Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 11

05:04, 13/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VII và sự chỉ đạo của tỉnh, phong trào thể dục – thể thao rèn luyện sức khoẻ được mở rộng ở cả thành thị và nông thôn, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Cơ sở vật chất, phương tiện sân, bãi tập... được đầu tư nâng cấp. Đội bóng đá của tỉnh giữ trụ hạng giải vô địch quốc gia. Đội tuyển các bộ môn thể thao tham dự các giải quốc gia đạt nhiều giải cao.

    Thực hiện Nghị định số 01/CP, Quyết định số 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 06-CT/TU chỉ đạo việc sắp xếp mạng lưới y tế theo hướng lập trung tâm y tế huyện, giải thể các phòng khám đa khoa khu vực. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân của tỉnh đã triển khai có kết quả các chương trình y tế quốc gia và phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Từ năm 1998-2000, toàn tỉnh có 210 bác sĩ làm việc ở các trạm y tế xã, phường, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại cơ sở. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh còn 1,1%, giảm 0,61% so với năm 1999. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 33,22%, có 108 xã có tỷ lệ dưới 30%.

Diễn tập thực binh các lực lượng vũ trang.
Diễn tập thực binh các lực lượng vũ trang.

    Thực hiện tinh thần Nghị định số 28/CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, ngày 18-3-1999, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 08-CT/TU về tập trung chỉ đạo giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh và đề nghị Nhà nước truy tặng đợt 6 cho 36 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 1997-2000. Các cấp, các đoàn thể trong tỉnh đã đồng thời thực hiện lồng ghép các chương trình xã hội như xoá đói giảm nghèo, trồng rừng ngập mặn ven biển, dạy nghề, dịch vụ việc làm. Đến năm 2000, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 6,1%, giảm 0,4% so với năm 1999. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động hữu ích ở nông thôn là 73,2%, tăng 0,9% so với năm 1999. Lao động qua đào tạo đạt 17,28%, số hộ nghèo còn 7% (theo chuẩn cũ). Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; số hộ khá, giàu tăng lên. Phong trào "ngói hoá" chuyển dần sang "bê tông hoá" nhà ở. Bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới theo hướng khang trang, hiện đại.

    Năm 1998, 1999, thiên tai lại liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nặng nề đối với các tỉnh miền Trung. Với tinh thần "nhường cơm sẻ áo", "hướng về miền Trung bão lụt", ngay sau khi đợt bão lụt lần thứ hai xảy ra, tỉnh đã khẩn trương gửi 800 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung, đồng thời vận động nhân dân toàn tỉnh quyên góp giúp đỡ đồng bào đang bị thiên tai, lũ lụt. Hoạt động nhân đạo, từ thiện được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là phong trào ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn, khó khăn ở trong, ngoài tỉnh. Đến ngày 31-12-1999, toàn tỉnh quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung tổng số tiền và hàng trị giá gần 5 tỷ đồng.

    Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VII, Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, chống "diễn biến hoà bình" là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên được gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, Tỉnh ủy đều có nghị quyết về công tác quốc phòng và chỉ thị về công tác an ninh trật tự. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện nghị quyết sát hợp với tình hình nhiệm vụ chính trị của đơn vị; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an trong xây dựng chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng thủ, tác chiến, bảo vệ an ninh trật tự. Từng năm, tỉnh đều tổ chức diễn tập để thực nghiệm các phương án tác chiến phòng thủ khu vực theo các quy mô khác nhau.

    Lực lượng vũ trang địa phương thường xuyên được củng cố, xây dựng theo hướng tinh gọn, coi trọng chất lượng, có số lượng phù hợp với đặc điểm, yêu cầu bảo vệ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu của từng địa phương; thực hiện tốt Pháp lệnh dân quân tự vệ, dự bị động viên, bảo đảm chất lượng, biên chế hợp lý, tổ chức huấn luyện theo nội dung kế hoạch. Các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cả ba tuyến: ven bờ, trong lộng, ngoài khơi, bảo đảm chủ quyền, an ninh vùng biển. Từ năm 1997-2000, lực lượng bộ đội biên phòng của tỉnh đã phát hiện, xua đuổi 61 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, đánh bắt trộm hải sản; bắt, xử lý 12 tàu cá nước ngoài gồm 160 thuyền viên xâm nhập trái phép... Tuy nhiên việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch phòng thủ, củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương còn nhiều hạn chế.

    Triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW và Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, Nghị quyết số 09/CP, Quyết định số 138/CP của Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Tỉnh ủy chỉ đạo liên tục mở các đợt phát động quần chúng phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm với nhiều hình thức, quy mô thích hợp tập trung vào các địa bàn, các lĩnh vực trọng điểm. Lực lượng công an và các ngành bảo vệ pháp luật phối hợp khám phá, xử lý hàng trăm vụ trọng án; triệt phá nhiều nhóm tội phạm... Tháng 4-1998, vụ buôn bán trái phép ma túy của Nguyễn Văn Tám và đồng bọn đã bị lực lượng công an và các ngành chức năng sớm điều tra, bắt giữ, đưa ra xét xử vào tháng 6-2000. Vụ việc được nhân dân hoan nghênh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com