Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 10)

06:02, 19/02/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Đúng sáng 9-2-1987, những người đến chúc mừng sinh nhật anh đã tề tựu đông đủ. Anh Việt Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước với lẵng hoa lộng lẫy, mặc nhiên là trưởng đoàn. Anh đã có mặt với nụ cười thật rạng rỡ. Anh Việt Dũng phát biểu lời chúc mừng được anh em nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Anh cảm ơn và mời anh em ngồi. Nhưng có ý kiến: dịp này, chắc anh Hoàng Ước có thơ. Anh Trường Chinh đứng nhìn tôi trìu mến như có ý xem tôi có thơ không. Tôi xin phép hỏi nhỏ anh: năm nay, anh 80 tuổi, anh cho phép chúng tôi gọi anh bằng Bác nhé! Anh trả lời ngay: "Từ Bác để dành gọi Bác Hồ. Đối với các cậu, mình chỉ là anh thôi". Một số anh em cũng nghe được lại vỗ tay. Tôi xin phép đọc. Anh em muốn anh ngồi cho đỡ mệt. Anh không chịu, vẫn đứng để nghe tôi đọc thơ. Tôi nén xúc động, đọc thật to và rành mạch:

NON sông này vẫn non sông cũ,
NƯỚC Nhĩ Hà dâng cuộn Sóng Hồng.
MỪNG vui trải tám mươi xuân ấy,
ANH vẫn Trường Chinh với núi sông.

Anh em nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.

Anh xúc động phát biểu mấy lời cảm ơn rồi mời anh em ăn kẹo bánh, uống nước. Tôi đưa tặng anh bài thơ, mà tôi đã chép tay một cách nắn nót như bài viết tập của anh học sinh cấp I. Tôi sung sướng và rất hả hê, vì đã dành cho anh một sự bất ngờ.

Đồng chí Trường Chinh tại Lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Trường Chinh tại Lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một hai hôm sau, tôi khoe với vài anh em thân bài thơ tặng anh, Hà Nghiệp là nhân chứng bình thêm càng tăng giá trị bài thơ. Trần Quốc Vượng phát biểu: "Đấy! Bố mày làm mấy câu thơ mà biết bao người phải gồng sức lên phù trợ. Khao chầu bia đi!...". Cũng là uống bia, nhưng cốc bia mời anh em hôm đó sao mà vui thế! Rồi anh Hoàng Phong lấy một bản chép bài thơ đó, và bảo tôi rằng anh sẽ cho đăng. Rồi tờ báo của Trung ương Mặt trận Tổ quốc đăng thật, với tấm hình của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ở trên, trong một khung trang trọng. Tôi nhận tiền nhuận bút có lẽ vừa đủ chi một chầu bia. Anh Thịnh thương tình lôi tôi đi khao một chầu ăn uống đã đời tốn kém đến bốn, năm chục đôla. Anh nói vui: "Đáng thưởng cho cậu lắm! Anh Trường Chinh là người mà lớp anh em trí thức bọn tao quý nhất. Tớ tưới cho cậu (chữ Pháp anh dùng là arroser)". Anh là giáo sư tiến sĩ về thú y, và tôi đã tặng anh Trường Chinh số báo quý đó. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn lời khai, nếu anh truy hỏi, rằng: "Chủ mưu cho đăng là anh Hoàng Phong, tôi chỉ là một trong những kẻ đồng lõa, còn người xui đưa đăng và hoan nghênh bài thơ đó thì khá đông". Tôi không quên kể đến tính chất tác giả tập thể của bài thơ này. Anh cảm động và nhờ tôi chuyển lời cảm ơn về sự nhiệt tình của anh em. Và tôi không quên tặng chị số báo đó. Tất nhiên, Đặng Xuân Kỳ thì lại càng không thể nào quên được; kể cả những bài thơ chưa xuất lò.

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến lời anh Thép Mới nói về anh Trường Chinh.

Năm 1983, cả hai chúng tôi tháp tùng anh Trường Chinh trong chuyến đi công tác khảo sát thực tế ở Đồng Nai, Vũng Tàu. Trước đó, anh đã có chuyến đi khảo sát ở các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai - Đắc Lắc). Do từ lâu ít được tiếp xúc với anh Trường Chinh, nên sự thay đổi về tư duy, nhận thức của anh Trường Chinh khiến anh Thép Mới rất ngạc nhiên. Trong chuyến đi này, đoàn công tác của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước do anh Trường Chinh làm trưởng đoàn. Anh Thép Mới và tôi cùng ở và nghỉ trong một phòng. Tâm sự cùng tôi, anh Thép Mới nói: "Tao thấy ông cụ này rất mới đấy. Trường Chinh hồi xuân rồi. Một sức hồi xuân ghê gớm, mạnh mẽ, bột phát. Sau này, tao cộng tác với mày viết về Trường Chinh - nghệ sĩ. Mày không hiểu, viết về Trường Chinh mà không thấy khía cạnh nghệ sĩ trong tâm hồn, phong cách là chưa hiểu cụ ấy. Mới vài năm không gần ông cụ, mình không hiểu ông cụ lắm, có khi còn hiểu sai nhiều. Rồi mày xem, với vốn liếng giàu có về nhiều mặt, bản lĩnh ông cụ có thể giúp cho đất nước này thoát khỏi khó khăn hiện nay. Ông cụ có tâm sự với tao một cách say sưa. Thú vị nhất là ông cụ nói rằng ít lâu nay người ta tự ru mình, tự đánh lừa mình, đi đến chỗ nói dối tập thể, bưng mắt trước tình hình, đi đến chỗ lừa dối nhau một cách tự giác. Chỉ tiếc rằng ông cụ đã già rồi. Có khi rồi ông cụ này sẽ tạo ra một bước ngoặt đấy...".

Tôi bỗng nhớ và nghĩ đến anh Thép Mới, những ngày tôi đón anh và anh Trần Đình Vân (Thái Duy) về cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam (ở R) và anh coi tôi như bạn vong niên. Và tiếc thay, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được đọc "Trường Chinh - nghệ sĩ" của Thép Mới nữa. Âu cũng là một thiệt thòi lớn. Cũng cần nói thêm điều anh Thép Mới giải thích cho tôi về đầu đề cuốn sách anh định viết: "Mày không hiểu! Tao nhớ mãi cái câu của Cốc Tô đại ý: Sống đã xứng đáng là một con người (chân chính) thì chết đáng được tưởng thưởng như người nghệ sĩ. Mày thấy không? Ông cụ này cự phách lắm. Chính do ông ấy đọc Cao Bá Quát mà nảy sinh sáng kiến phá kho thóc thời Tiền khởi nghĩa. Đọc Tam quốc, đến chỗ thời tiết là một yếu tố khách quan phải tính đến trong nghệ thuật quân sự, ông ấy đã hỏi ông Văn về tình hình hoạt động của quân ta ở Lào, rồi trong chính trị ông ấy rất có mẹo. Ông cụ ấy luôn luôn là người dự báo đúng những diễn biến mới của tình hình, suy nghĩ sâu xa về mọi mặt. Tao với mày đều đã có thời gian sống gần gũi ông cụ ấy. Nhưng để thấu hiểu ông cụ ấy, thì chưa chắc mày hiểu bằng tao. Đừng có nghĩ rằng cái tiêu đề đó tầm thường đâu nhé! Tao lại nghĩ rằng cái đầu đề tao chọn mới đủ sức chứa đựng những cái tốt trong con người Trường Chinh. Cộng tác với tao, thậm chí là đồng tác giả của cuốn sách đó, mày chỉ cần cung cấp cho tao thêm sự kiện, là tao viết được. Mày không biết chứ ông cụ ấy cũng biết văn nghệ sĩ chúng ta cũng có khía cạnh tự do, tếu táo của mình. Nhưng đến với ông cụ này, vẫn thấy nổi bật cái nét chân thành thánh thiện, cho nên ông cụ có sức hút cảm hóa lạ kỳ. Rồi mày ngẫm xem, ông cụ này nhất định sẽ làm nên một cái gì cho mà xem...".

Anh Thép Mới hơn tôi 4 - 5 tuổi, vào lò của anh Trường Chinh trước tôi hàng chục năm cho nên tôi đã quá quen cư xử với anh như một bậc đàn anh, không quan tâm đến thái độ gia trưởng của anh đối với tôi. Nếu anh còn, chắc chắn dự thảo bài viết này sẽ được anh tham gia ý kiến, và tôi tin rằng sẽ sinh động hơn, hay hơn. Bởi vì, thời kỳ cuối đời của mình, anh là người rất ngưỡng mộ anh Trường Chinh.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com