Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 3)

04:06, 21/06/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Do được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đầu tư tích cực của nông dân nên sản xuất nông nghiệp giai đoạn 1981-1985 đạt được những  kết quả quan trọng. Việc chỉ đạo xây dựng các vùng thâm canh cao sản, ruộng cao sản đã có tác dụng khá rõ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lương thực. Tổng diện tích gieo trồng những năm 1981-1985 đạt 350.000 - 360.000 ha, trong đó diện tích lúa là 275.000 - 290.000 ha; năng suất lúa bình quân 5 năm đạt 55 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lương thực bình quân 5 năm đạt 867.730 tấn, riêng thóc đạt trung bình gần 790.000 tấn. Bình quân lương thực đầu người 5 năm 1981-1985 đạt 317 kg/người/năm. Năng suất giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn, những điển hình về năng suất 5 tấn trở lên được giữ vững và phát triển qua từng năm. Hải Hậu là huyện dẫn đầu về năng suất cả năm trên đất hai vụ, đạt 81,4 tạ/ha; huyện Nam Ninh đạt 76,57 tạ/ha; huyện Nghĩa Hưng 72,13 tạ/ha; huyện Xuân Thuỷ 71,56 tạ/ha. Số hợp tác xã đạt năng suất 10 tấn/ha trở lên cả năm tăng dần, từ 5 hợp tác xã năm 1982 lên 8 hợp tác xã năm 1984 và 10 hợp tác xã năm 1985, như Xuân Phương (Xuân Thủy) đạt 123 tạ/ha, Hải Vân (Hải Hậu) đạt 103 tạ/ha, Trực Đông (Nam Ninh) đạt 104 tạ/ha...

Nhân dân xã Xuân Hồng vui mừng đón đc Trường Chinh nam 1981

Nhân dân xã Xuân Hồng vui mừng đón đồng chí Trường Chinh
về thăm quê hương năm 1981.

    Thực hiện chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại màu lương thực, tỉnh đã bước đầu xây dựng cơ cấu hợp lý cho từng vùng, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt vào cơ cấu cây vụ đông. Những giống ngô có năng suất cao đã được chú trọng mở rộng diện tích.

    Nhưng thời gian này do tập trung cao cho cây lúa nên diện tích và sản lượng cây màu có xu hướng giảm. Diện tích trồng màu chiếm từ 14,2% diện tích gieo trồng năm 1981 xuống còn 7,9% năm 1984, sản lượng từ 110 ngàn tấn quy thóc năm 1981 xuống 62,5 ngàn tấn quy thóc năm 1985.

    Cây công nghiệp được xác định là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho công nghiệp và nguồn hàng nông sản xuất khẩu nên tỉnh đã chỉ đạo xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp có sản lượng lớn và ổn định. Các loại cây trồng như đay, mía, lạc, dâu... được đầu tư tăng thêm diện tích. Diện tích trồng cói là khoảng gần 3.000 ha mỗi năm; năng suất đạt 57,72 tạ/ha, sản lượng đạt 19.000 tấn năm 1985 Diện tích trồng đay từ 1.000 đến 2.000 ha/năm; năng suấl trung bình 20 tạ/ha, sản lượng khoảng 4.200 tấn năm 1985. Diện tích cây lạc năm 1985 đạt hơn 6.000 ha, tăng 28% so với năm 1981; năng suất đạt 12 tạ/ha năm 1985 (riêng ở Nam Ninh đạt gần 20 tạ/ha), sản lượng trên 7.200 tấn năm 1985. Các loại cây lấy sợi, cây dược liệu cũng được phát triển đã tăng thêm nguyên liệu dệt vải và thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Các địa phương có cơ chế dành quỹ lương thực và các loại vật tư thiết yếu chuyên dùng để bảo đảm cung cấp kịp thời cho các vùng chuyên canh cây công nghiệp và có chính sách giá cả thu mua kịp thời, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất. Trong tổ chức thực hiện, trên cơ sở thâm canh, tăng năng suất cây lúa, vấn đề lương thực từng bước được giải quyết, nhiều nơi đã chuyển một số diện tích sang mở rộng trồng cây công nghiệp để tăng nguồn hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp. Từ năm 1981 đến 1985, diện tích trồng cây công nghiệp được mở rộng, những cây trực tiếp xuất khẩu tăng nhanh và hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn. Hàng hoá xuất khẩu từ sản phẩm nông nghiệp và từ ngành nghề trong nông nghiệp chiếm 75% tổng lượng hàng xuất khẩu của tỉnh. Riêng sản phẩm từ 4 loại cây trồng: lạc, đay, cói, dâu tằm chiếm 51,61%. Nhiều cơ sở đã tích cực mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu để đổi lấy vật tư, kỹ thuật phục vụ thâm canh và phân bổ sử dụng hợp lý lao động.

    Để đảm bảo yêu cầu cơ bản về thực phẩm cho tiêu dùng, sức kéo cho sản xuất, hoàn thành nghĩa vụ với Trung ương và dành một phần cho xuất khẩu, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi toàn diện cả ba khu vực: quốc doanh, tập thể, gia đình; phục hồi và phát triển đàn lợn, chú ý tăng cả số lượng và trọng lượng xuất chuồng, nhất là đàn lợn lai kinh tế; kết hợp chặt chẽ giữa chăn nuôi trâu, bò cày kéo và trâu, bò sinh sản trong các gia đình. Các loại gia cầm được khuyến khích phát triển. Diện tích mặt nước ao hồ được triệt để tận dụng để nuôi thả cá. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, trong 5 năm 1981-1985, đàn lợn phát triển ổn định, trung bình là 677.400 con mỗi năm; năm cao nhất (năm 1984) đạt 716.440 con. Sản lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 5 năm đạt 30.000 tấn/năm, bằng 128,7% kế hoạch, tăng 2.540 tấn/năm. Mỗi năm tỉnh bán nghĩa vụ cho Nhà nước từ gần 11.000 đến trên 15.000 tấn. Các địa phương coi trọng và tích cực chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chăn nuôi, nhằm tăng nhanh đàn trâu bò sinh sản. Số bê con được sinh ra mỗi năm tăng nhanh, đạt gần 6.700 con năm 1985, gấp 3 lần năm 1980. Số lượng gia cầm, nhất là gà công nghiệp tăng từ 2,5 triệu con năm 1980 lên 3,4 triệu con năm 1985, tăng 36%. Giống vịt Anh Đào đã được thử nghiệm lai với vịt cỏ để tạo ra giống vịt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu có triển vọng mở rộng trong toàn tỉnh.

    Nhằm phát triển ngành thuỷ sản, ngày 12-5-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 51-CT/TU chỉ đạo về việc đẩy mạnh nuôi thả tôm, cá nước ngọt. Các hợp tác xã đánh cá ven biển Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng tiếp tục được khuyến khích, tạo điều kiện; mỗi năm đánh bắt từ  5.000-5.500 tấn cá biển. Việc nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản bước đầu được tổ chức lại, song chuyển biến chậm phong trào nuôi thả cá nước ngọt nhìn chung còn yếu.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com