Cột cờ Nam Định

06:09, 26/09/2013

Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu thuộc phường Ngô Quyền – TP Nam Định.

Cột cờ Nam Định xây dựng vào thế kỷ XIX, cùng với cột cờ ở Kinh thành Huế năm 1807, cột cờ Hà Nội năm 1812, cột cờ ở thành Bắc Ninh năm 1838. Căn cứ theo một số tư liệu như Đại dư thuế lệ thì cột cờ Nam Định xây cùng thời với cột cờ Hà Nội. Công trình này đã được bổ sung thêm nhiều như phía trên đỉnh, nên mãi đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.

Cột cờ Nam Định đã từng là nơi diễn ra những trận chiến đấu của quân và dân Thành Nam chống thực dân Pháp xâm lược trong các năm 1873, 1883. Đây cũng là nơi cắm lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định thắng lợi của cách mạng Tháng Tám trên quê hương Nam Định. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cột cờ Nam Định là trạm quan sát và trực chiến của tự vệ nhà máy Dệt Nam Định. Ngày 11-6-1972, khu vực cột cờ bị sập toàn bộ do máy bay Mỹ ném bom. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định (1954-1997), cột cờ Nam Định đã được phục dựng lại theo đúng nguyên gốc.

Cột cờ Nam Định ngày nay gồm ba phần chính là chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Cột cờ Nam Định cao 23,84m; nằm ở phía nam Thành cổ, cách đình Vọng Cung (nay là chùa Vọng Cung) khoảng 100m. Sân Cột cờ xưa được xây thành sân hành lễ, hình vuông, có hàng lan can ở bốn cạnh. Phía nam đặt hai khẩu súng thần công. Phía đông có lư hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ Cột cờ - Thành cổ vào các năm 1873 và 1883.

Chân đế Cột cờ gồm hai bệ hình vuông. Bệ trên thu nhỏ lại so với bệ dưới. Xung quanh phía ngoài của hai mặt bệ đều xây lan can. Bệ dưới mỗi cạnh dài 16,33m; cao 2,40m. Từ bệ dưới lên bệ trên đều có bậc lên xuống. Bệ trên mỗi cạnh dài 11,42m; cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can và trổ bốn cửa. Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân Cột cờ (thân đài). Trên cửa phía đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai); cửa phía nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Dưới bệ có đền thờ Bà chúa Cột cờ - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873 (phát hiện khảo cổ học năm 2002 – Viện khảo cổ học Việt Nam – Lê Bá Ngọc).

Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ. Trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy những vùng núi, sông, cánh đồng của tỉnh Nam Định và ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.

Cột cờ xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước 0,30m x 0,14m x 0,07m. Các góc vuông của hai tầng bệ xây bằng một loại gạch chuyên một đầu vát 450, còn các góc 1200 của thân cột trụ bát giác là một loại gạch riêng. Gạch lát nền kích thước 0,28m x 0,28m x 0,07m, màu nâu đen.

Cột cờ Thành Nam với gần hai thế kỷ tồn tại đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của đất nước và quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và trên hết nó là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Nam Định. Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và thắp hương tưởng nhớ Bà chúa Cột cờ. Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Theo: Di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com