Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 16)

05:12, 07/12/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Tổng Bí thư Trường Chinh kêu gọi: "Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương! Các giới đồng bào yêu nước! Thời cuộc trong, ngoài hết sức có lợi cho ta. Dịp tốt ngàn năm có một đang lại! Hãy tiến gấp! Hãy kịp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra... Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện để tóm lấy nó...".

    Từ cuối năm 1943, Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương tổ chức vượt ngục ở tất cả các nhà tù đế quốc khét tiếng để giải cứu các cán bộ nhằm bổ sung cho phong trào cách mạng đang lên và rất cần trong lúc này. Đó cũng là thời điểm mà thực dân Pháp có chủ trương chuyển nhiều đợt tù chính trị từ Sơn La về giam ở Hòa Bình, để rồi chuyển ra Côn Đảo, với âm mưu giết hại dần mòn những người tù này.

 Tổng bí thư Trường Chinh đọc báo cáo tại hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1949
Tổng bí thư Trường Chinh đọc báo cáo tại hội nghị toàn quốc của Đảng năm 1949

    Trong năm 1944, Đội công tác chúng tôi lần lượt được đón các anh Nguyễn Khang, Trần Độ, Trần Cư, đang trên đường bị địch dẫn giải từ Sơn La về Hòa Bình, đã trốn thoát trở về. Anh Nguyễn Khang được bổ sung vào Xứ ủy Bắc Kỳ, làm báo Cứu Quốc với anh Lê Quang Đạo. Anh Trần Độ và anh Trần Cư được phân về Đội công tác của Thường vụ Trung ương.

    Một hôm, tôi được anh Trường Chinh giao nhiệm vụ đưa đón một cán bộ vào thẳng ATK của Thường vụ Trung ương. Tôi đoán là một cán bộ quan trọng nên mới có ngoại lệ đó. Điểm hẹn là gốc cây gạo bến đò Sù (Phú Xá, quận Tây Hồ bây giờ). Tôi cho một em thiếu niên ra quan sát trước. Em trở về nói lại là có một ông dáng người cao cao, da trắng, mặc áo dài, khăn đóng, đeo kính râm đang chờ đò. Thế là đúng rồi. Tôi bèn tiếp cận, trao đổi mật hiệu, rồi đưa ông khách sang sông, về nghỉ ở nhà bà Thìn, một gia đình cơ sở cách mạng ở Đông Anh. Người cán bộ đó, phải mấy hôm sau tôi mới biết là anh Lê Đức Thọ (tức Phan Đình Khải), một cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trước đây đã bị giam trong các Nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Hòa Bình, mới trốn thoát trở về.

    Ngay sau đó, anh Trường Chinh đã tới gặp anh Lê Đức Thọ và phân công anh phụ trách Đội công tác, lúc này gồm anh Trần Độ, Trần Cư và tôi.

    Ở ATK lúc bấy giờ, đời sống rất khó khăn. Những ngày đông giá rét, cả bốn người chúng tôi đều phải nằm úp thìa và đắp chung một chiếc chiếu. Anh Thọ, người cao, nằm duỗi chân thì lạnh quá, không sao ngủ được. Gia đình bà Thìn rất nghèo, chỉ có một chiếc chăn chiên mỏng, ngỏ ý muốn nhường chăn cho anh Thọ. Nhưng anh cảm ơn, từ chối và vẫn co chân đắp chiếu nằm chung với chúng tôi.

    Hằng ngày, anh Thọ cùng húp cháo và ăn khoai với chúng tôi, thỉnh thoảng mới có một bữa cơm độn. Song, làm việc rất hăng và rất vui, hết mực thương yêu, chăm sóc lẫn nhau, nói được với nhau đủ thứ chuyện.

    Trong Đội công tác, tôi là người được Thường vụ Trung ương biệt phái hẳn vào công tác nội thành, thỉnh thoảng mới ra ATK họp, nhận việc. Công việc chính của tôi được anh Trưòng Chinh trao cho, từ giữa năm 1944 là theo dõi hoạt động của nhóm chiến sĩ lê dương chống phát xít mà Chiến sĩ là hạt nhân lãnh đạo.

    Mùa hè năm 1943, nhóm chiến sĩ lê dương chống phát xít của Boócsơ (Chiến sĩ) hoạt động mạnh. Họ tích cực tìm kiếm, bắt liên lạc với những người Pháp thân Đờ Gôn ở Hà Nội, kể cả quân sự lẫn dân sự. Chiến sĩ cho biết lúc này tướng Moócđăng, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, đã nhận được thư riêng của Đờ Gôn giao nhiệm vụ tổ chức "lực lượng kháng chiến Pháp bên trong Đông Dương" hay là " lực lượng nội địa Pháp ở Đông Dương" (Forces Françaises Intérieures, viết tắt là FFI). Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Hà Nội, chỉ duy nhất có một lần, người ta trông thấy kẻ trên mặt đường phố Tràng Thi, phía cửa Nam, ba chữ cái lớn FFI bằng vôi trắng. Chiến tranh trên mặt biển Thái Bình Dương ngày càng ác liệt. Nhật tuy thua to, nhưng vẫn còn mạnh. Trong khi co cụm lại, lui về bảo vệ lục địa Đông Nam Á, Nhật vẫn cảnh giác đề phòng quân Pháp "trở tay" ở Đông Dương, phái Pháp Đờ Gôn ngóc đầu dậy hoạt động.

    Một hôm, Chiến sĩ gặp tôi, hồ hởi cho biết nhóm chiến sĩ chống phát xít ba người các anh mới phát triển được Srôđơ (Schröder), một thanh niên trí thức Đức, giáo sư Viện xã hội học tại Phrăngphuốc, cũng cùng chung một cảnh ngộ và chí hướng như anh. Làm quen với một vài gia đình trí thức Pháp ở Hà Nội, chiến sĩ liên hệ được một kỹ sư người Áo làm việc ở một phòng thí nghiệm của sở mỏ Pháp, gần Nhà hát Lớn. Anh kỹ sư này vốn là đảng viên Đảng Xã hội - Dân chủ Áo, do đó có quan hệ với Lui Capuy (Louis Caput), Bí thư Đảng bộ Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com