Báo Nam Định

05:09, 17/09/2013

Báo Nam Định cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam - tỉnh Nam Định. Trải qua từng thời kỳ, tên báo có thay đổi những mục đích và nhiệm vụ vẫn chỉ là một.

1. Báo Dân cày

Năm 1928, đồng chí Trường Chinh về quê làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường cùng hai người em họ là Đặng Xuân Thiều và Đặng Xuân Quyền lập ra ban biên tập tờ báo Dân cày. Đồng chí Trường Chinh là chủ bút, Đặng Xuân Thiều chữ đẹp được phân công viết, và Đặng Xuân Quyền phụ trách in thạch bản và phát hành.

Tờ Dân cày ra được khoảng 4 năm thì đồng chí Trường Chinh phải đi Hà Nội, ông Đặng Xuân Thiều ra Hải Phòng tiếp tục hoạt động cách mạng. Đặng Xuân Quyền ở lại tiếp tục với tờ Dân cày và còn vận động thêm một số đồng chí tham gia như Nguyễn Văn Kiêm, Nguyễn Ngọc Thuế, Nguyễn Mai Nhiếp, Đặng Xuân Bàng, Đặng Vũ Rinh...

Mục đích của tờ Dân cày là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin, đưa tin về Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội, phân tích những khủng hoảng suy yếu của đế quốc thực dân, vạch mặt bọn quan lại, địa chủ, cường hào ức hiếp dân nghèo.

Dân cày ra số báo cuối cùng kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1931 rồi đình bản.

 2. Báo Tiền phong

Trong những năm 1930 - 1931, tỉnh uỷ Nam Định đã xuất bản tờ báo bí mật lấy tên là Tiền Phong.

Cơ sở Báo Tiền Phong được đặt tại phố Hải Phòng, đường 110 (nay là đường Nguyễn Du).

Đầu năm 1931, sau khi chắp nối và thống nhất chỉ đạo các cơ sở cách mạng vùng nông thôn Nam Định - Ninh Bình, tỉnh uỷ Nam Định - Ninh Bình ra tờ Hưởng ứng (hưởng ứng phong trào đấu tranh của đồng bào Xô Viết - Nghệ Tĩnh), đặt cơ sở in ở làng An Cự (Ý Yên).

3. Báo Nam Định kháng chiến

Số báo đầu tiên ra đời vào ngày 21/12/1946. Toà soạn có 2 người: ông Lã Xuân Choát tức Chu Hà làm chủ bút, biên tập viên là Tân Khải Minh (tức Sao Mai). Sau thêm được ông Toại - họa sĩ nghiệp dư và một thợ khắc. Nguyễn Thi Oanh, Nguyễn Ngọc Bích (nữ sinh tiểu học), Phùng Thị Nhân học sinh trường dòng giúp việc và làm công việc phát hành báo.

Thời kỳ đầu báo ra 1 tuần 2 kỳ, sau tăng lên 3 kỳ. Báo còn được sự cộng tác tích cực của linh mục Vũ Xuân Kỷ.

Giữa năm 1947, giám mục Lê Hữu Từ trở mặt, từ bỏ danh vị và chức trách cố vấn tối cao của chính phủ, cho tay chân giết hại nhiều cán bộ kháng chiến ở địa phương. Lê Hữu Từ cấm Báo Cứu quốc khu III phát hành trong địa phận toà giám mục Phát Diệm, cấm giáo dân đọc lén báo Cứu quốc.

Để đối phó với tình thế trên, Liên khu uỷ III đề nghị Tỉnh uỷ Nam Định đình bản báo Nam Định kháng chiến và tổ chức ngay một tờ báo trung lập, do một người không phải là cán bộ Việt Minh, cộng sản làm chủ bút công khai để phát hành được trong đất lửa nóng bỏng Phát Diệm. Thế là tờ Báo Công dân ra đời.

4. Báo Công dân

Chủ bút báo công khai là ông Trúc Đường (tên thật là Nguyễn Mạnh Phác anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính). Ông Nguyễn Phong (tên thật là Bùi Phúc) thường vụ tỉnh uỷ, trưởng ban tuyên giáo với bút danh là Hoàng Quyết chủ nhiệm báo, ông Chu Hà làm thư ký toà soạn, các cộng tác viên: Sao Mai, Trần Lê Văn, Lộng Chương, Phạm Hiển, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương...

Báo Công dân đã phát hành được rộng rãi trong toàn tỉnh và ngay trong lòng Phát Diệm, mỗi kỳ được 300 số. Báo Công dân đã được Hồ Chủ tịch gửi thư khen. Báo Công dân ra số cuối cùng vào đầu năm 1949.

5. Tiếp tục truyền thống báo chí, dưới sự lãnh đạo của ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, qua từng thời điểm lịch sử, báo Nam Định lại có những tên báo khác nhau:

- Từ 1949 - 1954: báo Nam Định lại lấy tên là Nam Định kháng chiến

- Từ 1954 - 1960: tên là Báo Nam Định

- Từ 1960 - 1965: tên là Báo Sông Đào

- Năm 1965, hợp nhất 2 tỉnh Nam Định, Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, báo mang tên Báo Nam Hà.

- Năm 1977, hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh mang tên Báo Hà Nam Ninh.

- Năm 1991, tỉnh Nam Hà được tái lập, Báo mang tên Nam Hà.

- Năm 1996, tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam, báo trở lại tên  Nam Định.

Báo Nam Định với đội ngũ biên tập viên, phóng viên tâm huyết, luôn tìm tòi nâng cao chất lượng nội dung, hình thức và tăng số lượng phát hành của tờ báo. Báo Nam Định phát hành xuống các chi bộ đảm bảo thông tin kịp thời các vấn đề thời sự, cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát hiện biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt và những vấn đề xã hội tới đông đảo bạn đọc.

Theo: Địa chí Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com