Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 15)

07:02, 28/02/2019

 

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Thế rồi đến cái ngày 30-9-1988 ấy. Trước đó vài tuần, tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra sau một chuyến đi công tác, chưa kịp đến chào anh. Hôm đó, tan giờ làm việc tôi ra sinh hoạt ở Câu lạc bộ Ba Đình. Một số anh chị em làm việc ở Câu lạc bộ đổ xô ra hỏi thăm tôi về cái tin chẳng lành đối với anh. Tôi ngỡ ngàng chưa biết chuyện gì và trả lời: "Mình vừa từ trong kia ra". Tôi lấy ngay xe đạp phóng sang nhà. Ôi! Cảnh tang tóc và tôi cố an ủi cô Huấn (vợ anh Kỳ), cố kìm tiếng khóc nấc của mình và cảm giác nước mắt chảy vào tim. Rồi thấy vợ chồng anh Văn vào thăm. Tôi xin một tấm ảnh, gói cẩn thận rồi phóng xe một mạch về nhà. Trời thu Hà Nội hôm ấy đẹp lắm. Tôi phóng xe nhanh đến mức chỉ còn nghe gió ù ù thổi bên tai. Không thấy gì quanh tôi nữa. Mà cũng không nghĩ đến cái gì nữa. Vào đến cửa, tôi chỉ kịp nói trong tiếng mếu máo: "Anh Năm mất rồi!" và tôi nằm khóc một mình. Sáu chục tuổi đầu bỗng cảm giác thấy bơ vơ. Vợ con tôi đều hoe hoe nước mắt. Không ai an ủi ai. Một lúc, tôi nhờ vợ tôi bầy ảnh anh dưới bàn thờ Phật, và thắp một bó hương. Tôi rửa mặt, rồi một mình chắp tay trước di ảnh của anh mà nước mắt chảy ròng ròng. Tôi thầm khấn: "Đau đớn quá anh ơi! Thấu cho nỗi lòng em! Sống khôn thác thiêng, anh phù hộ cho đất nước, cho gia đình, cho chúng em...". Bác Hồ mất, nhưng dù sao cũng còn được chuẩn bị trước. Bố tôi mất phải sau một năm tôi mới được tin. Mẹ tôi mất còn có dăm bảy ngày hấp hối. Tôi ân hận không được gặp anh trước lúc anh đi xa. Nỗi đau đối với tôi càng thấm thía khi Hà Nghiệp kể lại rằng trong buổi làm việc sáng 30-9 đó, anh hỏi anh Nghiệp rằng sao lâu quá không thấy Ước đến chơi. Đây là một trong số ít nỗi đau chia ly lớn nhất trong cuộc đời tôi. Và bài thơ tôi làm viếng anh được đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 5-10-1998.

Bài thơ có đầu đề "Anh nhận cho em một giọt lệ thương đau". Tôi trích vài câu trong bài đó:

"... Hiếu nghĩa, chung tình hết lòng vì dân vì nước,
Chung thủy, chân thành, nghĩa tình có sau có trước.
Một cuộc đời hy sinh trọn vẹn vì mọi cuộc đời,
Một con người sống rất người đối với mọi con người..."

Trong đời tôi mãi mãi có anh

Kể từ khi anh mất, đối với anh, có hai ngày tôi nhớ nhất và vào những ngày đó, tôi đều đến kính cẩn lễ anh. Đó là ngày anh ra đời (9-2) và ngày anh mất (30-9) tức (20-8 âm lịch). Đặc biệt ngày giỗ anh rất dễ nhớ vì ngày 20-8 ta hàng năm cũng là ngày giỗ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại vương). Điều này, họ hàng tôi, bạn bè thân quen tôi và gia đình anh Đặng Xuân Kỳ đều hiểu và cảm thông. Vì đối với tôi, anh là thầy và chung đối với gia đình tôi, anh là ân nhân - tình cảm này đối với riêng tôi còn mạnh mẽ hơn cả tình cảm của một đảng viên đối với lãnh tụ, hạnh phúc và tự hào đối với tôi là cả gia đình tôi đều được anh chú ý, quan tâm: mẹ tôi lúc sống cũng như lúc chết, vợ tôi từ lúc còn là người yêu của tôi, các con tôi từ đứa lớn đến đứa bé.

Đám cưới tôi, anh chị đến dự từ đầu đến cuối như một người thân thiết trong họ. Anh chị ngồi chung bàn với mẹ tôi và bố mẹ vợ tôi. Anh chị còn ngồi uống trà xem đám cưới đổi mới của chúng tôi, nghĩa là có cả "nhảy đầm". Tôi cũng được chọn làm người nhà tháp tùng chị đi hỏi vợ cho anh Kỳ bên gia đình nhà chị Huấn ở Đáp Cầu (Bắc Ninh). Chị và tôi, hai chị em cũng đủ lễ vật (chè, bánh cốm, mứt sen, trầu cau) rong ruổi xe đạp, ra ga, lên tàu, lại rong ruổi hàng chục cây số đường để dự lễ ăn hỏi. Chiều tối về, anh ngồi nghe hai chị em tôi báo cáo kết quả, rồi cùng ăn cơm. Những ngày mẹ tôi lâm bệnh trọng, anh và anh Sáu Dân cho mẹ tôi thuốc quý hiếm qua cơn hiểm nghèo kéo dài thêm được hai năm. Trước khi đi Lào, anh còn dặn theo dõi tình hình của mẹ tôi. Lúc mẹ tôi mất, chị thay mặt anh lúc đó đi công tác đến phúng viếng chu đáo. Tất nhiên, tình cảm giữa Kỳ và tôi là tình bạn thiêng liêng như anh em ruột thịt, tuy cá tính và lối sống có khác nhau...

Kết thúc bài viết, thắp nén hương lòng, xin mãi mãi tưởng nhớ anh, một tâm hồn Việt Nam trong sáng, một nhân cách lớn Việt Nam trong thế kỷ XX./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com