Tôi làm giao thông cho anh Thụ, anh Chinh (kỳ 3)

07:06, 26/06/2019

Trần Thị Sáu

(tiếp theo)

Chúng tưởng anh giấu tôi ở đâu, liền trói anh lại và lấy giầy đinh giẫm thình thịch lên mu bàn chân. Anh vẫn chỉ nói:

Nhà tôi đi chợ.

Hai đứa con gái tôi, cái Dung nhanh nhảu hơn, thấy Tây, nó chạy ngay ra gốc vối, lủi ra đồng. Bọn Tây chỉ bắt được chồng tôi với cái Sự. Người ta bảo cái Sự vừa đi vừa khóc nhếch nhác. Tây bắt cái Sự dẫn đi các nhà quen. Con tôi chỉ dẫn chúng đến các nhà buôn bán thông thường. Không tìm được tôi, chúng thả con bé ra.

Gia đình tôi mỗi người mỗi nơi. Chồng tôi giặc bắt tù. Hai con tôi mỗi đứa đi ăn nhờ ở nhà một người quen.

Tôi biết rằng rồi đây gia đình tôi còn khổ hơn nữa.

Đồng chí Trường Chinh với Đoàn đại biểu Hà Nam Ninh dự Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.
Đồng chí Trường Chinh với Đoàn đại biểu Hà Nam Ninh dự Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.

Dạo trước (1941), anh Trường Chinh đã muốn tôi đi thoát ly. Nhưng anh Thụ bảo:

Không nên để chị Sáu đi. Vắng chị, gia đình này sẽ gặp khó khăn. Nhà không có một tấc ruộng, một mình anh Ba không thể nuôi hai cháu được đâu.

Nhưng đến lúc này, anh Thụ cũng phải đồng ý. Ngay hôm tôi quay xe tay trở về, hai anh đã quyết định tôi phải thoát ly. Chị Hai Vẽ biết, liền ôm lấy tôi mà khóc:

Chị Sáu ạ, chị đừng đi đâu cả. Chị cứ ở đây. Tây nó đến em khóc ầm lên và bảo chị không làm gì cả. Chúng chả nỡ bắt chị đâu.

Người cách mạng chúng mình lắm lúc hồn nhiên và tình cảm như thế đấy! Nhưng bọn giặc làm gì có tình cảm. Anh Thụ bảo:

Nước mắt của chúng ta không bao giờ có thể làm cho giặc chùn tay, hoặc trở nên hiền lành.

Anh Thụ đi ba hôm, không thấy động tĩnh gì, lại quay trở về nhà chị Hai Vẽ. Anh bảo tôi:

Ở đây chưa bị lộ, vẫn còn ở được.

*

Bọn giặc cứ tưởng tôi sợ hãi chạy đến ở nhờ họ hàng hoặc trốn biệt lên miền rừng núi. Chúng bố trí bọn chó săn lảng vảng ở các gia đình có họ với tôi. Chúng cho cả "chó" lên đánh hơi chỗ cậu Mùi, em trai tôi, tận Yên Bái. Nhưng chúng nhầm. Có phải tôi bỏ nhà đi trốn đâu, tôi bỏ nhà là để đi hoạt động cách mạng. Tôi ở ngay sát quê nhưng chúng bắt tôi sao được.

Một chuyến đò đã đưa tôi qua sông Hồng, sang huyện Đông Anh, một huyện nằm đối diện quê tôi. Tôi làm người bán chè, có lúc làm người khâu thuê vá mướn. Đến đâu có người tò mò hỏi lai lịch thì tôi nói:

Chồng tôi nó lấy vợ lẽ, vợ lẽ có con, nó phụ tình đánh đập, tôi tủi thân bỏ nhà ra đi.

Đến gây cơ sở ở làng Ngọc Giang, tôi cũng làm người khâu vá và nói lai lịch như vậy. Ông bố tôi làm nghề thợ may. Tuy bố chả chỉ bảo, nhưng đường kim mũi chỉ của tôi cũng khá. Hết nhà này mượn về khâu lại đến nhà khác, ở nhà nào tôi cũng gây được cảm tình. Ngoài việc khâu vá, tôi lại giúp họ gánh nước, giã gạo, tắm giặt cho các cháu. Tôi lại thuộc nhiều bài thơ cách mạng. Có lúc tôi ngồi nói chuyện gợi khổ và đọc những bài thơ đó. Chẳng hạn như bài này phụ nữ rất ưa:

... Gớm thay cái xã hội hiện thời,
Nó xô nó đẩy bao nhiêu người xuống bể trầm luân.
Chị em ta cùng bạn thoa quần,
Trong gia đinh ngoài xã hội, nó coi chị em mình nào có ra chi.
Suốt đời là đứa thê nhi...

Rồi có đoạn lại nói:

... Bạn cùng lũ vịt đàn gà,
Lợi quyền sự nghiệp chỉ có chĩnh mắm vại cà mà thôi...

Tôi đọc vanh vách và mọi người lặng đi mà nghe.

... Sự cực khổ kể đã vô cùng,
Chị em ta đứng dậy đồng lòng phấn khởi đấu tranh.
Có thân ta phải cứu lấy mình,
Ta cùng chị em các nước phá tan tành cái xã hội ngày nay.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com