Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 9)

04:07, 12/07/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động và những thay đổi của tình hình chính trị quốc tế, trong nước làm cho tình hình an ninh chính trị thời gian này diễn biến khá phức tạp. Trên biển, tàu đánh cá nước ngoài luôn xâm nhập trái phép vùng biển của tỉnh. Một số địa phương đã phát hiện có mìn của địch thả trôi về theo dòng sông Hồng, có trường hợp đã phát nổ, gây thương tích. Hoạt động vượt biên trốn đi nước ngoài diễn ra ở một số nơi. Nhiều vụ cắt trộm dây truyền thanh, điện lực, trộm cắp tài sản của Nhà nước, tập thể liên tiếp xảy ra. Các thế lực thù địch dùng các luận điệu tâm lý chiến, tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tác động đến tư tương của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt ở một số nơi, tình trạng lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái phép cũng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III về: “Thường xuyên đề cao cảnh giác, tăng cường lực lượng quốc phòng, an ninh... đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”, Tỉnh ủy phát động đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác, phòng gian, bảo mật, chống các loại chiến tranh gián điệp, tâm lý và những luận điệu phản tuyên truyền của địch. Các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng tăng cường giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các phương án chống gián điệp, biệt kích, chống xâm nhập, trốn đi nước ngoài, làm trong sạch địa bàn luôn được củng cố, bổ sung. Công tác giáo dục ý thức sẵn sàng chiến đấu được nâng lên. Ngành công an đã triển khai đẩy mạnh công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nắm hộ, nắm người, thường xuyên rà soát, làm tốt việc quản lý các đối tượng chính trị và hình sự, kịp thời phát hiện, ngăn chặn được một số vụ tố chức trốn đi nước ngoài và ngăn ngừa được các âm mưu hành động lợi dụng tôn giáo. Nhiều vụ trọng án, gây rối trật tự đã được điều tra, bắt giữ. Thành phố Nam Định đã mở các đợt tấn công truy quét mạnh bọn tội phạm, đạt kết quả tốt, được quần chúng rất hoan nghênh, ủng hộ. Cuộc vận động xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy được phát động rộng rãi trong toàn ngành. Ngày 10-2-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 16-NQ/TU về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Qua hai năm triển khai thực hiện nghị quyết, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh đã phát triển sâu rộng, liên tục, vững chắc trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã xây dựng được 8.750 tổ, 1.680 liên tổ “An ninh nhân dân” với 208.088 người tham gia, góp phần làm giảm 16,4% số vụ phạm pháp, 18,2% số vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tốt như phường Phan Đinh Phùng (thành phố Nam Định), xã Xuân Phương (Xuân Thuỷ), Nhà máy dệt lụa Nam Định. Ngày 5-4-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 25-NQ/TU về công tác vận động tôn giáo trong tình hình mới, yêu cầu các cấp, các ngành cần ra sức vận động quần chúng trong các tôn giáo đoàn kết cùng toàn dân nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Thực hiện Chỉ thị số 108-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, ngày 12-9-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 20-NQ/TU chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ công tác đấu tranh chống tiêu cực hiện đang là vấn đề đặt ra hết sức khẩn trương, có ý nghĩa chiến lược trong cả quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và tăng cường xây dựng cơ sở vật chất hiện nay. Việc đấu tranh chống tiêu cực phải được tiến hành cả trong nội bộ tổ chức và ngoài xã hội, gắn với việc chống sự phá hoại của địch từ nhiều phía; là trách nhiệm của mọi người, mọi cấp, mọi ngành. Các cấp, các ngành phải nắm vững 5 yêu cầu của Trung ương đề ra, tập trung vào nội dung chính là đấu tranh chống ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, hối lộ, ức hiêp quần chúng, nạn đầu cơ, buôn lậu, làm ăn phi pháp; bọn lưu manh, côn đồ; bọn hoạt động chiến tranh tâm lý, phản động, phá hoại. Quá trình đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực là quá trình xây dựng về tư tưởng, nếp sống mới, con người mới, vì vậy phải đảm bảo mục tiêu và xây dựng được cơ chế quản lý mới. Đối với các tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội cần kết hợp các biện pháp hành chính và pháp luật để trừng trị nghiêm minh, nhất thiết không để tồn đọng. Những vụ việc lớn phải tập trung giải quyết, xử lý ngay từ trong Đảng ra ngoài quần chúng.

    Cùng với công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội công tác xây dựng đảng trong những năm 1981-1985 của Đảng bộ tỉnh được chú ý triển khai khá toàn diện, tập trung vào một số nội dung lớn như tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nâng cao chất lượng đảng viên, phát thẻ Đảng xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.

    Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), toàn Đảng bộ tiến hành đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng và lãnh đạo việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp vòng 2. Các nội dung trên được chỉ đạo gắn với các phong trào cách mạng, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua nghiên cứu, thảo luận, nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước hầu hết cán bộ, đảng viên biểu thị sự nhất trí cao và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội V của Đảng.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com