Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 9

06:01, 22/01/2015

[links()]

    Hiểu rõ ý đồ đen tối của quân Tưởng, căn cứ vào Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng và Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ về thái độ ứng xử với chúng, Tỉnh uỷ chủ trương một mặt nêu khẩu hiệu Hoa - Việt thân thiện, mặt khác phải kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc nhưng mềm dẻo trong đối phó, hết sức tránh xung đột với quân đội của chúng. Biện pháp căn bản để đẩy lùi âm mưu và hành động phá hoại của bọn chúng là phải biết dựa vào lực lượng quần chúng, biểu dương sức mạnh của quần chúng làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng. Đối với bọn Việt Nam Quốc dân Đảng và bọn tay sai phản động khác, phải kịp thời vạch trần những luận điệu và hành động chống phá cách mạng, phản bội Tổ quốc của chúng; kiên quyết trừng trị những tên có nhiều tội ác với nhân dân và cách mạng.

    Khi phái bộ của quân Tưởng đến Nam Định, Đảng bộ đã huy động trên ba vạn người ở nội, ngoại thành, dưới hình thức hoan nghênh phái bộ Trung Hoa, nhưng thực chất là để biểu dương sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đoàn biểu tình đã giương cao khẩu hiệu "Đoàn kết xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh". Mấy ngày sau hai trung đoàn quân Tưởng kéo vào thành phố, Đảng bộ lại huy động trên năm vạn quần chúng biểu tình tuần hành qua các phố mang theo cờ đỏ sao vàng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với các khẩu hiệu "Nước Việt Nam của người Việt Nam", "Hoa - Việt thân thiện".

    Quân Tưởng vào thành phố đã tỏ thái độ hống hách, sách nhiễu, luôn gây rối, uống rượu say, đập phá, ăn quỵt, cướp giật hàng hoá, trêu ghẹo phụ nữ, dùng súng bắn vào tự vệ trong khi đang làm nhiệm vụ. Chúng tung tiền "Quan kim" ra vơ vét thóc gạo làm cho giá cả tăng vọt. Thái độ của chúng đã làm cho quần chúng phẫn uất. Đảng bộ đã kiên nhẫn giáo dục, hướng dẫn quần chúng đấu tranh tẩy chay, bất hợp tác với quân Tưởng. Mặt khác chính quyền ta đã thương lượng, thuyết phục bọn sĩ quan buộc chúng phải thay đổi thái độ. Ta đã dùng loại giấy bạc 500 đồng Đông Dương mà Pháp đã tuyên bố huỷ bỏ để mua vũ khí của quân đội Tưởng, trang bị cho bộ đội. Đề phòng sự phản trắc của quân Tưởng, lực lượng vũ trang của ta chỉ để lại một bộ phận nhỏ đóng trong thành phố, còn đại bộ phận rút ra ngoài tạo thế bao vây. Được quần chúng hết lòng ủng hộ, lực lượng công an đã bắt giữ một số tên phản động, trong đó có ba tên Tỉnh uỷ viên Việt Quốc. Tại số nhà 41 Lê Quý Đôn, nơi đóng trụ sở của bọn Việt Quốc, ta đã bố trí đưa người vào để nắm tình hình, bố trí lực lượng bao vây, giám sát. Mặc dù được quân Tưởng giúp đõ, che chở chúng vẫn không gây được ảnh hưởng gì đối với nhân dân ta, bị quần chúng nhân dân vô cùng khinh ghét. Khi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi Nam Định, bọn Việt Quốc và bè lũ tay sai cũng chạy theo. Một số không chạy kịp phải chui vào các nhà thờ Thiên Chúa giáo để chờ chủ mới.

    Những biện pháp đấu tranh đúng đắn đó đã làm thất bại âm mưu thâm độc của bọn đế quốc và bè lũ tay sai, nâng cao khí thế của quần chúng và uy tín của chính quyền cách mạng. Thế và lực của cách mạng ngày càng vững mạnh.

    Sau sáu tháng đóng quân ở Bắc Bộ, quân đội Tưởng vẫn không thực hiện được âm mưu đen tối của chúng. Ngày 28-2- 1946, chúng đã thoả thuận cho Pháp thay mình giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra. Cùng thời gian này, theo thoả thuận giữa Mỹ và Anh, quân đội Anh nhường cho thực dân Pháp chiếm đóng miền Nam nước ta từ vĩ tuyến 16 trở vào.

    Thi hành Chỉ thị Hoà để tiến, Đảng bộ Nam Định đã mở một đợt giáo dục sâu rộng từ trong Đảng ra ngoài quần chúng, làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa thắng lợi của việc ký Hiệp định Sơ bộ 6-3, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc (tả khuynh, hữu khuynh). Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng được tổ chức khắp nơi trong tỉnh để biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đòi phía Pháp phải chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Sơ bộ. Ngày 15-3-1946, bốn vạn nhân dân nội, ngoại thành tổ chức mít tinh tại công viên thành phố để nghe giải thích Hiệp định Sơ bộ và ra Nghị quyết đòi:

" - Thi hành đúng Hiệp định Việt - Pháp.
- Việt Nam có toàn quyền ngoại giao.
- Nam Bộ của người Việt Nam, phản đối trưng cầu dân ý.
- Mở ngay một cuộc đàm phán chính thức tại Pari.
- Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh".

    Ngày 3-4-1946, đại diện của ta đã ký với Pháp một hiệp định cụ thể, cho Pháp được đóng quân ở tám nơi trên miền Bắc. Theo hiệp định, đầu tháng 4-1946, quân đội Tưởng rút về nước, quân Pháp vào thay thế. Hơn 800 quân Pháp thuộc binh đoàn thuộc địa số 6 về đóng tại thành phố Nam Định (trại Carô, nhà thờ Sanhtôma, Nhà máy sợi, dãy nhà sĩ quan và một số quân luân phiên gác ở Nhà máy tơ, Nhà băng, Nhà máy chiếu, Nhà máy rượu), sở chỉ huy của chúng đóng tại nhà của chủ Nhà máy sợi (nay là nhà Bảo tàng truyền thống của Công ty dệt Nam Định).

    Theo chỉ thị của Trung ương, Đảng bộ Nam Định đã động viên nhân dân trong tỉnh khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, uỷ ban bảo vệ được thành lập từ tỉnh xuống xã. Các đồng chí Bí thư cấp uỷ đảm nhiệm Chủ tịch uỷ ban bảo vệ, có nhiệm vụ chăm lo mọi mặt công tác chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com