Thời công tác ở Báo "Tin tức"... (kỳ 3)

05:04, 09/04/2019

Minh Tranh

(tiếp theo)

Vào đầu năm 1939, phát xít Hítle bắt đầu khiêu chiến các nước láng giềng châu Âu, chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Sự tàn ác của phát xít Đức thể hiện nhiều nhất, rõ nhất là hành động bài Do Thái ngay trong nước Đức. Sức mạnh hung hãn tàn ác và dã man của phát xít Đức ảnh hưởng đến đa số trong giới trí thức nghiêng ngả. Ngay ở Hà Nội và nước ta lúc bấy giờ có dư luận thừa nhận kẻ làm chấn động địa cầu hiện nay là phát xít Đức. Đứng trước tình hình ấy, nhà báo Cựu Kim Sơn muốn lớn tiếng phê phán những luận điểm theo hướng ca ngợi Hítle. Tên quyển sách nhỏ Ai làm chấn động địa cầu do tác giả tự đặt nhằm chứng minh một lập luận ngược lại, nội dung đại thể như sau: Thời bấy giờ, ngay ở Hà Nội, trong nhân dân đã lan truyền việc Hítle nhiều lần bắt người Do Thái giam lại, lột trần truồng cả nam và nữ, giết hàng loạt trong các nhà giam và thiêu chết họ. Trong quyển sách nhỏ này, tác giả đã đưa ra quan niệm: chính dân tộc Do Thái, chính những người Do Thái mới là những người anh hùng, những nhà bác học đi đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học đã làm chấn động địa cầu.

Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú.
Đồng chí Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú.

Trong tòa soạn báo Đời Nay, tôi là người đầu tiên được đọc quyển sách nhỏ với đầu đề khá hấp dẫn mới xuất bản này. Đọc xong, tôi tự hỏi: Phải chăng tác giả Cựu Kim Sơn đã tự lấy gậy của bản thân mình để đập lên lưng mình. Đúng như câu tục ngữ của ta đã chê trách "Gậy ông đập lưng ông!".

Ai cũng biết rằng Hítle lập ra "nazi" hoặc Đảng Quốc xã (National socialite). Chủ trương của đảng này là "Trong nhân loại, chủng tộc Đức là chủng tộc thượng đẳng được thượng đế giao cho thống trị các dân tộc hạ đẳng khác, chẳng hạn như chủng tộc Do Thái". Để chứng minh luận điểm của Hítle, tác giả Cựu Kim Sơn chứng minh rằng người Do Thái mới là dân tộc thượng đẳng và trong dân tộc ấy, có nhiều nhà bác học vĩ đại, trong đó có thể kể Các Mác, Anhxtanh...

Ôi! Bản thân Cựu Kim Sơn cũng nuôi một quan niệm hoàn toàn giống như Hítle, cũng rơi vào chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng, chỉ khác là một bên chỉ cho dân tộc Đức là dân tộc thượng đẳng, còn bên kia thì cho chủng tộc Do Thái là dân tộc thượng đẳng.

Trong óc tôi đã có sự đánh giá nội dung quyển sách nhỏ của Cựu Kim Sơn sau khi đọc xong lần thứ nhất. Từ đấy tôi nảy ra ý muốn viết một bài phê phán trên báo Đời Nay. Vì vậy tôi trao đổi ý kiến với đồng chí Trường Chinh, nghe tôi trình bày xong anh thong thả khích lệ: "Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của anh, vậy anh nên ghi lại trên bản thảo". Tôi loay hoay viết đi viết lại bản thảo và cũng tự hỏi, cũng tự đánh giá và đến khi cho là được rồi, liền đưa cho đồng chí Trường Chinh xem. Hình ảnh của anh Trường Chinh sau đó làm cho tôi mãi mãi không bao giờ quên. Anh đã đọc kỹ bản thảo của tôi và theo thói quen, nằm xoài ra để sửa trên cái giường nhỏ mà tôi và anh Trường Chinh đã cùng dùng ở số nhà 105 phố Phùng Hưng ngày nay. Bài báo đầu tiên tôi ký với bút danh Sơn Tinh đã được đăng trên báo Đời Nay. Trước đó đồng chí Trường Chinh đã khích lệ tôi viết và sửa đi sửa lại bài báo, rồi cùng với anh Trần Huy Liệu quyết định cho đăng trong một số báo Đời Nay vào đầu năm 1939.

Những năm tiếp theo công tác ở báo Đời Nay

Tôi nhớ thời gian tiếp sau là vào khoảng tháng 5 năm 1939, tháng được đánh dấu bằng một sự kiện lịch sử. Đó là ngày 1 tháng 5 - ngày Quốc tế Lao động.

Ngày 1-5-1938, tôi đã dự lễ kỷ niệm ở rạp hát Thành Xương tại Sài Gòn. Và ngày 1-5-1939, tôi công tác ở báo Đời Nay. Trong số báo Đời Nay ngày hôm ấy tôi có bài viết về lịch sử ngày 1 tháng 5 trong nhiều năm qua. Đồng chí chủ nhiệm chính trị và đồng chí chủ bút vẫn tiếp tục giữ cương vị của mình như khi ở báo Tin Tức. Điều đó có nghĩa là báo Tin Tức đã bị cấm, song nhóm Tin Tức vẫn tồn tại và hoạt động như thường. Đúng là báo Tin Tức đã nổi tiếng từ năm 1938, khi nhóm Tin Tức tổ chức ngày 1 tháng 5 ở nhà Đấu Xảo Hà Nội, nay là tòa nhà đồ sộ được xây dựng lên nhờ sự giúp đỡ hữu nghị của Liên Xô vĩ đại. Nhưng vào năm 1939, thế của Mặt trận Dân chủ ở miền Nam cũng như thế của Mặt trận Bình dân của Pháp đã lùi một bước. Tôi còn nhớ vào một buổi tối, đồng chí Trường Chinh dẫn tôi đến một cuộc mít tinh tương đối đông ở Hà Nội; hôm ấy diễn giả chính là một người Pháp - thành viên của chi nhánh Đảng Xã hội Pháp. Sau khi diễn giả chính nói xong thì đồng chí Trường Chinh, nhân danh báo Tin Tức được mời ghi lại và dịch ra ý chính của diễn giả người Pháp kết hợp với quan điểm của bản thân mình.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com