Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 8

03:08, 30/08/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Tuy hoạt động xuất khẩu tăng cả về khối lượng và tốc độ nhưng còn thấp so với yêu cầu và tiềm năng của tỉnh. Hàng xuất khẩu còn phân tán và chủ yếu là nông sản thô, chưa có mặt hàng chủ lực. Thị trường mở ra chậm và bấp bênh làm cho các ngành, nghề xuất khẩu gặp khó khăn, có đơn vị bị phá sản. Việc quản lý và sử dụng tiền, hàng viện trợ, ngoại tệ xuất khẩu chưa chặt chẽ và hiệu quả thấp.

    Từ năm 1986, ngành giao thông vận tải từng bước ra khỏi cơ chế bao cấp, có sự mở  rộng và phát triển của lực lượng vận tải ngoài quốc doanh. Hệ thống giao thông được cải tạo, nâng cấp, xây dựng, đáp ứng yêu cầu đi lại và phát triển kinh tế của tỉnh. Tháng 3-1989, cầu Đò Quan bắc qua sông Đào được khởi công xây dựng, nối liền thành phố Nam Định với 6 huyện phía nam tỉnh. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn được phát động với phương châm “3 chính”: dân làm là chính, vật liệu tại chỗ là chính, kỹ thuật phổ cập là chính.

Chủ tịch Trường Chinh xem sa bàn Hải Hậu kháng chiến tại Bảo tàng huyện Hải Hậu.
Chủ tịch Trường Chinh xem sa bàn Hải Hậu kháng chiến
tại Bảo tàng huyện Hải Hậu.

    Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các hoạt động văn hoá xã hội được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể hết sức chú trọng.

    Tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình cải cách giáo dục, bảo đảm cho sự nghiệp giáo dục các ngành học, cấp học phát triển cân đối, vững chắc, đồng bộ, phù hợp với khả năng kinh tế của tỉnh trong từng thời gian. Ngày 24-1-1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 34-NQ/TU về Công tác nuôi dạy trẻ và giáo dục phổ thông trong 5 năm 1986-1990; đề ra mục tiêu phấn đấu trong 5 năm là: ổn định, củng cố các nhà trẻ, phấn đấu 90% các cháu 5 tuổi tới lớp mẫu giáo; hoàn thành có chất lượng công tác phổ cập cấp I; củng cố hệ thống trường phổ thông, trường vừa học vừa làm, trường sư phạm; ưu tiên đầu tư kinh phí cho giáo dục, kiện toàn đội ngũ giáo viên... Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng, Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho ngành giáo dục tỉnh phải tích cực đổi mới cách nghĩ cách làm để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phải gắn mục tiêu đào tạo với cuộc sống, phục vụ tích cực các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Các mặt hoạt động được ngành giáo dục phấn đấu triển khai đồng bộ. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống nhưng tỉnh vẫn giữ vững được quy mô và nhịp độ phát triển giáo dục; các ngành học, cấp học được phát triển khá đồng đều; các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt từ 94% trở lên. Về chất lượng thi tốt nghiệp các cấp I, II, Hà Nam Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm học 1987-1988, có 36% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ đến lớp, 96% trẻ em 6 tuổi được vào học lớp 1 cải cách; 469/526 xã, phường đã hoàn thành phổ cập giáo dục cấp I. Những vùng khó khăn như Xuân Thuỷ, Nghĩa Hưng có nhiều hình thức chủ động thúc đẩy tiến độ phổ cập. Công tác bổ túc văn hoá được duy trì khá. Toàn tỉnh có 76% cán bộ chủ chốt huyện, thành, thị; 36% cán bộ xã, phường và hợp tác xã đạt trình độ văn hoá cấp III. Tỉnh xây dựng được mạng lưới trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, tiêu biểu là Trường mẫu giáo xã Hải Châu (Hải Hậu), Trường bổ túc văn hóa xã Hải Cường (Hải Hậu), Trường sư phạm 10+2... Từng địa phương cũng nổi lên những trường học xuất sắc từng mặt và xuất sắc toàn diện; các huyện Hải Hậu, Nam Ninh, Ý Yên và thành phố Nam Định đạt tiên tiến.

    Quán triệt nội dung nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức trong các nhà trường theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ban hành ngày 1-11-1988 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngành giáo dục đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, đạo đức trong toàn bộ hệ thống giáo dục của tỉnh. Bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục chính trị, đạo đức của Uỷ ban cải cách giáo dục Nhà nước, các nhà trường còn vận dụng những kinh nghiệm đã có, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như giáo dục tập thể, giáo dục cá biệt, giáo dục ngoài giờ, công tác chủ nhiệm, công tác đoàn, đội, xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội... Việc củng cố kỷ cương, nền nếp chuyên môn được tăng cường, chất lượng cấp I, nhất là lớp 1 được chú ý. Tỉnh đã có những biện pháp tích cực nhằm thực hiện có chất lượng các môn thay sách giáo khoa và thực hiện chương trình cải cách giáo dục. Việc triển khai giáo dục luật pháp, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, thẩm mỹ được đẩy mạnh. Phong trào nhân dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất cho trường học được duy trì liên tục rộng khắp và có hiệu quả. Hà Nam Ninh được Bộ Giáo dục đánh giá là tỉnh có phong trào xây dựng trường lớp mạnh nhất; nhiều địa phương xây dựng được trường lớp kiên cố cao tầng, tự mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học. Trong 9 năm liền (1981-1990), ngành giáo dục - đào tạo tỉnh được Bộ Giáo dục công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc, là một trong những tỉnh có phong trào giáo dục mạnh nhất cả nước. Bên cạnh những kết quả đó, ngành giáo dục của tỉnh vẫn còn những hạn chế yếu kém là tình trạng học sinh bỏ học còn cao, chất lượng đạo đức học sinh có chiều hướng giảm sút; số giáo viên dôi dư của cấp II, cấp III chưa được sắp xếp hợp lý, một số chế độ đối với giáo viên mầm non chưa được cơ sở thực hiện nghiêm túc.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com