Khôi phục và phát triển phong trào cách mạng (1932-1939) - Kỳ 7

06:10, 23/10/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngày 31-10-1936, tên đốc công Gioócgiơman đánh truỵ thai một nữ công nhân ở xưởng dệt. Nhân sự việc này, các đảng viên trong nhà máy đã lãnh đạo công nhân đấu tranh với chủ, tổ chức cho gia đình chị làm đơn kiện lên Công sứ Nam Định. Cuộc đấu tranh đã được dư luận quần chúng trong thành phố biểu lộ sự đồng tình cao, buộc bọn thống trị phải xử phạt tên Gioócgiơman 8 tháng tù. Sự kiện chưa từng có này đã đánh một đòn nặng vào uy thế của chủ nhà máy và khơi dậy tinh thần đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.

    Chỉ tính từ ngày 31-10-1936 đến ngày 6 -10-1937, ngày nổ ra cuộc đấu tranh đòi bỏ thuế ngụ cư của thợ mộc, thợ chạm, tại thành phố Nam Định đã có 33 cuộc đấu tranh lớn, nhỏ của thợ thuyền. Đây là một kỷ lục về tổng số các cuộc đấu tranh nổ ra trong một năm từ trước tới bây giờ.

    Nổi bật là cuộc đấu tranh có quy mô lớn chưa từng thấy của 8.000 công nhân Nhà máy sợi kéo dài hơn một tháng, từ ngày 2-2-1937 đến ngày 3-3-1937. Ngay từ đầu năm 1937, tổ chức Đảng của nhà máy quyết định sẽ tổ chức một cuộc đấu tranh lớn đòi bọn chủ phải thi hành Luật lao động 1884, tăng lương, bớt giờ làm, không được đánh đập công nhân; bảo đảm quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập nghiệp đoàn của công nhân. Một Uỷ ban đấu tranh được thành lập với các tiểu ban tuyên truyền vận động, điều tra, bảo vệ và tài chính.

Một phần Nhà máy Dệt Nam Định trước năm 1965.
Một phần Nhà máy Dệt Nam Định trước năm 1965.

    Ngày mở đầu cuộc đấu tranh còn chưa được ấn định thì đêm 2-2-1937 xảy ra việc tên đốc công Phòlôrêvơ đánh ngã một công nhân ở Nhà sợi B. Toàn thể công nhân liền hãm máy phản đối. Nhân sự kiện này, uỷ ban đấu tranh đã kịp thời lãnh đạo công nhân các Nhà sợi A, dệt A, dệt B đình công. Ngày 3-2-1937, toàn thể công nhân Xưởng nhuộm, Xưởng chăn và công nhân Nhà máy tơ đều nghỉ việc hưởng ứng. Cuộc đình công đã lôi cuốn 8.000 người tham gia.

    Uỷ ban đấu tranh gửi yêu sách qua bưu điện đòi chủ nhà máy phải thi hành Luật Lao động, bỏ hẳn đánh đập, mở thêm cửa sổ các buồng máy, cho công nhân uống nước hợp vệ sinh, tăng lương, giảm giờ làm, không được đuổi thợ đình công. Ngày 4-2-1937, uỷ ban đấu tranh tổ chức mít tinh lớn ở Văn Miếu có diễn thuyết, rải truyền đơn, vạch rõ bản chất ngoan cố của bọn chủ, kêu gọi công nhân kiên trì đấu tranh. Sau cuộc mít tinh, công nhân xếp thành năm hàng biểu tình qua cổng nhà máy và những nơi tập trung đông người như chợ Rồng, bến xe. Uỷ ban đấu tranh còn cử đại biểu đi gặp Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc Kỳ, gặp Gôđa - Thanh tra lao động của Chính phủ nhân dân Pháp đòi can thiệp. Báo chí công khai của Đảng đã kịp thời biểu dương ý chí đấu tranh của công nhân Nhà máy sợi, kêu gọi quần chúng khắp nơi ủng hộ.

    Trước sức mạnh đấu tranh hợp pháp của 8.000 công nhân cùng với sức ép của dư luận tiến bộ, bọn chủ nhà máy không thể thúc nhà cầm quyền dùng vũ lực đối phó. Chúng dùng tên chủ bút tờ Ngọ báo ở Hà Nội về xuyên tạc Luật lao động, đưa tin doạ đóng cửa nhà máy sáu tháng, sa thải hết phụ nữ, trẻ em. Thậm chí chúng còn cho tay sai về những làng có đông công nhân để dụ dỗ mua chuộc. Nhưng tất cả những thủ đoạn của chủ nhà máy đều bị vạch trần. Đến hạ tuần tháng 2-1937, chúng phải chấp nhận những yêu sách chủ yếu về giảm giờ làm từ 12 tiếng xuống 8 tiếng mỗi ngày, làm việc ba ca; tăng lương cho công nhân 25%.

    Khi công nhân vừa trở lại làm việc thì bọn chủ tìm cách trả thù; kiếm cớ đuổi một số người mà chúng cho là cầm đầu cuộc bãi công, đồng thời âm mưu tuyển thợ mới, sa thải thợ đã tích cực tham gia bãi công. Những tên cai ký gian ác lại tiếp tục đánh đập thợ. Nhân việc tên cai Nghé hành hung dã man một thợ nhỏ trong đêm 2-3-1937, toàn thể công nhân xưỏng dệt lại đóng máy đấu tranh. Đồng thời hơn 1.000 công nhân xưỏng dệt phần đông là phụ nữ và trẻ em đã nghỉ việc để phản đối sự lật lọng của chủ và vạch tội ác của cai Nghé. Trước khí thế phẫn nộ của công nhân và sự báo hiệu cuộc đấu tranh tới sẽ mạnh mẽ và quyết liệt hơn trước, chủ nhà máy phải vội vàng nhượng bộ.

    Cuộc bãi công đã kết thúc, đạt được thắng lợi to lớn. Đây là cuộc đấu tranh kéo dài nhất, thu hút đông đảo công nhân tham gia và cũng thể hiện sự vận dụng linh hoạt có hiệu quả chủ trương của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Cuộc đấu tranh đã chĩa thẳng mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa đang tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân với hình thức đấu tranh công khai, nêu ra những khẩu hiệu đấu tranh trên cơ sở pháp lý, buộc kẻ địch phải thực hiện những yêu sách chính đáng của công nhân, chặn đứng sự tàn ác, dã man của chủ nhà máy và bọn tay sai.

    Từ đây, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống phí thu lạm bổ và phong trào hưởng ứng Đông Dương Đại hội được Đảng bộ lãnh đạo diễn ra sôi nổi từ khắp thành thị tới nông thôn với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân (công nhân, nông dân, người làm nghề thủ công, tiểu tư sản, trí thức). Những cuộc đấu tranh liên tục của nhân dân Nam Định đã giành được một số quyền lợi thiết yếu. Công sứ Nam Định phải họp hội đồng hoá giá quy định giá gạo. Các chủ nhà máy, chủ xưởng phải giải quyết một phần tình trạng sinh hoạt đắt đỏ cho công nhân từ tháng 10-1937.

    Thanh niên học sinh cũng tổ chức đấu tranh đòi dạy tiếng Việt ở các trường, đòi giải quyết nạn thất nghiệp cho lao động trí óc.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com