Đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống địch lấn chiếm (Từ 4-1947 đến 12-1947) Kỳ 4

07:02, 24/02/2015

[links()]

    Tính đến ngày toàn quốc kháng chiến, toàn tỉnh có 138 trường, gồm 208 lớp học (thành phố có 6 trường, 49 lớp). Khi kháng chiến bùng nổ, một số trường nội thành xung quanh thành phố phải đóng cửa, còn tất cả các trường ở nông thôn vẫn tiếp tục hoạt động. Riêng Trường trung học Nguyễn Khuyến ở nội thành được phân tán về Trà Lũ Bắc (Xuân Trường) và Thượng Đồng (Ý Yên). Ngành bình dân học vụ phát triển mạnh, có 1.170 lớp công cộng; 1.770 lớp học tại nhà, đội ngũ giáo viên đông tới 2.403 người, thu hút hơn 4 vạn học viên. Các giáo viên đã phát huy sáng kiến để khắc phục tình trạng thiếu đồ dùng giảng dạy như lấy vôi, gạch non, đất sét trộn lẫn làm phấn viết. Đến tháng 6-1947, tỉnh đã xoá nạn mù chữ cho 71.736 người.

    Nhằm nâng cao chất lượng của phong trào bình dân học vụ, Tỉnh uỷ chỉ đạo mở các lớp huấn luyện và tu nghiệp cho 621 giáo viên và đội ngũ kiểm soát viên của 9 huyện, in 9.000 cuốn Đề phòng Việt gian và 4.000 cuốn 26 điều tâm niệm cho dân và quân để làm sách dạy học trong các lớp bình dân học vụ.

    Để tăng cưòng sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực công tác, cuối tháng 12-1947, Tỉnh uỷ mở Hội nghị cán bộ nhằm mục đích chấn chỉnh công tác sau ba tháng kháng chiến và quyết định thành lập các Ban Huyện uỷ lâm thời thay cho Ban cán sự để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng ở các địa phương.

Lớp Bình dân học vụ. Ảnh: Internet.
Lớp Bình dân học vụ. Ảnh: Internet.

    Công tác phát triển Đảng cũng được đẩy mạnh, nhất là đợt phát triển đảng viên Lớp tháng Tám theo tinh thần Chỉ thị 21 ngày 29-7-1947 của Trung ương Đảng. Đối tượng kết nạp là những người hăng hái, tích cực, trung thực, tán thành chủ nghĩa cộng sản. Các Đảng bộ trong toàn tỉnh đã mở đợt tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đợt phát triển đảng viên mới, đồng thời đề ra biện pháp, kế hoạch tiến hành cụ thể như tuyên truyền, giới thiệu tiêu chuẩn, thủ tục xét duyệt và kết nạp đảng viên. Do đó, trong quý III-1947 toàn tỉnh đã kết nạp được 333 đảng viên gồm các thành phần (công nhân, nông dân và trí thức cách mạng), làm cho sự lãnh đạo của Đảng ở nông thôn và nhiều ngành thêm vững chắc. Tính đến cuối năm 1947 Đảng bộ Nam Định đã có 1.010 đảng viên.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Đảng bộ Nam Định rất coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm xác lập những quan điểm, lập trường giai cấp cho cán bộ đảng viên; nêu cao tính tiền phong, đầu tàu, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích dân tộc, vì quyền lợi của quần chúng nhân dân. Từ ngày 15 đến ngày 18-7-1947, Hội nghị Tỉnh uỷ Nam Định mở rộng đã học tập thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi các đồng chí Bắc Bộ (1-3-1947) có liên hệ và sửa chữa những sai lầm của bản thân.

    Tháng 12-1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nam Định được tổ chức tại đình chợ Lương (Hải Anh, Hải Hậu), có 109 đại biểu. Đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bí thư Khu uỷ II và đồng chí Trần Đăng Ninh - phụ trách Đặc uỷ đoàn của Chính phủ về công tác địa phương đã đến dự. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá công tác lãnh đạo của Đảng bộ qua một năm kháng chiến; đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn tới, bầu Ban Chấp hành Tỉnh uỷ mới gồm 11 đồng chí, đồng chí Hoàng Văn Tiến được bầu làm Bí thư.

    Từ tháng 11-1947 đến tháng 1-1948, Tỉnh uỷ Nam Định đã thành lập các ban chuyên môn gồm Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (11-1947), Ban Dân vận (12-1947), Ban Kiểm soát (tức Ban kiểm tra Tỉnh uỷ, 1-1948), Ban Tuyên huấn (1-1948), Ban Công giáo vận (1-1948). Tỉnh uỷ còn thành lập tám đảng đoàn ở cơ quan chính quyền, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Việt Minh, Đảng Dân chủ, Liên hiệp Công đoàn, Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Liên Việt.

    Qua một năm kháng chiến, quân và dân trong tỉnh đã giành được những thắng lợi bước đầu về các mặt chiến đấu và xây dựng hậu phương, phát triển chiến tranh du kích, hình thành lực lượng vũ trang với ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích). Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã tỏ rõ tinh thần anh dũng, không sợ hy sinh, nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới, lập được nhiều thành tích xuất sắc. Trái lại, về phía địch, Chính phủ Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, tài chính, lại bị nhân dân Pháp và dư luận nhân dân thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do chúng gây ra đối với nhân dân Việt Nam.

    Đứng trước tình hình ngày càng bất lợi, thực dân Pháp thấy phải đẩy mạnh chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, nhằm mau chóng kết thúc cuộc chiến tranh. Ngày 7-10-1947, chúng tập trung toàn bộ lính Âu - Phi tinh nhuệ ở các chiến trường với đầy đủ vũ khí, phương tiện chiến tranh mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, nhằm chụp cơ quan đầu não kháng chiến, cất vó lực lượng chủ lực của ta rồi lập ra một chính phủ bù nhìn làm tay sai cho chúng.

    Ngày 15-10-1947, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp, vạch rõ nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải làm cho địch thiệt hại nặng nề không gượng lại được, đánh mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, giam chân địch tại mấy căn cứ chúng vừa chiếm.

    Thi hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Đảng bộ Nam Định đã phát động quần chúng sôi nổi, hăng hái tham gia mọi hoạt động nhằm góp phần làm thất bại âm mưu của địch. Công tác phá hoại đường giao thông xung quanh nơi địch đóng quân và các đường chiến lược được tiến hành khẩn trương. Những đoạn đê quan trọng được đắp những con trạch dài để ngăn cản sự hoạt động của cơ giới địch. Trong vùng địch tạm chiếm, các hoạt động quấy rối, phục kích, quét tề trừ gian được đẩy mạnh. Đội danh dự trừ gian và Công an danh dự đã phối hợp với du kích bắt 15 tên chỉ điểm ngay trong vùng địch tạm chiếm, đồng thời đã phát hiện và trừng trị một tổ Việt gian chuyên dò xét cơ quan của ta ở Giao Thuỷ, Hải Hậu và Trực Ninh.

    Cùng với sự hoạt động quân sự, phong trào toàn dân ủng hộ các chiến sĩ ngoài mặt trận được dấy lên mạnh mẽ. Mỗi gia đình đều có Hũ gạo kháng chiến tiết kiệm một phần lương thực hằng ngày để góp phần nuôi quân. Phong trào Mùa đông binh sĩ thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia với khẩu hiệu Mỗi làng hai áo trấn thủ và hai chăn cho bộ đội. Toàn tỉnh đã thu được 1.000 chăn và quần áo, gần 3000 đồng ủng hộ quỹ Mùa đông binh sĩ. Thôn Ân Phú và Văn Giáo (Nghĩa Hưng) ủng hộ quỹ được 3.000 đồng, được Bác Hồ gửi thư khen. Những kết quả trên đã góp phần động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận hăng hái giết giặc lập công.

    Sau 75 ngày đêm chiến đấu anh dũng và giành thắng lợi hết sức vẻ vang của quân dân ta ở Việt Bắc, cuộc tiến công đại quy mô của thực dân Pháp đã thất bại thảm hại. Ngày 22-12-1947, chúng phải rút quân khỏi Việt Bắc.

    Chiến thắng Việt Bắc là cái mốc kết thúc một năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ nhưng rất anh dũng của nhân dân ta. Nó đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta tiến sang giai đoạn mới, giai đoạn phát triển chiến tranh du kích, chuẩn bị thế và lực để phản công.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com