Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 21)

06:12, 26/12/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Lẽ tất nhiên, cuộc gặp với đại diện phái Pháp thân Đờ Gôn không đi đến kết quả như mong muốn.

    Trước cuộc họp đó gần ba tháng, trên báo Cờ Giải Phóng số ra ngày 28 - 9 - 1944, anh Trường Chinh viết:

    "Bổn phận của Đảng tiên phong là phải giác ngộ, thuyết phục người và phải luôn luôn kiếm vây cánh cho cách mạng. Không thể khoanh tay ngồi chờ khi nào người ta tự giác ngộ đến với mình rồi mình mới tay bắt mặt mừng khác nào như được của trời cho. Vả lại, người cộng sản bao giờ cũng nhìn sự vật theo quá trình tiến triển của nó.

    Mặc dù phái Đờ Gôn tỏ rõ xu hướng đế quốc, nghĩa là không thừa nhận những điều kiện liên minh của Đảng Cộng sản Đông Dương đặt ra: Hành động thống nhất chống phát xít Nhật và Đông Dương hoàn toàn độc lập, Mặt trận chống phát xít ở Đông Dương vẫn có thể thực hiện trong một tình thế nhất định. Mặt trận đó bao gồm rộng rãi nhân dân cách mạng Đông Dương đến Hoa kiều yêu nước và người Pháp chống phát xít mà phe Pháp thân Đờ Gôn chỉ là một bộ phận. Có thể trong một tình thế nhất định, bao gồm cả lính Nhật nữa. Vì lính Nhật là ai? Là thợ thuyền, dân cày hay nhân dân thuộc địa Nhật cũng căm hờn đế quốc Nhật.

    Nếu bọn Pháp Đờ Gôn vì quyền lợi ích kỷ, không chịu tham gia mặt trận chống phát xít Đông Dương, thì không phải vì thiếu họ mà mặt trận ấy không thể thực hiện được".

    Anh Trường Chinh còn viết: "Trong binh lính Pháp và lính lê dương ở đây, còn nhiều phần tử có xu hướng cộng sản hay xã hội chân chính, hoặc có xu hướng quốc tế chống phát xít xâm lược đến cùng. Trong giờ quyết liệt, họ sẽ vượt qua đầu bọn Pháp Đờ Gôn mà bắt tay với cách mạng Đông Dương đánh phát xít Nhật, Pháp".

    Một tháng sau cuộc họp với đại diện phái Pháp thân Đờ Gôn, ngày 28 - 1 - 1945, trên báo Cờ Giải Phóng, anh Trường Chinh lại viết:

    "Vì quyền lợi đế quốc, bọn Pháp Đờ Gôn không thừa nhận quyền dân tộc độc lập của ta. Vì sợ tù tội, những phần tử Pháp Đờ Gôn ở Đông Dương không dám công nhiên chống Nhật và bọn Pháp gian phản quốc. Trái lại, chúng lẩn lút trong bộ máy thống trị của bọn Đờcu đặng áp bức bóc lột dân ta và cam chịu làm tay sai cho phát xít Nhật, Pháp. Gần đây chúng thúc đẩy bọn Đờcu thi hành một vài phương pháp cải cách vụn vặt hòng mua chuộc lòng dân và tưởng rằng như thế chúng có thể thoát khỏi hai gọng kìm: một bên là nhân dân cách mạng Đông Dương, một bên là phát xít quân phiệt Nhật".

    Bấy giờ, Thường vụ Trung ương đã tổ chức được nhiều kênh thông tin giúp kịp thời nhận định tình hình biến chuyển mau lẹ. Ta có được một bác công nhân già trong một nhà máy in của Pháp chuyên in các bản tin mật cung cấp cho giới chóp bu Pháp. Mỗi lần trong ngày chỉ in đúng tám mươi bản. Trong khi in, có một sĩ quan Pháp đứng bên cạnh kiểm soát hết sức chặt chẽ. Mặc dù vậy, người của ta vẫn lấy được một bản để chuyển ra ATK cho Trung ương.

    Riêng tôi được anh Trường Chinh giao cho nắm hai nguồn tin. Đó là hai mối đơn tuyến đặc biệt.

    Một là, giữ liên hệ với anh Nguyễn Tạo, đồng hương và bạn học cũ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nhà trí thức này quen biết Komatsư, Viện phó Viện Văn hóa Nhật. Chính Komatsư cũng lợi dụng mối quan hệ với Hoàng Xuân Hãn để nắm tình hình giới trí thức Bắc Hà. Một ngày đầu tháng 3-1945, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho anh Nguyễn Tạo biết: "Komatsư nói với tôi rằng hắn sắp về nước, thời kỳ hoạt động văn hóa của hắn đã qua rồi. Nay đã tới lúc bắt đầu thời kỳ hoạt động của các nhà quân sự".

    Hai là, mối của anh Lê Tư Huyến, một cơ sở do anh Lưu Văn Lợi giới thiệu. Anh Huyến là con một nhà Nho yêu nước, cháu cụ Cử Lam Cầu (Hà Nam) giỏi tiếng Pháp và tiếng Nhật, làm phiên dịch, được Komatsư tin dùng. Anh Huyến tiếp cận dễ dàng với giới sĩ quan cao cấp của Nhật ở Hà Nội. Cũng một ngày đầu tháng 3 - 1945, anh Lê Tư Huyến cho tôi biết: "Quân Nhật ở Hà Nội đang chuẩn bị ráo riết. Mỗi người được phát mười ngày lương khô. Các đơn vị đều được tăng cường thêm vũ khí, đạn dược. Đã có lệnh cấm binh sĩ ra khỏi trại. Lại có tin phát súng cho cả bọn Đại Việt thân Nhật...".

    Tôi vội cấp tốc về ATK báo cáo với anh Trường Chinh. Đó là chiều ngày 6-3-1945. Nghe tôi báo cáo, anh Trường Chinh nói: "Nhật nó sắp lật Pháp đến nơi rồi". Và anh bảo tôi ra ngay Hà Nội, tổ chức các cơ sở cách mạng thu thập tin tức diễn biến tình hình đột xuất sẽ xảy ra.

    Ngay sau đó, anh Trường Chinh đã triệu tập hỏa tốc Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng. Cuộc họp lịch sử này được tổ chức vào chiều tối ngày 9 - 3 - 1945. Nơi được chọn làm địa điểm họp là chùa Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, Tiên Sơn, Bắc Ninh (cách ga Từ Sơn khoảng 2 kilômét). Sư cụ chùa này là Đại đức Phạm Thông Hòa, trông coi cả chùa Lã và chùa Dận (nơi Lý Công Uẩn làm tiểu lúc còn nhỏ). Sư cụ do ông Đám Thi làng Đình Bảng giới thiệu và anh Trường Chinh trực tiếp gặp và giác ngộ cách mạng từ năm 1940. Từ đó, chùa Đồng Kỵ trở thành cơ sở của Thường vụ Trung ương. "Họp ở đây rất tốt - anh Trường Chinh nhớ lại - thỉnh thoảng, nhà chùa còn đãi Thường vụ chúng tôi một bữa cơm chay".

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com