Tình hình Nam Định những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX

06:07, 29/07/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Người nông dân vô cùng cực khổ không chỉ vì phương pháp canh tác lạc hậu mà còn do chế độ nhân công hà khắc. Cố nông thì hoàn toàn bán sức lao động. Bần nông và một số ít trung nông lớp dưới không đủ ruộng cày cấy cũng phải làm thuê, làm mướn. Những người có chút công cụ sản xuất thì phải mướn ruộng của địa chủ để cày cấy, Nam Định là nơi có nhiều làng toàn thể dân đinh đều là tá điền của dăm ba tên địa chủ ở làng khác đến xâm canh. Dân các làng Hà Cát, Bạch Long, Thanh Hương đều là tá điền vì ruộng ở đó đều là của địa chủ Hành Thiện. Chúng đã coi người dân ở đây như đày tớ, làng xóm là ấp riêng. Các tá điền phải nộp địa tô lao động, địa tô hoa lợi và địa tô tiền. Chính vì vậy, sau khi trả xong các khoản địa tô, người nông dân không thể nuôi sống bản thân và vợ con của họ. Ngay cả khi bão lụt lớn xảy ra, mùa màng thất bát, người nông dân cùng khổ cũng không được miễn giảm. Theo tài liệu Bắc Kỳ nhân dân đại biểu Viện tổng thuật xuất bản năm 1929 thì ngày 30-7-1929, một trận bão dữ dội đã tràn vào Nam Định. Cây cối, nhà cửa, thuyền bè bị trôi đắm; đê điều và ruộng vườn bị chìm ngập. Toàn tỉnh bị đổ tới 78.640 nóc nhà, 10 vạn mẫu ruộng không cấy lại được. Sau trận bão lụt, nhân dân có đơn xin giảm thuế nhưng không được giải quyết.

    Cùng hàng loạt chính sách bóc lột hà khắc trên, thâm độc hơn, thực dân Pháp còn thu vét mọi nguồn lợi về thuế quan, nắm đặc quyền thu bán muối và thuốc phiện. Chỉ riêng Nam Định đã có tới 63 đồn đoan và 769 đại lý bán rượu và thuốc phiện.

    Vũ Quốc Thúc trong tác phẩm Kinh tế thôn xã Việt Nam đã dẫn ra một số liệu do Lốtdơ, cựu Công sứ Nam Định đã cho biết: 900.000 dân Nam Định đều là những người thiếu ăn, sống bằng thu nhập hằng năm của không đầy một mẫu ruộng và của sản phẩm lao động thủ công hoặc của tiền công đi làm thuê rất rẻ mạt. Mức sống của mỗi gia đình có năm người trong một tháng không quá 5đ (60 phơrăng). Trong nhiều trường hợp còn thấp hơn số tiền ấy nữa. Sau mùa gặt hai tháng, một bộ phận dân cư không thể đủ ăn mỗi ngày một bữa.

    Từ thực trạng trên, số nông dân mất hết tư liệu sản xuất, chủ yếu là ruộng đất, ngày càng đông và chiếm một tỷ lệ lớn trong dân cư. Họ càng ngày càng lún sâu vào con đường phá sản, bần cùng. Ngay từ đầu thế kỷ XX, mỗi năm có hàng ngàn người phải rời bỏ quê hương đi vào hầm mỏ, công trường, đồn điền cao su hoặc chuyển cư lên các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Ngoài việc bán sức lao động, nhiều người phải tha phương cầu thực. Tính từ năm 1926 đến năm 1934, có 89.800 người của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đi tha phương cầu thực thì Nam Định chiếm 29,5%, bằng tỉnh Thái Bình, gấp bốn lần tỉnh Ninh Bình, hai lần tỉnh Hải Dương, sáu lần của ba tỉnh (Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nam) và hơn bảy lần hai tỉnh (Hưng Yên, Kiến An).

    Để hỗ trợ cho sự bóc lột và củng cố nền thống trị của mình, thực dân Pháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đạo Thiên Chúa phát triển. Chúng đã dùng thần quyền, giáo lý để mê hoặc khống chế con chiên từng bước một. Đến đầu thế kỷ XX, toàn tỉnh có tới 700 nhà thờ xứ và họ lẻ, trong đó có Toà Giám mục Bùi Chu - trung tâm công giáo lớn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Toà Giám mục này điều hành giáo hội sáu huyện miền nam của tỉnh. Ngoài ra còn có một Chủng viện thường xuyên đào tạo 500 chủng sinh nhà thờ, đền thánh. Phú Nhai được xây dựng với quy mô lớn nhất Đông Dương.

    Cùng với rượu cồn và thuốc phiện, thực dân Pháp còn tạo điều kiện để thanh niên đi vào con đường ăn chơi sa đọa, cho phép nhà thổ và cô đầu công khai hoạt động ở thành phố thị trấn, huyện lỵ. Chỉ tính riêng ở thành phố Nam Định đã có 70 điểm nhà thổ và cô đầu.

    Trong khi cố duy trì những hủ tục phong kiến, truyền bá nọc độc của chủ nghĩa tư bản, thực dân Pháp lại thực hiện chính sách "ngu dân" để dễ bề cai trị, kìm hãm sự phát triển dân trí, xã hội của ta. Mãi tới năm 1920, cả một vùng phía nam đồng bằng Bắc Bộ, chúng mới mở trường Pháp - Việt đầu tiên là trường Thành Chung tại thành phố Nam Định với mục đích là đào tạo một số ít công chức phục vụ cho bộ máy thống trị. Cho tới năm 1933, ở Nam Định cứ 100 người dân mới có một người được đi học, hơn 90% dân số bị mù chữ. Đúng như đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: "Lúc đó có một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cho bấy nhiêu làng".

    Sự thống trị của thực dân Pháp, đặc biệt là từ sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã làm cho xã hội Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng nhanh chóng chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến với những biến động lớn cả về kinh tế, chính trị.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com