Đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng cách mạng (9-1945 - 12-1946) - Kỳ 7

06:01, 15/01/2015

[links()]

    Đối với giai cấp công nhân, Đảng bộ Nam Định cũng chú trọng chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống cho người công nhân. Ở các nhà máy, xí nghiệp, chính quyền cách mạng thực hiện luật ngày làm 8 giờ; quy định chế độ lao động đảm bảo cho công nhân được quyền làm việc, học tập, nghỉ ngơi, tự do hoạt động, hội họp trong các đoàn thể quần chúng và các tổ chức của Nhà nước mà không bị chủ cấm đoán, ngăn trở. uỷ ban nhân dân cách mạng còn lập hội đồng giữa chủ và thợ, có đại biểu chính quyền tham gia để quy định mức tiền lương tối thiểu, việc tăng lương cho công nhân, quy định các quyền lợi khác mà công nhân được hưởng. Do đó bọn chủ Nhà máy sợi đã phải tăng lương cho công nhân từ 50-70% (so với trước) và cứ bốn tháng một lần mỗi người thợ được mua một kilôgam vải của nhà máy với giá rẻ. Chính quyền còn cung cấp gạo hằng tháng cho công nhân theo giá quy định và giải quyết việc làm cho công nhân thất nghiệp.

    Chính sách ngu dân của chế độ thực dân, phong kiến đã làm trên 90% dân số Nam Định bị mù chữ. Đây là một trong ba nhiệm vụ mà chính quyền cách mạng có trách nhiệm phải đẩy lùi.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào học chữ quốc ngữ được dấy lên rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Các lớp học được mở ra ngay trong nhà dân, ở đình, chùa, đền. Nhiều cụ già 60-70 tuổi cũng say sưa ngồi học đánh vần, ghép chữ.

Lớp học Bình dân học vụ. Ảnh minh hoạ/Internet.
Lớp học Bình dân học vụ. Ảnh minh hoạ/Internet.

    Cuối năm 1945, các huyện đã mở lớp đào tạo giáo viên bình dân học vụ, đáp ứng phong trào học tập của các xã. Không khí học tập thật sôi nổi, đông vui suốt cả sáng, chiều, tối. Để cổ động cho việc xoá nạn mù chữ, phong trào sáng tác thơ ca, vẽ tranh áp phích để ca ngợi kịp thời gương sáng về dạy và học, phê phán những ai lười biếng, không chịu học chữ quốc ngữ đã diễn ra ở nhiều nơi. Các sáng kiến đố chữ, hỏi chữ ở ngang đường, trước cổng chợ cũng góp phần tạo ra không khí học tập sôi nổi.

    Với sự nỗ lực thi đua Người người đi học, nhà nhà đi học, chỉ trong thời gian ngắn toàn tỉnh đã thanh toán mù chữ cho hàng chục vạn người. Riêng huyện Vụ Bản có trên 2,5 vạn người biết đọc biết viết. Hơn 80% dân số trong huyện thoát mù chữ.

    Sự nghiệp giáo dục phổ thông cũng được Đảng bộ hết sức quan tâm chỉ đạo xây dựng hệ thống giáo dục từ tỉnh đến xã. Mỗi xã hoặc liên xã đều lập trường cấp I và huyện nào cũng có từ 1 đến 2 trường cấp II. Phong trào toàn dân đi học là một trong những nét tiêu biểu của một dân tộc đang vươn lên làm chủ cuộc đòi mình.

    Phong trào đời sống mới cũng được phát động rầm rộ, sôi nổi. Khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra được tất cả mọi người hưởng ứng nhiệt liệt. Tình trạng lãng phí, xa hoa đã được hạn chế một phần. Những tệ nạn do xã hội cũ để lại (lưu manh, nhà thổ, cô đầu, nghiện hút, cờ bạc) đã được triệt để ngăn cấm và xử lý thích đáng. Ở nông thôn, tình trạng chè chén, xôi thịt trong ma chay, cưới xin linh đình gần như chấm dứt. Các hoạt động văn hoá từng bước được phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ. Phong trào giữ vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân được mọi người, mọi nhà tích cực thực hiện.

    Trong lúc đời sống của nhân dân đang gặp khó khăn, đói kém, Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chính sách kinh tế, xã hội để đảm bảo quyền lợi vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Song nguồn ngân sách của Nhà nước cũng kiệt quệ trong khi nhu cầu chi tiêu lại rất lớn nên Chính phủ đã ban hành sắc lệnh về Quỹ độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng, động viên sức hy sinh phấn đấu của đồng bào hăng hái ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. Từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945, Đảng bộ Nam Định đã tập trung tuyên truyền vận động và được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng. Nhân dân thành phố Nam Định đã ủng hộ 307 lạng vàng, 165 lạng bạc, 107 vạn đồng. Huyện Vụ Bản đã quyên góp được 14 lạng vàng, 43 lạng bạc, 4.536 đồng. Huyện Ý Yên cũng thu được 1 kg vàng. Huyện Trực Ninh được 2 lạng vàng, 2 chiếc nhẫn, 1 đôi khuyên vàng, 5.500 kg thóc và 314.921 đồng. Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (Toà Giám mục Bùi Chu) đã góp 1 dây đeo tượng thánh bằng vàng (nặng 1 lạng 4 đồng cân). Trong cuộc vận động Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng, Nam Định được xếp thứ ba so với các tỉnh trong toàn quốc.

    Khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Định luôn luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Các cuộc mít tinh, biểu tình phản đổi thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra khắp nơi, biểu thị quyết tâm ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến. Hàng trăm thanh niên xung phong ghi tên gia nhập đoàn quân Nam tiến. Tháng 10-1945, một chi đội Nam tiến của Nam Định lên đường vào Nam chiến đấu, được bổ sung vào Mặt trận Tây Nguyên. Phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến đã thu được gần 5 vạn đồng; 250 kg gạo, thuốc men, vũ khí.

    Nhân kỷ niệm một năm cuộc kháng chiến Nam Bộ, ngày 23-9-1946, nhân dân thành phố Nam Định nhịn ăn một bữa cơm trưa, góp được 24.000 đồng. Thiếu nhi làng Dịch Diệp (Trực Ninh) cũng đóng góp được số tiền 500 đồng.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com