Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 14)

06:11, 30/11/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Khi làm thợ điện ở Tông (Sơn Tây) và Việt Trì, từ cuối năm 1941, Thôi Hữu đã lân la làm quen với lính Tây lê dương. Sau một thời gian điều tra, nghiên cứu, Thôi Hữu có trực tiếp báo cáo với anh Trường Chinh và anh Hoàng Văn Thụ về động thái tư tưởng của một số sĩ quan và binh lính người Đức, Áo, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu khác trong binh đoàn lê dương mới được điều động từ Pháp sang tăng cường cho lực lượng vũ trang ở thuộc địa Đông Dương. Họ là những thanh niên thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau mà xu hướng chung là chống Hitle, trốn đi lính cho Đức quốc xã, chạy sang Pháp lánh nạn phát xít từ trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng rồi cũng chẳng được sống yên thân, phần đông bị dồn ép vào lính lê dương. Nhiều người trong họ đi lính từ trước khi Pháp bại trận, trước ngày quân đội và chính quyền Pêtanh đầu hàng và trở thành đội quân tay sai, hợp tác vởi phát xít Đức. Bởi vậy, họ đều có tâm trạng bất mãn vì bị buộc phải làm lính đánh thuê cho thực dân Pháp ở Đông Dương đã đầu hàng phát xít Nhật. Nếu không vào lính thì sẽ bị trao trả lại cho phát xít Đức. Chính nhờ nắm vững đặc điểm của lính Tây lê dương mới được điều từ Pháp sang mà công tác binh vận, địch vận của ta từ năm 1942 đã hết sức chú trọng đến sĩ quan và binh lính các nước châu Âu trong quân đội Pháp. Và cũng phải gần một năm sau, mùa hè năm 1943, chúng ta mới chính thức bắt mối được với E.Boócsơ (Erwin Borchers), một binh nhì người Đức, trong Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh lê dương số 5 (Le Rei).

    Người đầu tiên được anh Trường Chinh phái đi gặp E.Boócsơ là anh Côn, một thanh niên học sinh Hà Nội, mới được tổ chức vào Việt Minh, chưa phải đảng viên và cũng không ở trong Đội công tác. Anh Côn là cháu đồng chí Trịnh Đình Cửu, con một tham tá địa chính. Hồi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại, anh Trường Chinh vừa đi học, vừa làm gia sư cho gia đình ông này.

    Với cái vốn tiếng Pháp của một cậu "tú tài bản xứ" lớn lên trên đường phố Hà Nội, Côn khéo léo bắt chuyện làm quen với Boócsơ. Người lính lê dương Đức trẻ ấy cũng con nhà trí thức, bản thân sinh viên đại học, sinh ra ở Strátbua trên đất Andát, miền Đông Bắc nước Pháp, giỏi tiếng Pháp, gặp được người của Việt Minh rất lấy làm mừng. Côn tỏ ra khá tinh nhanh khi tiếp xúc với Boócsơ. Qua mấy lần thăm dò, Côn mới đưa truyền đơn cho Boócsơ đọc. Anh ta rất khoái, tâm sự:

    Mày có tài liệu gì về Việt Nam, cứ đưa cho tao. Lâu nay, chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc, phải ký hợp đồng đi lính lê dương cho Pháp, tao rất hổ thẹn với lương tâm. Từ đây, mày cứ coi tao như anh em. Tao thấy cái tên Chiến sĩ rất hợp với tao. Chiến sĩ- Erwin Borchers chống phát xít, cái tên nghe được quá đi chứ!

    Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Trường Chinh, công tác vận động binh sĩ lê dương người châu Âu trong quân đội Pháp ở Đông Dương chống phát xít, ủng hộ cách mạng Việt Nam phát triển từng bước vững chắc. Trung đoàn bộ binh lê dương số 5 (Le Rei) là một đơn vị mạnh của binh đoàn lê dương đóng ở đất Bắc, rải quân từ Lạng Sơn đến Tông (Sơn Tây), Việt Trì và Hà Nội. Trong trung đoàn được coi là "tinh nhuệ" ấy có Tiểu đoàn 3 đã hình thành một nhóm chiến sĩ chống phát xít nòng cốt do Boócsơ tổ chức, gồm E.Phrây, một trung sĩ người Áo và Gốtvan, một trung sĩ người Tiệp.

    Tháng 9-1943, tôi được phái đi gặp E.Phrây. Người cao to, nước da đỏ au, để râu quai nón, anh thanh niên Áo này chạy trốn sang Pháp trước ngày quân Đức quốc xã tiến vào Viên, thủ đô nước Áo. Khi ấy E. Phrây chỉ là một thanh niên có xu hướng "dân chủ". Căm ghét chủ nghĩa phát xít, anh chấp nhận đi lính lê dương nếu không sẽ bị ném vào các trại tập trung của phát xít Hítle.

    Ai đi ngoài đường với lính Tây lê dương, bọn mật thám và tay sai đều kiềng mặt. Bọn Nhật cũng ít để ý tới. Vì chúng nắm gáy bọn thực dân Pháp rồi. Lôi thôi một tí là lính Tây lê dương gây sự đánh nhau ngay. Bọn Pháp cho rằng lính Tây lê dương chỉ thích rượu và gái. Bởi thế, E.Boócsơ và các bạn anh đi lại, tiếp xúc với chúng tôi khá dễ dàng. Lúc thì gặp nhau trên cánh đồng vắng ở ngoại thành. Lúc khác lại có thể đàng hoàng ngồi uống bia với nhau trong một khách sạn gần ga Hàng Cỏ.

    Truyền đơn viết bằng tiếng Pháp không phải lúc nào cũng có sẵn cái mới. Bí quá, phải đi sưu tầm các tài liệu cũ. Đó là những số báo tiếng Pháp của Đảng xuất bản từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ mà một vài gia đình trí thức cơ sở cách mạng ở Hà Nội còn cất giấu được. Là những thanh niên có học, ham hiểu biết, các chiến sĩ lê dương chống phát xít rất thích thú đọc tất cả những gì chúng tôi tuồn cho họ.

    Qua Chiến Sĩ, tôi gợi ý để nhóm lê dương chống phát xít điều tra thăm dò về những người Pháp, cả quân sự lẫn dân sự; tìm hiểu họ có những động thái tư tưởng gì trước tình hình mới đang chuyển biến rất nhanh, xu hướng chính trị của từng phe phái trong quân đội và bộ máy chính quyền ra sao; những ai giờ đây đứng về phía Đờ Gôn kháng chiến, và trong số họ, những người nào dám "bắt tay" với Việt Minh chống phát xít Nhật...

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com