Tôi làm giao thông cho anh Thụ, anh Chinh (kỳ 1)

06:06, 20/06/2019

Trần Thị Sáu

Quê tôi ở ngoại thành Hà Nội, làng tôi là làng Liên Mạc, một cái làng nhỏ bé, người Hà Nội chắc ít biết tới. Làng nằm ngay ven đê sông Hồng. Đi từ ô Yên Phụ ngược lên, quá Chèm một chút, xuống một cái dốc gạch là đến. Làng Chèm, làng Hoàng, làng Mạc cùng thờ chung ở đình Chèm, nhưng làng Chèm là anh cả, làng Hoàng là anh hai, còn làng Mạc là em út.

Làng Mạc lép vế nhất ba làng, gia đình tôi lại thuộc loại lép vế nhất trong làng Mạc. Bố mẹ tôi sinh ra ba chị em chúng tôi: tôi là Sáu, hai cậu nó là Túy và Mùi. Nhà tôi, mới đầu có mấy sào ruộng, nhưng sau vì nuôi bò rẽ, bò chết, người ta bắt đền, lấy mất ruộng. Nhà năm miệng ăn, bố mẹ tôi kiếm không xuể, nợ nần nhiều. Từ lúc đó, gia đình tôi bắt đầu ly tán. Thầy tôi biết nghề thợ may ta, ông cụ vác cái thước, cái vạch, cái kim, đi khâu thuê, lang thang hết làng này sang làng khác, lên tận Hòa Bình. Mẹ tôi đi ở vú ngoài Hà Nội. Bố mẹ giao chúng tôi cho bà nội nuôi. Ở với bà từ năm lên tám, đến khi tôi mười hai tuổi thì bà tôi chết. Từ đó tôi phải một mình nuôi hai em. Chị em tôi đi bắt cua, bắt ốc, đi hôi, đi mót, lần lữa sống qua ngày. Lúc đó tôi còn bé bằng tí mà đã đảm lắm, đi cấy đi gặt cũng được; mà long tong đôi quang gánh trên vai đi chợ xa chợ gần, mua rổ ổi, rổ ốc về bán cũng được. Bố mẹ tôi đi làm xa, nhưng cũng chẳng gửi tiền về, vì có đồng nào còn phải trả nợ. Chị em tôi cứ phải sống lay lắt cho đến lúc lớn khôn thành người.

Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ II của Đảng, tháng 12-1951.
Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ II của Đảng, tháng 12-1951.

Năm tôi hai mươi tuổi ông cụ gả chồng. Thầy tôi thách cưới năm mươi đồng, người ta cò kè mặc cả từ mười lăm đồng đến hai nhăm đồng mới ngã giá. Tôi về nhà chồng tháng hai, tháng tám bố mẹ chồng cho ở riêng. Bà mẹ chồng bảo:

Chị Ba à, về nhà chồng, phải lo gánh vác giang sơn nhà chồng!...

Như thế là bà đã giao cho vợ chồng tôi bảy mươi nhăm đồng bạc nợ phải trả, khi ra ở riêng.

Nhưng nào đã xong đâu! Tháng một năm ấy, chồng tôi lại đến phiên làm cỗ làng. Tôi lại phải đi vay mượn lo làm sao cho đủ chè, xôi, gạo, bỏng nộp cho làng ăn uống.

Gia đình riêng của tôi, càng ngày càng lâm vào cảnh túng thiếu, phải nhịn ăn nhịn mặc, bán ruộng nương trả nợ cho xong. Năm hăm hai tuổi, tôi sinh con đầu lòng. Nhưng miếng ăn chẳng có nên con tôi đã chết.

Anh Ba, chồng tôi là một ngươi hiền lành rất mực. Anh chẳng uống một chén rượu, chẳng đánh vợ, chẳng cãi nhau với ai bao giờ. Anh làm việc đồng áng rất giỏi, nhưng chẳng có ruộng mà làm. Hết ngày mùa, hết vụ làm thuê làm mướn, chồng tôi muốn đi đơm đi tát cũng chẳng có chỗ. Có cái vực lắm tôm cá thì từng quãng bờ, bọn hương lý đều cai quản, tôi lại phải chạy tiền mua cho chồng một quãng bờ đơm.

Hồi còn con gái tôi có quen một chị bạn biết chữ. Chị bảo chữ quốc ngữ học dễ lắm, cứ đến nhà chị sẽ dạy. Dạo đó, tối nào tôi cũng cầm cái đèn dầu Hoa Kỳ đến nhà chị học, chỉ hai mươi ngày đã thuộc 24 chữ cái và thuộc hết vần bằng. Trai làng dèm pha: "Con gái đi học chỉ tổ viết thư cho trai". Thế là ông cụ tôi cấm ngặt, không cho đi học nữa. Chị bạn cho mượn những truyện như: Tống Trân Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Chiêu Quân Cống Hồ... Chị bảo cứ đánh vần đọc mãi là chữ nó vỡ ra. Tôi rất ham học và vì thế tôi biết chữ. Bây giờ già rồi tôi vẫn còn thuộc lòng nhiều đoạn thơ ấy. Có lẽ đời tôi khổ, nên tôi cũng thương cả đời cô Kiều, cô Nguyệt Nga, cô Cúc Hoa, cô Chiêu Quân trong truyện cổ.

Lúc ấy tôi buồn bã chán nản quá đã có lúc muốn đi ở chùa. Tôi định cưới cho anh Ba một người vợ lẽ rồi sẽ tháo thân. Có chị nông dân ở vú ngoài Hà Nội chẳng may gánh nước đánh mất thùng bị chủ đánh, khóc mếu, không nơi nương tựa. Tôi dỗ chị lấy anh Ba. Chị về ở và tôi đã định bỏ nhà đi, nhưng lại nghĩ thương chị vừa thoát cảnh khổ này lại rơi vào cảnh khổ khác. Gia đình tôi nghèo túng, nếu tôi đi, chị lại phải gánh lấy công nợ, tôi nghĩ thế và nấn ná mãi. Chỉ ít lâu sau chị sinh được một đứa con gái đặt tên là Sự. Cháu Sự được sáu tháng thì mẹ cháu, vì sống khổ cực quá, nhân một cuộc cãi nhau với chồng tôi, đã giận dỗi bỏ nhà ra đi biệt tăm biệt tích.

Tôi nghèo nên rất hay thương người. Một năm đói kém, có người đàn bà không hiểu quê quán ở đâu, không có ăn, ôm đứa con còn ẵm ngửa trên tay, đến làng tôi. Chị nói rõ tình cảnh, muốn cho đứa con, nhưng đang khó khăn chẳng có người nhận. Tôi lại đem cháu về nuôi. Đó là Dung, đứa con gái thứ hai trong gia đình, kém Sự hai tuổi.

Chồng tôi vẫn đi đơm đi tát, còn tôi mở một ngôi hàng bán diêm, thuốc lào, nước mắm. Tôi còn mua nứa về chẻ nan quấn vàng giấy bán bảy, tám xu một lạt. Từ trên đê xuống cái dốc gạch làng Mạc, đi vài bước là đến nhà tôi ngay.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com