Gương sáng những người mẹ, người vợ liệt sĩ tiêu biểu

06:07, 25/07/2014

Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ song những nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn hiển hiện trong mỗi gia đình, nơi những người vợ, người mẹ liệt sĩ ngày đêm sống trong nhớ thương, mòn mỏi. Vượt lên mọi hy sinh, mất mát, họ đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội, sống xứng đáng với những người đã khuất.

Tới thăm gia đình cụ Hoàng Thị Hới, mẹ của liệt sĩ Hoàng Công Tuấn ở xóm Bến, xã Mỹ Xá (TP Nam Định), chúng tôi rất cảm động khi được cụ kể cho nghe những kỷ niệm của thời chiến tranh nhiều vất vả, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào. Năm nay cụ Hới đã 83 tuổi nhưng còn khá nhanh nhẹn, minh mẫn. Chồng cụ là thương binh, trong kháng chiến chống Pháp, cụ một mình vừa chăm chồng, vừa nuôi con và tham gia hoạt động cách mạng. Hằng ngày trong vai là người gánh cua, ốc đi bán ở các chợ, cụ còn ngầm nghe ngóng tình hình, thăm dò quân số địch và thông báo cho các đơn vị của ta. Cụ còn tích cực tham gia vận động phá cầu, cống, phá đường, ngăn cản bước tiến của địch. Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, cụ tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn quyết liệt, cụ động viên người con trai duy nhất của mình lên đường vào Nam chiến đấu. Từ ngày con ra trận, cụ chỉ nhận được thư con một lần duy nhất. Năm 1969, nhận được tin con hi sinh, cụ như đứt từng khúc ruột. Nỗi đau quá lớn nhưng với ý chí, nghị lực của một người vợ thương binh, cụ nén nỗi đau, tiếp tục tham gia công tác xã hội. Năm 1970, từ bí thư chi bộ thôn cụ chuyển sang làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Năm 1988, cụ là tổ trưởng tổ phụ nữ thôn Mai Xá, phụ trách hội mẹ chiến sĩ, Hội Người cao tuổi... Năm 2013, do tuổi cao sức yếu, cụ xin nghỉ công tác tại địa phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm của hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, cụ vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt, cùng cán bộ Hội đến từng nhà vận động hội viên tham gia các phong trào của địa phương. Với những đóng góp cho xã hội, cụ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2013, gia đình cụ được tặng Bằng khen “Ông bà, cha mẹ gương mẫu, cháu con thảo hiền”.

Vợ liệt sĩ Vũ Thị Khuê, xã Yên Tân, huyện Ý Yên (bên phải) tự hào chia sẻ về người chồng thân yêu.
Vợ liệt sĩ Vũ Thị Khuê, xã Yên Tân, huyện Ý Yên (bên phải) tự hào chia sẻ về người chồng thân yêu.

Bà Nguyễn Thị Hợi, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) là vợ của liệt sĩ Thiều Quang Nghiên. Tham gia cách mạng từ những ngày còn trẻ, bà đã từng được tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, hai năm liền được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua... Trong những ngày đi dân công hỏa tuyến, bà đem lòng cảm mến anh công binh quê miền Trung tên Thiều Quang Nghiên. Năm 1970, họ chính thức trở thành vợ chồng. Bên nhau chưa được bao lâu, chồng bà theo đơn vị vào Nam làm nhiệm vụ mà không biết vợ mình đang mang thai đứa con đầu lòng. Bà nén lòng động viên chồng vững bước lên đường. Ở lại hậu phương vừa chăm sóc mẹ già, con nhỏ, bà vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một bí thư đoàn xã. Tháng 1-1973, bà nhận được tin chồng hy sinh tại mặt trận phía Nam khi mà con bà còn chưa biết mặt cha. Nén nỗi đau, bà tập trung vào công việc và dành hết tình yêu thương cho con. Cũng trong năm đó, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã kiêm đội trưởng đội sản xuất. Kinh tế lúc đó rất khó khăn, gia đình bà cũng rơi vào cảnh phải vay từng bơ gạo “chạy bữa”, nhưng bà vẫn luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao ở nhiều vị trí công tác như: Phó bí thư Đảng ủy xã, ủy viên thư ký UBND xã, rồi Trưởng ban Thư ký HĐND xã Liên Bảo. 70 năm tuổi đời, với 47 năm tuổi Đảng, trong cuộc sống cũng như sinh hoạt hằng ngày, bà luôn giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm liền gia đình bà đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Về Yên Tân (Ý Yên), ai cũng biết và cảm phục người phụ nữ hiền hậu Vũ Thị Khuê, vợ liệt sĩ Đỗ Khánh Tơn. Chồng bà hy sinh năm 1969, khi đang làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào. Năm 1972, bà nhận được giấy báo tử của chồng. Khi đó, cậu con trai mới tròn 8 tuổi, đó là mất mát lớn đối với một người vợ trẻ. Cũng năm đó, bà được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với trách nhiệm là con dâu trưởng trong gia đình, chồng hy sinh, bà còn thay chồng gánh vác công việc gia đình, chăm sóc bà nội đau yếu, bố mẹ chồng và lo cho các em chồng. Dù khó khăn vất vả song hình ảnh người chồng đã hy sinh anh dũng vẫn nhắc nhở bà phải cố gắng thay chồng làm tròn trách nhiệm với gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương đúng như lời dặn của chồng trước khi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Năm 1965, bà đảm nhiệm nhiệm vụ bí thư chi bộ thôn kiêm tổ trưởng tổ phụ nữ. Sau đó, bà làm đội trưởng đội sản xuất. Sau khi dồn hợp tác xã, bà trở thành thủ quỹ kiêm kiểm soát viên hợp tác xã, đội trưởng đội sản xuất thôn Mai Độ rồi phó ban thương binh xã hội, hội trưởng Hội Phụ nữ xã... Về hưu năm 1995, bà vẫn tích cực tham gia làm chi hội trưởng người cao tuổi, ban liên lạc hưu xã đến nay.

Những người vợ, người mẹ liệt sĩ đã đi qua chiến tranh với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vượt lên mọi gian khổ, họ vẫn mãi là những tấm gương sáng về tinh thần “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com