Trực Cường - Vùng quê cách mạng

08:08, 23/08/2016
Trong không khí sôi nổi, phấn khởi kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi về thăm xã Trực Cường (Trực Ninh). Trong câu chuyện với cán bộ và nhân dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của mỗi người về truyền thống cách mạng hào hùng và sự đổi thay của vùng quê Trực Cường hôm nay.
 
Xã Trực Cường là trung tâm của tổng Ninh Cường xưa. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc sống của người dân Trực Cường vô cùng cực khổ trước sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến. Người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ những trang sử đau thương: Nạn đói năm 1945 toàn xã có 1.178 người chết đói, trong đó có 209 gia đình chết không còn một ai. Thảm cảnh ấy đã hun đúc ý chí căm hờn chế độ thực dân nửa phong kiến và nuôi dưỡng tinh thần cách mạng của nhân dân. Giữa tháng 8-1945, nhận lệnh khởi nghĩa tại Ninh Cường, những người con ưu tú của xã là Trịnh Văn Hoằng, Phạm Văn Hằng, Nguyễn Văn Quỳnh đã phân công nhau đi vận động nhân dân chuẩn bị vũ khí và tổ chức lực lượng tập luyện. 9 giờ sáng ngày 19-8-1945, theo lời hiệu triệu của Việt Minh, đoàn quân của xã gồm những người cốt cán dẫn đầu cùng đông đảo nhân dân từ đình Minh Lễ theo đường đê sông Ninh Cơ tiến về huyện lỵ giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra vận hội mới cho người dân xã Trực Cường. Tháng 12-1947, chi bộ Đảng Ninh Cường được thành lập với 5 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân chống nạn đói, xoá nạn mù chữ và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Toàn xã đã đào 3,5km hào giao thông, 1.500 hố cá nhân trên đường 56, từ bến đò Ninh Cường đến giáp xã Trực Đại với tổng khối lượng 18 nghìn m 3 đất, huy động nhân dân với 2 vạn ngày công đào đắp ụ ngăn cản xe cơ giới địch. Từ năm 1949-1954 khi giặc Pháp tập trung đàn áp phong trào cách mạng ở các xã của huyện với việc thành lập bốt Ninh Cường, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân trực tiếp chiến đấu, từng bước đẩy lùi quân địch. Nhiều trận chiến đấu tiêu hao sinh lực địch được du kích, nhân dân xã phối hợp với bộ đội chủ lực thực hiện. Tiêu biểu là đêm 23, rạng sáng 24-1-1952 âm lịch, bộ đội chủ lực cùng du kích xã đã bất ngờ tấn công bốt Ninh Cường tiêu diệt và bắt sống 120 tên địch, trong đó có 2 sĩ quan Pháp, thu hàng trăm tấn đạn dược. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 2005 Đảng bộ, nhân dân xã Trực Cường được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, Đảng bộ xã lại lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội…
Làng quê xã Trực Cường đổi mới.
Làng quê xã Trực Cường đổi mới.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trực Cường đã năng động khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Ban Nông nghiệp xã, 2 HTX nông nghiệp Bắc Trung và Nam Cường đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Đến nay, năng suất lúa cả năm của xã đạt 125 tạ/ha, thu nhập bình quân trên một ha canh tác đạt 95 triệu đồng; nhiều gia trại được nhân dân phát triển làm ăn có lãi hàng chục triệu đồng mỗi năm. UBND xã cũng phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 7 lớp dạy nghề nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, may công nghiệp cho 250 lao động. Với chính sách ưu đãi của xã, một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất trên địa bàn như Cty Sản xuất vật liệu xây dựng Đức Thiện, Cty TNHH Thái An Cường, doanh nghiệp tư nhân Trường Ánh, Cty Xây dựng Ngọc Quy... tạo việc làm, cho thu nhập ổn định cho 300-350 lao động. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 27 triệu đồng/người/năm. Trong xây dựng NTM, xã đã hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình như: đường trục chính của xã, trụ sở làm việc của Đảng uỷ, UBND xã, trạm y tế, tu bổ, nâng cấp các trường tiểu học, THCS, mầm non, xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải với tổng kinh phí 17,7 tỷ đồng. Các công trình do nhân dân tự đóng góp và các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng như đường liên xóm, đường trục xóm, đường nội đồng, nhà văn hoá xóm với kinh phí 14,5 tỷ đồng. Đến nay, 95% đường xóm được đổ bê tông rộng 3m, nhiều xóm có đường rộng 4m. Cơ sở vật chất văn hoá là tiêu chí gặp nhiều khó khăn đã được chính quyền, nhân dân đầu tư xây dựng. Năm 2015, xã có 4 xóm là: Thái Hoà, Thái Học, Hồng Thái, An Ninh xây dựng mới nhà văn hoá. Mỗi nhà văn hoá xóm có diện tích 70-90m 2 mái bằng, sức chứa 100 chỗ ngồi với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó UBND xã hỗ trợ 53 triệu đồng/nhà văn hóa. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của xã đạt 32,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 5,1 tỷ đồng, ngân sách xã đầu tư 9,2 tỷ đồng, con em quê hương tài trợ 9,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 8,6 tỷ đồng. Nhiều xóm như: Thái Học, An Ninh, Hậu Đồng đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng đường bê tông, nhà văn hoá, đường nội đồng lên tới trên 1 tỷ đồng… Đồng chí Bùi Đức Hinh, trưởng xóm Thái Học cho biết: “Xóm có 255 hộ với 786 khẩu. Thực hiện xây dựng NTM, người dân trong xóm đã đổ 3.415m bê tông đường xóm với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng; xây dựng nhà văn hoá xóm rộng 70m 2 trên khuôn viên 350m 2 với kinh phí 210 triệu đồng. Nhờ tuyên truyền tích cực, các hộ dân đều vui vẻ đóng góp kinh phí”. Thực hiện phong trào xây dựng làng văn hoá, xã đã xây dựng các quy định về tổ chức lễ hội, quy ước về việc cưới, việc tang... Đến nay, 9/14 xóm đã được công nhận xóm văn hoá, 80% gia đình được công nhận gia đình văn hoá. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay xã có 15 tiêu chí đạt, 4 tiêu chí cơ bản đạt tiêu chí xây dựng NTM. Hiện xã đang hoàn thiện các thủ tục, trình UBND tỉnh công nhận xã NTM trong năm 2016.
 
Những đổi thay ở vùng quê cách mạng Trực Cường càng nhân lên niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trực Cường tiếp tục đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh: Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com