Hai anh em đều được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng

08:09, 05/09/2013

Trong không khí náo nức của toàn Đảng, toàn dân mừng kỷ niệm 68 năm Quốc khánh 2-9, chúng tôi về xã Nam Hồng, vùng quê giàu truyền thống cách mạng và là địa phương có tỷ lệ đảng viên cao tuổi, đảng viên lão thành lớn của huyện Nam Trực. Riêng chi bộ thôn Đoài Bàng đã có hàng chục đảng viên cao tuổi, trong đó hai đảng viên “gạo cội” là anh em ruột Ngô Văn Nghi, Ngô Văn Nga đều đã ở tuổi trên 90 và đã có trên 60 năm tuổi Đảng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, gia đình hai cụ là cơ sở cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ; giai đoạn 1950-1954 là cơ sở của Văn phòng Huyện uỷ Nam Trực. Gia đình hai cụ có bốn anh em thì một người đã mất trước năm 1945. Cụ Ngô Văn Nghi là anh năm nay đã bước sang tuổi 97 song vẫn còn khá minh mẫn. Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ vẫn nhớ như in những ngày mùa thu cách mạng cách đây 68 năm. Sáng 18-8-1945, cụ hoà cùng dòng người rầm rập kéo về trung tâm huyện tham gia cướp chính quyền về tay nhân dân chỉ với vũ khí thô sơ, dẫn đầu là “Đội thanh niên cứu quốc”. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo xâm lăng”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”… Cuộc chiến đấu diễn ra nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn, tên Trần Văn Cận, tri huyện Nam Trực cùng toàn bộ bộ máy phong kiến đã hạ vũ khí đầu hàng. Nhân dân đổ ra đường hò reo, ăn mừng chiến thắng. Ở các thôn, xã, lý trưởng, phó lý khiếp sợ, tự giác mang nộp con dấu, sổ sách và đầu hàng cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Nghi tiếp tục tham gia dân quân tự vệ xã, sau đó tham gia Ban chấp hành Hội Nông dân xã, làm tổ trưởng nông dân thôn Bách Tính. Những năm 1947-1948, khi thực dân Pháp mở rộng vòng vây xuống phía nam Thành phố Nam Định, xã Nam Hồng lọt vào vùng tạm chiếm, các đoàn thể phải lui vào hoạt động bí mật. Toàn bộ thanh niên trong xã đều tham gia huấn luyện dân quân, khi có giặc đến thì chiến đấu, không có giặc thì tham gia sản xuất, luyện tập, chuẩn bị vũ khí, giáo mác… Ngày 15-3-1949, cụ Nghi được kết nạp Đảng, đến tháng 2-1951 được bầu là chi uỷ viên phụ trách công tác Đảng Đoàn, dân vận của xã, trực tiếp làm Bí thư Nông hội, Hội trưởng Hội Nông dân cứu quốc xã.

Vợ chồng cụ Ngô Văn Nghi.
Vợ chồng cụ Ngô Văn Nghi.

Năm 1952, cụ được tỉnh điều động làm Chi sở Kho thóc huyện Xuân Trường, năm 1954 chuyển về Ty Công thương mậu dịch, làm Quản lý trưởng Tổng Kho huyện Hải Hậu, sau đó 1 năm chuyển về Ty Lương thực Nam Định và công tác tại đó cho đến khi nghỉ hưu năm 1970. Về địa phương, cụ lại tiếp tục tham gia công tác, là Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã đến khi tuổi ngoài 70. Đến nay đã ở tuổi 97 với 64 năm tuổi Đảng, cụ vẫn là một đảng viên gương mẫu của chi bộ thôn Đoài Bàng. Dù ở trong diện được miễn sinh hoạt Đảng song cụ vẫn tích cực tham gia các buổi học nghị quyết hay các kỳ đại hội của chi bộ, đảng bộ, là tấm gương mẫu mực cho lớp đảng viên đi sau và con, cháu noi theo. Cả 4 người con của cụ đều là đảng viên, 4 người con và 9 cháu nội, ngoại đều đã tốt nghiệp đại học; đều trưởng thành ra công tác ở các lĩnh vực, trong đó người con cả là Đại tá quân đội nghỉ hưu, con út hiện là Chủ tịch UBND xã Nam Hồng.

Em trai cụ Nghi, cụ Ngô Văn Nga, năm nay đã bước sang tuổi 92, đang sống cùng người con trai thứ là ông Ngô Xuân Cung, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ Nam Trực, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh. Cũng như gia đình cụ Nghi, con, cháu cụ Nga cũng nối tiếp truyền thống hiếu học, học giỏi của dòng họ. Hai cụ sinh được 7 người con thì có 6 người đi thoát ly, đến nay đã có 35 người cháu, chắt nội, ngoại đều tốt nghiệp đại học. Cũng như người anh trai của mình, cụ Nga sớm giác ngộ cách mạng và tham gia công tác ở xã. Năm 1948, cụ là tổ trưởng Nông hội thôn Bách Tính, năm 1950 được kết nạp Đảng. Đến năm 1952, cụ được bầu là tổ trưởng Đảng, chính trị viên Ban chỉ huy Thôn đội thôn Bách Tính. Ngày đó, gia đình cụ cũng là một cơ sở cách mạng chuyên nuôi giấu cán bộ. Sau cải cách ruộng đất, tháng 8-1956, xã Nam Hồng được chia thành 4 xã, trong đó có xã Nam Hồng và Nam Trung. Tại đại hội chi bộ xã lần thứ V, cụ Ngô Văn Nga được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính xã Nam Trung, đến năm 1959 cụ được bầu làm Huyện uỷ viên, Bí thư chi bộ xã Nam Trung. Năm 1966, cụ được điều lên làm cán bộ Ban Tổ chức Huyện uỷ Nam Trực, năm 1967 được phân công giữ chức Phó Ban Tổ chức Huyện uỷ, rồi điều sang làm phái viên phụ trách cụm cho đến khi nghỉ hưu năm 1982.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hai cụ Ngô Văn Nghi, Ngô Văn Nga đều được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Gia đình các cụ là những minh chứng sống động của truyền thống cách mạng vẻ vang trên quê hương Nam Trực./.

Bài và ảnh: Hoài Phương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com