Thời công tác ở Báo "Tin tức"... (kỳ 1)

06:04, 02/04/2019

Minh Tranh

Tôi vẫn mong có một dịp thuận lợi để ghi lại một vài nét chủ yếu hình ảnh của đồng chí Trường Chinh - một người anh, một người thầy mà tôi kính trọng từ khi được trực tiếp gần gũi. Bấy giờ là vào khoảng cuối tháng tám, đầu tháng chín năm 1938... từ Sài Gòn tôi ra Hà Nội nhận công tác ở báo Tin Tức, lúc bấy giờ có trụ sở tại đường Hăngri Đoóclêăng (Henri D'Orléan), nay là 105 phố Phùng Hưng, Hà Nội. Chủ nhiệm chính trị tờ báo là đồng chí Trường Chinh, còn chủ bút là đồng chí Trần Huy Liệu.

Những kỷ niệm của tôi về đồng chí Trường Chinh khó mà kể hết được; tôi xin bắt đầu từ sự việc sau đây: việc số báo Tin Tức phát hành trước Tết âm lịch, đầu năm 1939 bị mật thám Pháp tịch thu, đồng thời bị cấm xuất bản. Xin ghi rõ rằng: số báo Tin Tức Tết năm ấy có bài kỷ niệm trận Đống Đa của đồng chí Trường Chinh và đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của nhóm Tin Tức.

Báo Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ.
Báo Tin tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ.

Một buổi sáng trong Nhà in Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội

Sau khi nhận công tác ở báo Tin Tức, tôi bắt đầu được đào tạo làm nghề viết báo. Đầu tiên là giữ mục trao đổi thư từ với bạn đọc đã gửi các bài tin đấu tranh của công nhân và nông dân đến tòa soạn, đồng thời tôi phải tập soạn những mẩu tin về cuộc đấu tranh ở nông thôn và thành thị. Ngoài ra, tôi còn có nhiệm vụ đưa bài đến nhà in, sửa morát và trả tiền in mỗi số báo (lúc ấy là Nhà in Trung Bắc Tân văn)... Từ cuối năm 1938, tòa soạn đã tập trung ra báo Tin Tức một cách rất công phu. Đến đầu Xuân năm 1939, toàn bộ bài vở đã được chuẩn bị xong. Một bài quan trọng hàng đầu lúc bấy giờ là bài kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn của đồng chí Trường Chinh nhân ngày hội Đống Đa - Hà Nội. Tôi đặc biệt chú ý đến bản thảo bài báo này khi chữa morát và qua bài báo tôi nhận ra rằng khi nghiên cứu một vấn đề hay trình bày ý kiến trong một bài báo thì phải làm như thế nào: lời văn phải trong sáng, chuẩn xác, mỗi từ dùng trong một bài phải được cân nhắc ra sao...

Đồng chí Trường Chinh đã ân cần chỉ cho tôi những bài học ấy, đặc biệt là qua bài báo này. Điều sâu sắc nhất mà đồng chí Trường Chinh căn dặn tôi là phải tuyệt đối sửa morát sao cho không còn một lỗi nào. Chỉ vì mỗi bài báo này thôi mà tôi phải đi lại rất nhiều lần từ nhà in về tòa soạn để trao đổi với tác giả. Đồng chí Trường Chinh kiên quyết sửa đi sửa lại bài báo cho đến phút cuối cùng trước khi rập khuôn đưa lên máy in và tôi đã phải điều đình với các đồng chí công nhân in. Chính lần ấy tôi đã phải nói với anh Trường Chinh: "Thưa anh, tôi rất nể anh em công nhân đã phải sửa quá nhiều lần bài này của anh...". Đáp lại, anh Trường Chinh ân cần nói nhỏ với tôi: "Nghề của chúng ta là như vậy đó, phải thận trọng sửa đi sửa lại bài mình viết. Đấy là trách nhiệm với nhân dân, với độc giả và là trách nhiệm với chính bản thân mỗi người chúng ta...".

Sáng hôm ấy tôi rất vui mừng thủng thỉnh đi bộ đến Nhà in Trung Bắc Tân văn. Đồng chí quản lý tên là Ba Phúc trao cho tôi hơn 40 đồng để thanh toán tiền công với nhà in và cả số tiền để chuyển báo lên xe đưa về trụ sở tờ báo. Nhưng khi tôi bước vào văn phòng của Nhà in Trung Bắc Tân văn để trao tiền cho ông Nguyễn Văn Luận, thì một tiếng còi ô tô ở trước nhà in vang lên, một bầy mật thám, đứng đầu là Lanéc (Lanèque) thong thả rút ra tấm giấy đưa cho tôi "Lệnh của Thống sứ Bắc Kỳ" gồm hai phần chính: 1) Tịch thu toàn bộ số Xuân của báo Tin Tức; 2) Cấm báo Tin Tức từ nay không được xuất bản.

Cái buổi sáng đáng nhớ ấy đối với tôi hiện ra đầy đủ những rạng nét của nó. Đáng khinh bỉ làm sao tập đoàn thực dân phản động đang thống trị nước ta lúc bấy giờ!

Tiếp sau khi báo Tin Tức bị cấm thì báo Đời Nay xuất hiện và ra mắt bạn đọc.

Tịch thu số báo Xuân của báo Tin Tức và cấm xuất bản là thủ đoạn của tập đoàn thực dân phản động Pháp nhằm một mục đích duy nhất là: thanh toán nhóm Tin Tức lúc bấy giờ đang là linh hồn của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Hà Nội.

Từ Nhà in Trung Bắc Tân văn tôi trở về số nhà 105 đường Hăngri Đoóclêăng (tức phố Phùng Hưng bây giờ). Một không khí yên lặng bao trùm, các đồng chí bắt tay tôi và đợi tôi trình bày sự việc. Tôi thuật lại tình hình và một đồng chí đã trả lời: Bọn thực dân phản động làm việc của chúng nó, còn trách nhiệm của chúng ta là cứ tiếp tục con đường cách mạng đã đi và đang đi.

Ngày hôm sau chúng tôi bàn đến chuyện ăn Tết. Gia đình đồng chí Trần Huy Liệu và đồng chí Ba Phúc vẫn ở lại Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh về thăm nhà ở Nam Định và sau Tết sẽ quay trở lại. Vợ chồng đồng chí Trần Đình Long bảo tôi: Tôi biết là anh biết khá nhiều về Hà Nội và Sài Gòn, nhưng anh chưa đến Nam Định bao giờ, Tết này anh hãy cùng với chúng tôi về Hải Hậu, nơi mẹ chúng tôi có một cửa hàng nhỏ ở đấy...

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com