Vinh danh "Báu vật nhân văn sống"

09:03, 13/03/2015

Nghị định số 123/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có hiệu lực từ ngày 15-2-2015. Nghị định được xem là bước ngoặt trong việc tôn vinh, hiện thực hóa việc hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề. Họ là “kho tư liệu sống”, lưu giữ tinh hoa văn hoá, nghề nghiệp thủ công của cộng đồng dân tộc, các địa phương; đồng thời cũng là người “giữ lửa” và truyền dạy cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá làng nghề dân tộc.

Tỉnh ta được coi là “đất trăm nghề”, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống lâu đời. Tại huyện Nam Trực, có nhiều làng nghề truyền thống, nổi tiếng trong khu vực và cả nước như: nghề rèn Vân Chàng (Nam Giang), nghề đúc đồng Đồng Quỹ (Nam Tiến), nghề làm bánh kẹo ở Thượng Nông (Bình Minh), nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp (Hồng Quang), nghề mộc ở Nam Cường, trồng dâu nuôi tằm ở Nam Thắng, nghề làm nón ở thôn Rục Kiều (Nam Hùng), nghề dệt vải ở thôn Liên Tỉnh (Nam Hồng). Hay tại huyện Ý Yên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống như: Làng nghề sơn quang Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá… không chỉ đơn thuần là những sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống dân sinh mà còn mang đậm bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng, là kết tinh từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người.

Nghệ nhân làng nghề Nguyễn Văn Đức, xã Yên Ninh (Ý Yên) được phong danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2010.
Nghệ nhân làng nghề Nguyễn Văn Đức, xã Yên Ninh (Ý Yên) được phong danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2010.

Không chỉ nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng nghề ở tỉnh ta đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm độc đáo có giá trị nghệ thuật. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức là người đầu tiên của làng La Xuyên được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2010. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề chạm khắc gỗ tại làng La Xuyên, xã Yên Ninh, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành điêu khắc, anh trở về quê hương, mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Với lòng đam mê nghề truyền thống quê hương, nghệ nhân Nguyễn Văn Đức luôn tìm tòi, sáng tạo, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những sản phẩm của anh thiết kế vừa mang nét tài hoa, giữ được cốt cách truyền thống văn hoá đặc trưng của làng nghề, lại hội tụ được những nét tươi sáng của nhịp sống đương đại, có giá trị về nghệ thuật và nhu cầu sử dụng thực tiễn. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Hội Đền Trần” (tranh gỗ), “Thiếu nữ”, “Mẫu tử” (tượng tròn); “Tình yêu và thời gian”, “Gặp gỡ”, “Tâm sự” cùng các mẫu tượng tôn giáo, đồ thờ tự, bàn ghế, tủ tường… Các tác phẩm thuộc thể loại phù điêu của nghệ nhân Nguyễn Văn Đức luôn có sự tìm tòi, cách điệu, bố cục đơn giản, nhưng mang tính khái quát cao, đạt đến độ tinh xảo. Nghệ nhân Bùi Văn Hinh, làng La Xuyên sinh ra trong gia đình có 5 đời làm nghề chạm khắc; anh đã có mặt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia xây dựng các công trình, kiến trúc lớn. Hiện nay, cơ sở của anh có trên 20 lao động, chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm gỗ ra thị trường trong nước và các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Anh tâm sự: Nghề chạm khắc gỗ cũng lắm công phu, đòi hỏi người nghệ nhân phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và kỹ thuật cao để từ những miếng gỗ sần sùi sẽ tạo ra cả một thế giới của hình khối mang cái hồn, cái thần thái của sản phẩm. Để có được một sản phẩm nói chung, nhất là những sản phẩm gỗ dâng lên Tổ nghề đòi hỏi một quy trình nhiều công đoạn. Bắt đầu từ những khối gỗ, người nghệ nhân phải sáng tạo các sản phẩm; đục, gọt, nạo, tỉa, đánh bóng; tạo ra một sản phẩm tinh tế mang tính nghệ thuật bởi người thợ cũng như một họa sĩ, nhưng tạo hình trên những khối gỗ thì còn khó hơn nhiều. Nghệ nhân Nguyễn Công Phượng, làng Vị Khê được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2014 chia sẻ: Chơi cây, khâu quan trọng nhất là chọn giống. Cây cảnh được chọn trồng là những cây có sức tái sinh, khỏe, có thể sống ở mọi địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy, nét truyền thống của cây cảnh Vị Khê là giống cây nhiều nhựa (sanh, si). Thứ hai chọn dáng, thứ ba là nguyên tắc tạo thế. Cây cảnh có giá trị phải mang đủ yếu tố: “gốc bồ, ngọn chỉ” (gốc cổ, ngọn kim). Mỗi thế cây còn được tạo thế với những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau như thế hạc lập, thế mẫu tử, thế quần tụ… Để tạo được dáng cây, những nghệ nhân có khi mất cả cuộc đời với sự kiên nhẫn tỷ mỷ cùng sự sáng tạo vô bờ bến. Từng nhánh cây, từng chồi non đều được uốn, tạo dáng, có khi phải mấy năm mới được hình hài một nhánh cây đẹp. Những năm qua, nghệ nhân Nguyễn Công Phượng đã tham gia giảng dạy và truyền nghề trồng hoa, cây cảnh cho các hội viên thuộc các Hội Sinh vật trong toàn tỉnh và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng.

Đồng chí Trần Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nghị định số 123/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có hiệu lực từ ngày 15-2-2015. Theo đó, để được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, cá nhân còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; đã có tác phẩm, sản phẩm được trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử, các sự kiện lớn của đất nước hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề, đặc biệt phải có tối thiểu 15 năm hoạt động trong nghề. Đối với danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, danh hiệu được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và đạt các tiêu chuẩn như: Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo một cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; đã trực tiếp thiết kế, chế tác được hai sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng cho phép tổ chức. Nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu sẽ được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo từng danh hiệu; đồng thời, phải tích cực giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề và không ngừng hoàn thiện kỹ năng, kỹ xảo nghề của mình.

Nghị định 123 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2015. Khi đó, việc tiến hành lập hồ sơ, quy trình và thủ tục để đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân sẽ được tiến hành qua nhiều bước, nhiều cấp, do đó, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các đơn vị có liên quan./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com