Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 1)

07:03, 17/03/2015

[links()]

    Từ sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 (1-1949) tới cuối năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân ta có những bước phát triển mới. Thực hiện chủ trương Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, quân dân ta đã mở nhiều chiến dịch liên tiếp, giải phóng nhiều vùng đất đai, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Các căn cứ du kích và khu du kích hình thành và lan rộng trong vùng địch tạm chiếm, củng cố thêm thế trận chiến tranh nhân dân. Lực lượng vũ trang, bán vũ trang trưởng thành mau chóng. Hình thức đấu tranh của quần chúng và lực lượng vũ trang ngày càng phong phú và đa dạng, có hiệu quả.

    Thắng lợi của cách mạng Việt Nam cùng với những thắng lợi của quân dân Lào, Campuchia trên chiến trường Đông Dương đã đặt đội quân xâm lược Pháp trước nguy cơ thất bại mới. Chúng chẳng những thấy rõ mục tiêu chiến lược "Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" khó thực hiện được, mà ngay biện pháp chiến lược dùng hệ thống cứ điểm nhỏ và đội quân cơ động ứng chiến nhỏ để mở rộng lấn chiếm, bình định cũng bị uy hiếp nghiêm trọng.

    Lợi dụng tình thế Pháp ngày càng sa lầy, đế quốc Mỹ càng can thiệp sâu vào chiến tranh Việt Nam. Chúng thúc ép Pháp trao trả độc lập giả hiệu cho bù nhìn Bảo Đại; thành lập đội quân nguỵ do Mỹ trực tiếp trang bị, huấn luyện và đài thọ. Đế quốc Mỹ đang dần trở thành kẻ thù nguy hiểm trực tiếp của cách mạng Việt Nam.

    Để xoay chuyển tình thế, từ ngày 13-5-1949, Chính phủ Pháp cử tướng Rơve, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp cùng sáu nghị sĩ Quốc hội Pháp sang nghiên cứu tình hình Đông Dương và đặt ra một kế hoạch mới mang tên kế hoạch Rơve, với nội dung cơ bản là:

    Mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phong toả biên giới Việt - Trung.

    Tăng cường xây dựng quân nguỵ, dùng quân nguỵ làm nhiệm vụ chiếm đóng, tập trung quân Âu - Phi để xây dựng lực lượng cơ động càn quét, mở những đợt tiến công lớn.

    Củng cố và đề cao nguỵ quyền làm công cụ tiếp tục thực hiện chính sách "Dùng người Việt đánh người Việt".

    Kế hoạch Rơve của Pháp được sự đồng ý của Chính phủ Mỹ, xuất phát từ ý đồ can thiệp ngày càng sâu vào chiến trường Đông Dương của họ.

    Với viện trợ Mỹ và số quân được tăng viện, từ tháng 7- 1949 đến tháng 5-1950, Pháp mở liên tiếp tám chiến dịch đánh chiếm rộng ra đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

    Trong âm mưu mở rộng phạm vi đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ, địch đã chọn sáu huyện phía nam Nam Định làm một trong những điểm đột phá, vì đây là vùng đất phì nhiêu, dân cư đông đúc, lại là vùng có đồng bào theo đạo Thiên Chúa nhiều nhất ở miền duyên hải Bắc Bộ, thuộc Giáo hội địa phận Bùi Chu, xung quanh có biển Đông, sông Hồng, sông Đào, sông Đáy bao bọc, thuận tiện cho địch dùng thuỷ quân lục chiến tiến công, chiếm đóng.

    Trung tuần tháng 10-1949, địch tập trung ba binh đoàn cơ động mở cuộc hành quân Ăngtơraxit, thực hiện kế hoạch Rơve.

    Sáng sớm ngày 16-10-1949, chúng cho 17 máy bay vận tải Đacôta và trên chục máy bay chiến đấu yểm hộ thả 300 quân dù cùng vũ khí xuống nghĩa địa Phát Diệm (thuộc tỉnh Ninh Bình).

    Ngày 18-10-1949, sau hai ngày đánh chiếm khu công giáo Phát Diệm, địch cho 6 tàu chiến, 2 ca nô chở 2 tiểu đoàn theo sông Hồng đổ quân lên Hạc Châu, Liêu Đông (Xuân Trường) đánh chiếm Hành Thiện, Bùi Chu (nơi có Toà giám mục Bùi Chu). Ngay lập tức, bọn phản động ở Chí Thiện (Xuân Thiện), Ngọc Cục, Lục Thuỷ (Xuân Tiên), Phú An, Trung Linh, Bùi Chu (Xuân Ngọc), được địch trang bị vũ khí, mở rộng chiếm đóng hình thành một vành đai an toàn bảo vệ sào huyệt Bùi Chu. Ngày 22-10, địch tiếp tục đánh chiếm

    Giao Hương (Giao Thuỷ), Phù Sa Thượng, Hải Lạng (Nghĩa Hưng), càn ra đông nam huyện Xuân Trường, đóng quân tại Ngô Đồng, khuyến khích, thúc ép bọn phản động nổi dậy, lập tề, dõng, bảo an, dân vệ. Chúng cấp phát vũ khí cho bọn phản động ở Phú Nhai, Quần Cống, Lạc Thành, Ân Phú (Xuân Trường)... để lùng sục truy diệt cán bộ, bộ đội và lực lượng kháng chiến của ta.

    Đánh chiếm xong các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, địch đóng một loạt vị trí dọc các triền sông lớn, cho tàu chiến, ca nô thường xuyên tuần tiễu, kiểm soát tuyến đường thuỷ trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, nối liền thành phố Nam Định với thị trấn Phát Diệm (thuộc tỉnh Ninh Bình), tạo thành một vành đai an toàn bảo vệ sào huyệt của chúng ở Bùi Chu.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com