Kiên trì cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện (Từ 1-1948 đến 10-1949) - Kỳ 3

06:03, 05/03/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Phát huy những thắng lợi về quân sự, ta đẩy mạnh công tác phá tề, trừ gian, diệt chỉ điểm, phục hồi cơ sở trong vùng địch tạm chiếm. Nhờ đó, phong trào quần chúng phát triển thuận lợi, chính quyền ngày càng được đề cao trong nhân dân. Tuy nhiên, một số nơi còn mắc sai lầm, thiếu sót, đã trừng trị tràn lan hoặc để bộc lộ lực lượng nên bị địch khủng bố. Một số xã ở Mỹ Lộc, phong trào tương đối khá nhưng cán bộ có tư tưởng cầu an, sợ phá tề địch sẽ khủng bố nên không phát động quần chúng nổi dậy phá tề, trừ gian.

    Sau những hoạt động của ta, địch tập trung đối phó, chiếm đóng lại một số vị trí đã mất như Dương A, Đạo Nghĩa; cắm thêm vị trí Nhân Hoà (Nam Trực). Các vị trí vành đai đều được tăng cường quân số, củng cố công sự và liên tiếp tổ chức hành quân càn quét. Trong 6 tháng đầu năm 1949, chúng đã mở 96 cuộc, trong đó 63 cuộc càn quét ở địch hậu, 29 cuộc càn vùng uy hiếp và bốn lần đánh thọc ra vùng tự do nhằm phá cơ sở, cướp phá tài sản của nhân dân.

    Tình hình trên phản ảnh thế giằng co giữa ta và địch. Địch thọc sâu vùng tự do. Ta đánh mạnh vùng địch tạm chiếm, co hẹp vị trí chiếm đóng. Ta đánh địch chỗ này, chúng lại tấn công ta chỗ khác. Tuy nhiên, càng đánh ta càng có điều kiện thuận lợi hơn địch. Lực lượng vũ trang của ta với ba thứ quân, trải qua chiến đấu, qua các đợt luyện quân lập công đã trưởng thành về mọi mặt. Trong chiến đấu đã biết vận dụng phương châm tích cực tiến công tiêu diệt sinh lực địch, bảo toàn và phát triển lực lượng; đánh mạnh vào chỗ địch yếu và sơ hở, đẩy mạnh du kích chiến với vận động chiến. Song, ta còn thiếu sót là chưa phát huy hết vai trò tác dụng của các đại đội độc lập. Có đơn vị còn nặng nề về tư tưởng lập thành tích nên thường đánh xong một vài trận lại rút ra vùng tự do, chưa tích cực đi sâu làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền gây cơ sở, dìu dắt dân quân du kích đánh giặc.

    Về mặt xây dựng lực lượng có nhiều tiến bộ. Các đội dân quân du kích xã vừa tác chiến vừa xây dựng đã lớn lên nhanh chóng, có kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ làng xóm. Đến tháng 10-1949, số du kích toàn tỉnh có tới hơn 45.000 người; so với cuối năm 1948 tăng gấp hơn hai lần. Phong trào tòng quân giết giặc cứu nước sôi nổi khắp nơi trong tỉnh. Số thanh niên ghi tên tòng quân trong năm 1949 lên tới gần 9000 người. Bộ đội địa phương từ 1 đại đội Đề Thám, đến tháng 3-1948 đã xây dựng thêm tiểu đoàn Duyên Hải. Cuối năm 1949 tất cả các huyện đã có 20 trung đội. Các cơ quan quân sự như tỉnh đội, huyện đội, xã đội đều được củng cố và kiện toàn, giúp cấp uỷ lãnh đạo công tác quân sự ngày càng đi vào nền nếp.

    Phong trào rào làng kháng chiến được triển khai ra nhiều địa phương trong tỉnh. Đến tháng 10-1949 đã xây dựng được 90 làng chiến đấu, trong đó nhân dân đã đào 17.l80m hào giao thông, 23.263 hố chiến đấu cá nhân, 1.841 hầm bí mật, đắp 9.470 ụ và dựng 249 cổng tre. Việc tiêu thổ kháng chiến tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các đường giao thông lớn, các cầu cống, thị trấn quan trọng đều tiến hành phá hoại; trên các mặt đê đều đắp ụ hoặc con trạch. Việc rào làng kháng chiến ở các cơ sở tuy có khác nhau về quy mô, hình thức, song thực chất đã thúc đẩy phong trào toàn dân đánh giặc lên một bước mới.

    Nổi bật nhất là làng chiến đấu Liên Minh (Vụ Bản). Nhân dân ở đây đã bỏ ra hàng chục ngàn ngày công, góp 17.870 cây tre, gỗ; đào trên 7.000m hầm giao thông nổi và ngầm nối liền các thôn Lương Kiệt, Hào Kiệt, Tam Hoà, Đồng Xuyên xây dựng thành một căn cứ vững chắc cạnh đường 10. Toàn xã có 11 trung đội du kích, vừa tích cực làm nòng cốt trong sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Ngay từ năm 1947, nhân dân Liên Minh đã nhiều lần phải chống địch càn phá. Trận có quy mô lớn là ngày 8-2-1949 (tức 28 tháng chạp), địch huy động 1.000 quân từ Nam Định kéo theo hầu hết quân ở bốt Trình Xuyên, có máy bay, pháo kích yểm trợ tiến công vào làng hòng triệt phá làng chiến đấu, tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Vì bất ngờ nên bộ đội chủ lực và Đại đội 47 của huyện không về kịp thời để chi viện. Song chính quyền, nhân dân và du kích ở đây vừa tổ chức dân tản cư, cất giấu lương thực, thực phẩm, vừa kiên cường, mưu trí đánh địch. Sau gần nửa ngày chiến đấu, dân quân xã Liên Minh đã tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, sau đó rút lui an toàn. Địch vào làng chỉ là vườn không nhà trống, đốt cháy trên 100 nóc nhà rồi rút quân.

    Phong trào nhân dân và các đoàn thể cứu quốc xung phong đỡ đầu bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển đã thu nhiều kết quả. Tại Giao Thuỷ, trung bình mỗi xã, nhân dân nhận nuôi từ 3 đến 6 bộ đội. Trong sáu tháng năm 1949, nhân dân Ý Yên đã ủng hộ bộ đội 41.197 kg thóc. Trong vòng ba tháng vận động Hũ gạo nuôi quân, ở Vụ Bản đã có 5.722 hộ tham gia, thu được 12.757 kg gạo ủng hộ chiến sĩ. Nhân dân trong tỉnh còn hăng hái đóng góp vào quỹ kháng chiến, từ tháng 7-1948 đến tháng 10-1949 thu được 1.817.336 đồng và tham gia mua công phiếu kháng chiến, với số tiền là 6.287.000 đồng. Nhiều người còn xung phong mua công phiếu kháng chiến hạng D (loại 1 vạn đồng).

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com