Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 13)

06:11, 28/11/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Ngay sau khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bọn thực dân phản động Pháp đã lập lại chế độ kiểm duyệt sách báo do sở Thông tin tuyên truyền báo chí Bắc Kỳ (IPP) thực thi. Đứng đầu cơ quan này là Cútxô, trùm mật thám cáo già, nói tiếng Việt như người Việt Nam, và thạo cả chữ Hán, Nôm nữa. IPP nắm trong tay độc quyền phân phối giấy in, cấp phép xuất bản sách, báo và biểu diễn nghệ thuật.

    Dù phải dồn sức vào mặt trận quân sự, từ sau khi nhảy vào Đông Dương, Nhật cũng lập một phái bộ chuyên trách về văn hóa ở Đông Dương.

    Hoạt động văn hóa Nhật đầu những năm 1940 đã diễn ra khá rùm beng như chiếu phim, xuất bản Tạp chí Tân Á và loại sách Nippon văn hóa, phát không họa báo Đại Đông Á chiến tranh, mở một cuộc thi sáng tác ở Sài Gòn để "góp vào nền Thịnh vượng chung", tuyên truyền cho học thuyết Đại Đông Á với chiêu bài Nhật là một cường quốc da vàng đi chinh chiến để giải phóng cho các dân tộc da vàng anh em thoát khỏi ách thống trị của người da trắng, vuốt ve cái gọi là "chủ nghĩa quốc gia thân Nhật" theo tinh thần võ sĩ đạo, coi cái chết như không với tục mổ bụng tự sát theo kiểu Hara Kiri, với những phi công cảm tử ở trận Trân Châu Cảng lái máy bay Thần phong lao thẳng vào tàu chiến của hạm đội Mỹ.

    Vào thời kỳ này, anh Lê Quang Đạo, ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban Cán sự Hà Nội, được Thường vụ Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách vận động các nhà văn hóa, giới văn nghệ sĩ, xây dựng các tổ bí mật đầu tiên của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam ở Hà Nội. Từ giữa năm 1943 cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, Thường vụ Trung ương, theo yêu cầu từng thời gian và điều kiện cụ thể, cũng đã tăng cường thêm cán bộ vận động văn hóa như các anh Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương, đã cùng với anh Trần Độ mới ở Sơn La, Hòa Bình về, cán bộ Công tác đội của Trung ương, đi triển khai xây dựng tổ chức Văn hóa cứu quốc; anh Lê Tất Đắc, Bí thư Ban cán sự Thanh Hóa, cũng được điều về vận động văn hóa. Riêng tôi, vào những thời điểm cần thiết, cũng được anh Trường Chinh phái đi gặp Như Phong và Nguyên Hồng, Nguyễn Hữu Đang và Lưu Văn Lợi, Tô Hoài và Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Quốc Uy và Học Phi, v.v.. Nhưng, người chịu trách nhiệm chính về Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội vẫn là anh Lê Quang Đạo.

    Có nhiều cuộc họp của các tổ bí mật của Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội. Một lần ở nhà anh Vũ Quốc Uy ở phố Blokhaus Nord (Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội bây giờ). Một lần khác, lại họp ở Tây Hồ (nhà Như Phong). Rồi đến Nghĩa Đô (nhà Tô Hoài), ở La Cả (nhà bạn của Trần Huyền Trân) và Dục Tú (quê Nguyễn Huy Tưởng). Nhiều cuộc họp mà tôi không dự và không nhớ hết. Chỉ biết rằng mỗi lần họp là các văn nghệ sĩ phải lo chạy lương thực, lo cái ăn rất vất vả.

    Có lần, mật thám Nam Định lên Hà Nội bắt Vũ Quốc Uy, vì sơ hở để lộ tung tích. Sau đó, mật thám đã bắt hụt anh Lê Quang Đạo ở căn nhà của anh Vũ Quốc Uy. Anh Đạo đã tìm về một cơ sở của anh Vũ Quý, tránh ở đó. Hôm sau, Vũ Quý mang đến cho anh Đạo một bộ quần áo Hướng đạo sinh và đi cùng với anh ra ngoại thành an toàn. Đó là vào giữa năm 1944. Sau khi bắt Vũ Quốc Uy, bọn mật thám lại lùng bắt tiếp Như Phong, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Đình Thi và Tô Hoài.

    Trong năm 1944, Đề cương Văn hóa Việt Nam được đưa về Hải Phòng qua anh Nguyễn Công Mỹ (em nhà văn Nguyễn Công Hoan) cho nhóm Lê Đại Thanh. Anh Nguyễn Công Mỹ đã đi dạy học tư trường Misơlê, nhưng cũng có viết kịch.

    Cũng thời gian này, nhân chị Lê Thị Xuyến, vợ anh Phan Thanh, đưa hai con về quê nhà, xứ Quảng, để tránh bom Mỹ, tôi báo cáo với anh Trường Chinh. Được anh đồng ý, tôi và anh Nguyễn Hữu Đang đến gặp chị Lê Thị Xuyến, đề nghị cho gửi ít tài liệu của Việt Minh, trong đó có Đề cương Văn hóa Việt Nam, chuyển vào trong đó, tùy chị xem bạn anh Thanh ai tốt thì chị giao. Chị đã nhận và sau đó ngoài này chúng tôi được biết, số tài liệu đó đã được phân phát hết, sử dụng có hiệu quả.

    Một lần, tôi đánh bạo báo cáo với anh Trường Chinh:

    Anh biết đấy, cái sự học hành của tôi nó chưa ra cái gì đâu. Đi vận động văn hoá phải là người có vốn liếng khá về văn hoá...

    Anh Trường Chinh ôn tồn bảo tôi:

    Anh cứ yên tâm mà làm. Trường đời mới thực sự là nơi rèn luyện, đào tạo đảng viên về mọi mặt. Phải vừa làm vừa học, cố gắng mà tự học thôi. Thường vụ chỉ giao cho anh những việc cụ thể. Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, tuân thủ nghiêm chỉnh chỉ thị của cấp trên là làm được thôi. Việc anh đi gặp giáo sư Đặng Thai Mai tốt đấy chứ? Thanh niên như anh lúc nào cũng phải có niềm tin và dũng khí cách mạng, dám nghĩ, dám làm phải không nào?

    Công việc của anh không phải là đi nói và nói nhiều mà chịu khó lắng nghe, và nghe cho nó rõ. Và phải nhớ, và nhớ kỹ nữa. Cái gì là ý kiến người ta, cái gì là suy nghĩ của chính bản thân anh, hãy về phản ánh lại với tôi cho trung thực, rõ ràng. Khi cần họp bàn, nên gợi ý cho mọi người thảo luận một cách dân chủ, với tinh thần tự do tư tưởng, nói hết mọi băn khoăn, thắc mắc, kể cả những ý kiến còn đang tranh cãi, chưa đồng tình hoặc muốn bổ sung, đóng góp ý kiến cụ thể với Trung ương. Cái gì anh em giải quyết được với nhau, cái gì còn có ý kiến khác nhau, anh cứ về nói lại với tôi cho đầy đủ và chính xác. Khó khăn, rắc rối ở chỗ nào, tôi chỉ ra cho anh. Cứ như thế mà làm, có được không nào?

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com