Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 8)

04:07, 07/07/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo cuộc vận động thực hiện nếp sống mới, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, xoá bỏ tệ nạn xã hội, quét sạch văn hoá phẩm đồi truỵ, ngày 14-5-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 29-CT/TU phát động phong trào thi đua bốn mũi tiến công, chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh, tiếp tục phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới, xây dựng làng xóm, đường phố, khu tập thể hoà thuận. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá, đấu tranh với các hủ tục mê tín dị đoan, xây dựng đời sống lành mạnh trong nhân dân được phát động rộng rãi. Những nghi thức rườm rà, lạc hậu trong việc cưới, việc tang bị phê phán, loại bỏ dần. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, báo chí, truyền thanh đã có nhiều chuyển biến mới, hoạt động ngày càng sôi nổi, rộng khắp và có tiến bộ trong việc hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở. Tỉnh đã tổ chức nhiều đợt hội diễn văn nghệ quần chúng từ cơ sở tới tỉnh đạt kết quả tốt. Việc phát hiện, sưu tầm vốn văn hoá địa phương, xây dựng “Tủ sách quê hương” đã có tác dụng giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân trong tỉnh. Việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, các phong trào thi đua đạt danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu” được phát động rộng rãi. Trung bình mỗi năm có từ 13 đến 16 ngàn lượt người được xem phim, biểu diễn nghệ thuật. Năm 1985, vở kịch Mùa hè ở biển của Đoàn kịch nói tỉnh đã đạt Huy chương vàng Hội diễn toàn quốc mừng 10 năm giải phóng miền Nam (1975-1985). Huyện Hải Hậu 8 năm liền giữ vững danh hiệu là lá cờ đầu của cả nước về phong trào văn hoá cấp huyện. Hai năm 1984-1985, tỉnh được Bộ Văn hoá công nhận hoàn thành chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

    Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 18-8-1981 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác thể dục thể thao, ngành thể dục thể thao đã khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, từng bước củng cố, phát triển, gắn thể thao hiện đại với phát huy thể thao truyền thống dân tộc. Các môn bóng đá, bóng bàn, bơi lội được triển khai, giữ vững. Tỉnh xây dựng được 2 đội bóng hạng Al là đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh và đội bóng Liên hợp Dệt; đồng thời chỉ đạo tổ chức thành công Hội khoẻ Phù Đông lần thứ I (năm 1983) và Đại hội thể dục thể thao lần thứ I của tỉnh (năm 1984). Năm 1985, đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh đứng đầu giải toàn quốc. Những kết quả của ngành đã có tác dụng tích cực trong việc động viên nhân dân rèn luyện sức khoẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, phong trào thể dục thể thao quần chúng, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Lực lượng vận động viên trẻ còn ít, điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn.

    Nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo và triển khai toàn diện công tác quân sự địa phương. Hàng năm, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đểu có nghị quyết về công tác quân sự địa phương. Lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ được chú trọng xây dựng, bảo đảm số lượng và chất lượng, thường xuyên huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, gắn với phong trào “Làm giàu đánh thắng”. Các phương án tác chiến, tổ chức diễn tập chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyến biển, nhất là vùng biển Xuân Thuỷ, Hải Hậu và chống địch đổ bộ đường không luôn được triển khai. Địa bàn tỉnh được Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 xác định là một hướng chiến dịch, một trong những trọng tâm tiến hành diễn tập về chống địch đổ bộ. Ngày 11-4-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 31-CT/TU về lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ diễn tập chống đổ bộ đường biển; xác định đây là một nhiệm vụ lớn, hết sức quan trọng của địa phương, có quan hệ trực tiếp đến nhiều cấp, nhiều ngành, do đó, các cấp ủy đảng phải quán triệt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ diễn tập của cấp trên và lãnh đạo chặt chẽ, động viên nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong khu vực diễn tập, phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là xây dựng pháo đài quân sự cấp huyện. Tỉnh ủy chọn Hải Hậu là đơn vị thực hành diễn tập và yêu cầu các cấp, các ngành phải có kế hoạch vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm của ngành, vừa tham gia và phục vụ diễn tập tốt. Cùng với việc diễn tập chống địch đổ bộ đường biển hằng năm, các đợt huấn luyện và hội thao của tỉnh được tổ chức thường xuyên và luôn đạt kết quả xuất sắc.

    Ngày 18-2-1983, Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang toàn tỉnh”. Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động, tỉnh đã hoàn thành tốt 5 mục tiêu về ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, năng lực làm chủ vũ khí, năng lực tổ chức chỉ huy và tổ chức tốt đời sống của bộ đội.

    Để xây dựng lực lượng dự bị động viên mạnh, ngày 11- 10-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 25-CT/TU lãnh đạo tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tỉnh. Xã Yên Lộc (Ý Yên) là đơn vị điển hình trong việc xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng dự bị động viên.

    Gắn với sản xuất đã được tỉnh tống kết và chỉ đạo các đơn vị học tập. Mỗi năm, tỉnh tổ chức giao quân 2 đợt, nhưng từ năm 1984, 1985, chỉ trong đợt I, các đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu giao quân cả năm, bảo đảm cả số lượng và chất lượng. Sự kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với an ninh ngày càng chặt chẽ. Các phong trào lớn như cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang toàn tỉnh” đều được tỉnh quan tâm chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm. Các hoạt động chi viện cho tỉnh Hoàng Liên Sơn và hợp tác quân sự với tỉnh Uđômxay của Lào được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả tốt. Chính sách hậu phương quân đội được các cấp, các ngành quan tâm và nghiêm chỉnh chấp hành.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com