Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 10

05:04, 11/04/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Từ ngày 14 đến ngày 18-2-2000, đồng chí Nguyễn Công Tạn, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các đồng chí đại diện các bộ, ngành đã về thăm và làm việc tại Nam Định. Đồng chí chỉ rõ: Nam Định cần phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, con người, khai thác mạnh mẽ kinh tế biển và các nguồn lợi về thuỷ sản, kể cả nuôi trồng và đánh bắt. Các bộ, ngành Trung ương hết sức ủng hộ và tạo điều kiện để giúp tỉnh phát huy mũi nhọn kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Trong những năm tới, tỉnh cần tạo ra các mô hình phát triển kinh tế một cách có hiệu quả nhất, gắn với giải quyết nhiều việc làm cho người lao động và chú trọng hướng mạnh tới xuất khẩu. Trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với ngành sản xuất chủ lực của địa phương, kết hợp với khoa học - công nghệ mới nhằm tạo ra bước tiến nhảy vọt, giúp kinh tế phát triển một cách bền vững. Đây là những định hướng giúp tỉnh xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, hiệu quả.

    Trong hai ngày từ ngày 2 đến 3-4-2000, Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn cán bộ đại diện các bộ, ngành về thăm và làm việc tại Nam Định, nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh. Thủ tướng biểu dương những thành tích mà tỉnh đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại như tốc độ tăng trưởng thấp, kim ngạch xuất khẩu nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, sự phát triển chưa tương xứng với khả năng, truyền thống của tỉnh. Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung bàn bạc, tìm ra phương hướng, giải pháp thích hợp để đột phá đưa Nam Định phát triển đi lên. Thủ tướng lưu ý đến các loại hình dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công, nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản và đánh bắt cá xa bờ. Thủ tướng ghi nhận xem xét đề nghị của tỉnh về xây dựng khu công nghiệp, nâng cấp trường Cao đẳng Y tế thành trường đại học và xây dựng trường đại học dân lập ở Nam Định. Đại diện các bộ, ngành Trung ương đã cùng với tỉnh bàn bạc, xây dựng các giải pháp lấn biển, nuôi trồng thủy, hải sản, thí điểm xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nếp sống văn minh, không có tệ nạn xã hội, phát huy dân chủ, xây dựng các mô hình làm kinh tế hiệu quả.

    Đồng thời với lãnh đạo định hướng đổi mới, phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước rất chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 12-8-1998 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã triển khai nghiêm túc việc tổ chức quán triệt, học tập nội dung nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và các đoàn thể, các tổ chức xã hội và toàn dân, đồng thời đề ra các biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả công tác văn hoá - thông tin. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII và Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tới cơ sở và trở thành phong trào rộng rãi, được đông đảo nhân dân tham gia. Nhiều làng, thôn có hương ước quy định nếp sống văn hoá. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 252 về quy định tiêu chuẩn nếp sống văn hoá. Đến năm 1999, toàn tỉnh có 1.012/3.222 làng (thôn, xóm, miền dân cư) đăng ký xây dựng "Làng văn hoá" và 113 làng được công nhận đạt tiêu chuẩn; 37.286 hộ dân đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hoá". Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn "Nếp sống văn hoá".

    Là tỉnh có bề dày truyền thống văn hoá, mặc dù trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhưng các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn luôn được duy trì có chất lượng. Bốn đoàn nghệ thuật (cải lương, chèo, kịch và ca múa) vẫn duy trì hoạt động với nhiều tác phẩm, vở diễn phục vụ nhân dân. Toàn tỉnh có hơn 200 văn nghệ sĩ tham gia Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và có nhiều nghệ sĩ đạt được thành tích cao. Huyện Hải Hậu là điển hình văn hoá toàn quốc 20 năm liền, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

    Các hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình được thực hiện có nền nếp và sâu rộng tới cơ sở. Nội dung tin, bài, hình ảnh luôn bám sát định hướng chính trị và thực tiễn tình hình tại địa phương. Nhìn chung, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo tốt định hướng tuyên truyền giáo dục của Đảng. Công tác văn hoá từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư nâng cấp khá mạnh. Có 6/10 đơn vị cấp huyện xây dựng được Nhà văn hoá trung tâm.

    Nam Định là nơi phát tích của các vương triều Trần với hào khí Đông A rực rỡ. Để bảo tồn và không ngừng phát huy giá trị lịch sử, văn hoá của quần thể di tích lịch sử - văn hoá nhà Trần và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tỉnh đã xây dựng dự án quy hoạch tổng thể, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá thời Trần. Dự án được Chính phủ phê chuẩn với tổng kinh phí đầu tư là 997 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng trong thời gian này, tại thành phố Nam Định, nhiều công trình văn hoá được nâng cấp, xây dựng, như: Cột cờ thành phố Nam Định, công viên Tức Mặc, Nhà hát 3-2... Năm 2000, tỉnh đã xây dựng đề án quy hoạch tổng thể Khu quần thể lưu niệm quốc gia cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại huyện Xuân Trường để trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

    Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hoá, một số hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn có biểu hiện diễn biến phức tạp, công tác quản lý nhà nước về văn hoá, nhất là dịch vụ văn hoá còn thiếu thường xuyên, chặt chẽ nên tình trạng kinh doanh, lưu hành văn hoá phẩm, băng, đĩa, phim ảnh đồi truỵ vẫn xảy ra ở một vài nơi, tác động xấu tới nhận thức và hành động của một số thanh thiếu niên, gây bức xúc trong xã hội.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com