Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 8)

06:11, 09/11/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

Sống ở ATK là sống trong vòng tay che chở hết sức tin cậy của các cơ sở cách mạng. Đó là nhờ kết quả của công tác kiên trì vận động nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng. ATK của Trung ương vươn dài, trải rộng khắp các làng quê ven nội, thuộc địa phận Hà Đông, áp sát đôi bờ sông Hồng, rồi lan sang một số phủ, huyện của Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên. Hoạt động trong ATK có thể thuận lợi về tất cả các mặt thiên thời, địa lợi, nhân hòa, động ở bên này thì nhảy sang bên kia. Có thời điểm thích hợp, có địa thế thuận lợi, nhưng chưa có lòng dân là chỗ dựa vững thì chưa thể được chọn là ATK. Chỗ nào xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng thì đó là điểm sáng để vận động tổ chức các đoàn thể quần chúng, tổ chức chi bộ Đảng, hạt nhân lãnh đạo của cơ sở và phong trào.

ATK là nơi ở, làm việc, đi lại của Thường vụ Trung ương, đều được các tổ tự vệ vũ trang bí mật, cơ động bảo vệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng.

Sang cuối năm 1942, đầu năm 1943, Trung ương còn phát triển thêm vùng ATK dự bị trên đất Hiệp Hòa của Bắc Giang và Phú Bình, Phổ Yên của Thái Nguyên, dùng làm nơi mở các lớp huấn luyện cán bộ và dự phòng trường hợp Pháp khủng bố mạnh không thể đóng ở ATK chính được thì Thường vụ Trung ương và các cơ quan của Trung ương chuyển lên ATK dự bị, đến khi yên lại quay về ATK chính. Sau ngày Nhật làm đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương thì vùng đất ATK dự bị này trở thành Chiến khu II.

Công tác đội tuy rất ít người nhưng là đội cận vệ của Thường vụ Trung ương được giao những nhiệm vụ gì? Trước hết là nắm vững tình hình mọi mặt của địa phương mà Trung ương hoạt động; điều tra, nghiên cứu, bố trí và bảo vệ chu đáo các địa điểm họp và làm việc của Trung ương. Tôi nhớ có đôi lần, anh Trường Chinh giao cho tôi chọn địa điểm họp của Thường vụ và sau đó tổ chức lớp học ngắn ngày để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng. Tôi đi khảo sát tình hình, xin ý kiến anh Hoàng Quốc Việt, ủy viên Thường vụ Trung ương, kiêm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi chọn một số nơi được các anh chấp thuận. Tôi hiểu phong cách làm việc của các anh Thường vụ, trong hoạt động bí mật, hết sức coi trọng nguyên tắc bảo vệ an toàn chu đáo, không một chút lơ là mất cảnh giác, vả lại, nhờ trải qua rèn luyện, giáo dục trong nhà tù, nên tôi đã làm việc hết sức có trách nhiệm từ đầu chí cuối. Qua bước đầu thử thách, tôi được anh Trường Chinh nhận xét: "Cậu làm được đấy, cậu có khiếu về điều tra, nghiên cứu, nắm tình hình mọi mặt. Biết phát huy cái hay của tổ chức Hướng đạo, như vậy là tốt".

Công tác đội còn nắm giữ và điều phối các đầu mối giao thông, liên lạc từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương, giữ gìn thông suốt các đường dây từ ATK lên căn cứ địa Việt Bắc và từ ATK đi khắp ba miền đất nước. Cán bộ của Công tác đội còn được Thường vụ phái đi trực tiếp truyền đạt chỉ thị của Trung ương và nắm bắt tình hình bức xúc ở từng địa phương trong các trường hợp cần thiết.

Có lần anh Trường Chinh diễn giải rằng công tác tổ chức ATK giống như thiết kế tàu ngầm, các khoang tàu phải ngăn cách với nhau, trường hợp có khoang bị thủng, bị vỡ thì nước không thể tràn sang khoang khác, giữ cho tàu khỏi bị chìm. Trong ATK, tổ chức của các thôn, xóm không được quan hệ, liên hệ trực tiếp với nhau, đề phòng nếu có thôn, xóm nào đó bị địch đánh phá, bị bể vỡ thì không lây lan sang các thôn, xóm khác, cơ sở vẫn an toàn.

Công tác bí mật trong ATK được tổ chức hết sức chặt chẽ, có thể nói đến độ hoàn hảo. Quy chế của ATK hết sức nghiêm ngặt. Các chi bộ, cơ sở trong ATK không được rải truyền đơn, họp mít tinh cổ động rầm rộ để tránh bộc lộ lực lượng và thu hút sự chú ý của địch; trường hợp muốn tổ chức quần chúng đấu tranh ở Chèm, Vẽ hoặc Tứ Tống chẳng hạn, phải đưa về Hoài Đức, Đan Phượng hoặc xa hơn nữa. Sau ngày 9-3-1945, Trung ương đã phát động cao trào cách mạng, thì trong ATK hoạt động rất mạnh, nhiều nơi khống chế được cả tề tổng, làng.

Như thế là từng bước ATK phát triển rộng và vững chắc, từ các huyện ngoại thành Hà Nội len lỏi về khắp các làng xã đồng bằng rộng lớn vùng đất Kinh Bắc cũ, toả ra khắp vùng đất Phúc Yên, Vĩnh Yên mở thông lên các làng xã ven sông cầu thuộc Hiệp Hoà (Bắc Giang), nối liền với các huyện Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên) và tạo được cả đường giao thông an toàn lên căn cứ địa Bắc Sơn, Võ Nhai và các vùng thuộc Tuyên Quang, Cao Bằng sau này trở thành khu Giải phóng sáu tỉnh Việt Bắc: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái rộng lớn.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com