gân guốc, khoẻ hơn nữa thì mới thể hiện được tinh thần quyết tâm bảo vệ đất nước của chúng ta (khi ấy chúng tôi vẽ theo trí tưởng tượng, cũng có lúc người nọ làm mẫu tạm cho người kia vẽ). Nghe đồng chí ấy nói thế, tôi liền tranh thủ: "Thế thì anh đứng làm mẫu cho chúng tôi vẽ được đúng tinh thần". Nghe tôi nói thế, đồng chí ấy để chiếc cặp da lên bàn và xắn tay áo, lấy gân sức nắm chặt bàn tay lại, nghiêm túc đứng yên cho chúng tôi vẽ. Được dáng ấy rồi, chúng tôi lại yêu cầu đứng sang dáng khác, đồng chí ấy cũng làm theo. Mấy lần đứng làm mẫu, mấy lần lấy gân sức theo yêu cầu, chúng tôi tha hồ vẽ. Thời gian làm mẫu cho chúng tôi kể cũng đã dài, tôi cảm ơn đồng chí ấy. Khi từ biệt ra về, đồng chí khuyến khích chúng tôi: "Chúc các anh sáng tác thành công. Tranh của các anh sẽ tác động mạnh mẽ cho công cuộc kháng chiến chống giặc xâm lăng của chúng ta đấy". Tiễn đồng chí ấy ra xe, lúc ấy anh Bùi Công Trừng đứng cạnh tôi mới nói khẽ vào tai tôi: "Đặng Xuân Khu đấy!". Tôi ngớ người ra. Thế ra người mà chúng tôi "hành hạ" suốt cả tiếng đồng hồ, bắt đổi hết kiểu đứng này đến kiểu đứng khác, bàn tay nắm chặt nổi gân lên, có lúc lại còn phải cầm khẩu súng "mousqueton" với dáng xung phong chắc là mỏi lắm, người ấy lại là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh mà chúng tôi chỉ nghe thấy tên chứ chưa thấy người! Giữa lúc nước sôi lửa bỏng của những ngày cuối năm 1946, ở cương vị Tổng Bí thư Đảng, biết bao công việc lớn và cực kỳ khẩn trương của cách mạng đang phải đối mặt với kẻ thù hung hãn ngay trong lòng Thủ đô, thế mà đồng chí ấy quan tâm đến xem chúng tôi vẽ, đồng chí ấy lại còn hồn nhiên vui lòng đứng làm người mẫu cho mấy hoạ sĩ thanh niên chúng tôi, cốt sao giúp chúng tôi sáng tác thành công!

Từ đó tôi lĩnh hội ra rằng công tác văn hoá, văn nghệ, tuyên truyền, được lãnh tụ Trường Chinh coi trọng như thế nào. Sau ngày 19-12-1946, đi công tác trên các nẻo đường, thấy tranh cổ động kháng chiến của mình và các bạn được dán trên các mảng tường ở khắp mọi nơi, tôi thấy thật xúc động trước hạnh phúc lớn lao đó, mãi sau này vẫn bồi hồi nhớ lại sự kiện người mẫu đầu tiên và bức tranh đầu tiên của mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

*

Cuộc kháng chiến bùng nổ ở Hà Nội bằng trận pháo kích của ta ở pháo đài Láng bắn vào thành cũ, nơi tập trung quân đội Pháp. Từ làng Khương Hạ, cơ quan Hội Văn hoá Cứu quốc chuyển về làng Kim Bài, rồi Ngã Ba Thá, lên Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Cạn. Trong quá trình di chuyển, Trung ương quyết định cho Đoàn văn hoá kháng chiến ra đời do anh Tô Ngọc Vân làm trưởng đoàn, di chuyển nhiều nơi, sau về Xuân Áng (Phú Thọ). Báo Toàn dân kháng chiến cũng được thành lập, ra số đầu ở Tuyên Quang, rồi tiếp tục ra các số khác ở Bắc Cạn. Toà soạn có các anh Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Thành Thế Vỹ, Lê Hữu Kiều và tôi. Anh Nguyễn Văn Mãi phụ trách trị sự. Các anh Nam Cao, Nguyễn Rư Nghiêm sau cũng lên. Cơ quan Hội Văn hoá Cứu quốc cũng là cơ quan báo Toàn dân kháng chiến. Đây là nơi đi lại tấp nập của nhiều văn nghệ sĩ và các nhà văn hoá đương được phân công tác tại nhiều cơ quan kháng chiến ở mọi vùng.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com