Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 11

07:01, 29/01/2015

[links()]

    Đứng trước nguy cơ của cuộc chiến tranh đến gần, Đảng bộ và nhân dân Nam Định hết sức tranh thủ thời gian hoà hoãn, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Từ giữa tháng 9 đến tháng 12-1946, uỷ ban Bảo vệ tỉnh và các đội tự vệ thành phố gồm 700 người và mỗi huyện một đội tự vệ; lập nhiều đội phá bom và đội cảm tử làm công tác phá hoại; tổ chức huấn luyện gấp cho dân quân, tự vệ; tổ chức đào nhiều hầm hố, làm nhiều công sự trong thành phố và các ngả đường vào thành phố, chuẩn bị kế hoạch và phương án tác chiến. Mạng lưới giao thông liên lạc được tổ chức, đảm bảo sự chỉ đạo nhanh chóng và kịp thời từ tỉnh đến các huyện, uỷ ban bảo vệ các cấp vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, dự trữ được 20 tấn gạo, 1 tấn lương khô, 1 tấn đường và mật... để cho bộ đội, tự vệ chiến đấu. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân, kể cả Hoa kiều, Ấn kiều hiểu rõ tình hình nhiệm vụ mối và đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn hiện tại. Uỷ ban bảo vệ tỉnh đã tổ chức cơ quan ấn loát, ra báo và chuẩn bị nhiều truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi kháng chiến; củng cố và mở rộng công binh xưởng để sửa chữa vũ khí. Các mặt công tác y tế, cứu thương, vận động nhân dân tản cư cũng được chuẩn bị chu đáo. Phong trào tự trang bị vũ khí trong nhân dân ngày càng phát triển sâu rộng. Dân quân, tự vệ mỗi người đều có một thứ vũ khí thô sơ như kiếm, mã tấu, dao găm, gậy gộc. Nhiều huyện tự mua sắm vũ khí trang bị đủ cho một trung đội, có nơi đã có cả súng liên thanh. Sau khi quân Pháp gây xung đột đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, Tỉnh uỷ Nam Định cùng Ban chỉ huy Trung đoàn 34 họp liên tịch bàn một số công việc cần kíp về nhiệm vụ chính trị và quân sự của địa phương. Trong thành phố Nam Định, các ổ tác chiến, các chướng ngại vật được xây dựng. Nhiều trục đường giao thông quan trọng như Ngã tư Cửa Đông, Ngã sáu Năng Tĩnh được đắp ụ để ngăn cơ giới địch. Nhiều đoạn đường biến thành giao thông hào. Các dãy phố được đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia để bộ đội, tự vệ vận động đánh địch. Mọi nhà trong thành phố đều dự trữ gạo, lương khô, cong nước cho bộ đội. Các đội cứu thương, tiếp tế được thành lập và huấn luyện rất khẩn trương. Ban Chỉ đạo tản cư tích cực vận động và tổ chức cho các cụ già, trẻ em đi trước.

    Ngày 17-12-1946, quân Pháp khiêu khích và gây hấn ở Hà Nội, bắn vào tự vệ ở phố Hàng Bún. Ngày 18-12-1946, chúng ngang ngược đưa tối hậu thư đòi tước vũ khí lực lượng tự vệ thủ đô. Tại Nam Định, chúng yêu cầu chính quyền ra lệnh tự vệ hạ vũ khí, phá bỏ các chướng ngại vật ở Cửa Đông, Ngã tư Máy Tơ, bến Đò Quan. Chúng cho quân lính xông vào cướp lựu đạn của tự vệ gác ở Ngã tư Máy Tơ. Tối ngày 19-12, một số lính Pháp ở nhà thờ Sanhtôma kéo ra Ngã tư Cửa Đông giở trò khiêu khích rồi vô cớ bắn vào tự vệ nên đã bị tự vệ bắn trả. Dựa vào cớ đó, tên thiếu tá Đabôvan đòi ta phải giải tán lực lượng tự vệ. Quan hệ hai bên trở nên hết sức căng thẳng. Khả năng duy trì hoà bình hết sức mỏng manh.

    Ngày 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đã bắt đầu.

    Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã phải trải qua hơn một năm gay go, phức tạp vừa xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân vừa chống lại bọn đế quốc bên ngoài và bè lũ phản cách mạng bên trong. Nhờ Đảng bộ nắm và vận dụng đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng vào hoàn cảnh địa phương một cách đúng đắn và sáng tạo, tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng là xây dựng, củng cố chính quyền từ tỉnh xuống xã, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân thông qua tổ chức Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi trên cơ sở liên minh công nông, luôn luôn chú trọng xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương. Thông qua bộ máy chính quyền, Đảng bộ hết sức chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí cho nhân dân, giáo dục động viên và tổ chức quần chúng tham gia mọi hoạt động cách mạng ở địa phương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

    Trong tình thế hết sức hiểm nghèo, cùng một lúc phải đối mặt với ba kẻ thù nguy hiểm (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm), song Đảng bộ biết dựa vào nhân dân, hướng cho quần chúng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai; vận dụng đúng đắn và linh hoạt sách lược đối với quân Tưởng, góp phần làm thất bại âm mưu đen tối của chúng.

    Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; đã hoàn thành việc củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng; chuẩn bị tốt về mọi mặt, vững vàng bước vào cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com