Bưu điện Nam Định

09:09, 03/09/2013

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, do tính chất quan trọng của công tác thông tin liên lạc nên hoạt động của ngành bưu điện nhanh chóng được tổ chức lại. Hoạt động bưu chính, điện chính được khôi phục nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan và nhân dân.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân Nam Định đã kiên cường chiến đấu trong gần 90 ngày đêm giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Trong những trận chiến đấu quyết tử này, lực lượng giao thông liên lạc (bao gồm điện thoại, vô tuyến điện và giao thông chạy bộ) đã bám sát trận địa, đảm bảo thông tin liên lạc cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban và Ban chỉ huy mặt trận chỉ huy chiến đấu.

Giữa năm 1947, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Quân Pháp từ thành phố Nam Định đã tiến đánh các vùng Mỹ Lộc, Vụ Bản, đóng quân ở một số đồn bốt dọc bờ sông Đào và thường xuyên cho tàu chiến ca nô đi tuần tra trên sông, chia tỉnh Nam Định thành 2 vùng: 6 huyện phía nam và 3 huyện phía bắc. Ngành giao thông bưu điện cũng nhanh chóng tổ chức lại thành 2 bộ phận: 1 bộ phận đóng ở phía bắc, 1 bộ phận đóng ở phía nam cùng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, dân công ...đi công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Trong 9 năm kháng chiến, ngành giao thông bưu điện Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tháng 7/1954, quân Pháp rút khỏi Nam Định. Kháng chiến thắng lợi, nhân dân Nam Định cùng nhân dân cả nước xây dựng CNXH. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngành bưu điện đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng mạng thông tin liên lạc điện thoại. Từ năm 1959, bưu điện Nam Định đã xây dựng xong mạng liên lạc điện thoại, điện báo từ tỉnh xuống các huyện, từ tỉnh đi trung ương và có đường dây liên lạc với Thái Bình, Ninh Bình. Thời kỳ này, thành phố Nam Định đã có tổng đài 200 số, toàn tỉnh có hơn 500 máy thuê bao. Các huyện có mạng nội hạt để phục vụ các cấp, các ngành. Mùa mưa bão có mạng liên lạc bằng vô tuyến điện phục vụ sự chỉ đạo chống bão lụt của tỉnh. Về bưu chính, hầu hết các bưu điện huyện đã xây trụ sở riêng, có phòng giao dịch, phòng làm việc và mở các công vụ: thường xuyên chuyển công văn, giấy tờ từ tỉnh xuống huyện và ngược lại. Ngoài ra còn có đường thư hoả tốc phục vụ yêu cầu đặc biệt của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân đánh phá miền Bắc. Ngày 2 và ngày 4/7/1965, máy bay Mỹ ném bom bắn phá thành phố Nam Định, nhân dân Nam Định bước vào cuộc chiến đấu mới. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, ngành bưu điện vừa phải điều chỉnh lại mạng lưới bưu điện theo tỉnh mới (sát nhập hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà) vừa phải chuyển hướng kịp thời các hoạt động thông tin bưu điện từ thời bình sang thời chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành chỉ đạo sản xuất chiến đấu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Chỉ tính trong 4 năm từ 1965 đến 1968, các điện thoại viên của bưu điện Nam Hà đã chuyển nhanh chóng, chính xác, kịp thời 8.133 cuộc báo động máy bay, trong đó có 193 lần báo động máy bay vào thành phố Nam Định, phục vụ kịp thời cho chiến đấu và sản xuất của quân dân trong tỉnh, góp phần vào thành tích bắn rơi hơn 200 máy bay Mỹ của tỉnh Nam Hà .  

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ngành Bưu điện có điều kiện thuận lợi để củng cố, phát triển mạng lưới bưu điện của mình nhưng cũng bị trói buộc bởi cơ chế bao cấp như các ngành kinh tế khác nên gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm tiến kịp xu hướng hiện đại hoá của thế giới.

Thời kỳ đổi mới cũng là thời kỳ mà trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng về tin học và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Đây là  một trong những nhu cầu thiết yếu để xây dựng và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Đổi mới trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông trở thành nhu cầu bức xúc, không chỉ nhằm xoá bỏ những cản trở, trì trệ của cơ chế quản lý cũ mà phải tìm được hướng phát triển mới để có thể vươn tới hội nhập với quốc tế và khu vực.

Năm 1993, ngành Bưu điện bước vào thực hiện kế hoạch “phát triển tăng tốc mạng bưu chính viễn thông” với 3 mục tiêu: Phát triển máy điện thoại hàng năm tăng từ 1,4 đến 1,6 lần, doanh thu tăng bình quân mỗi năm từ 1,7 đến 1,9 lần và hệ số quĩ thu nhập bình quân hàng năm tăng từ 1,35 đến 1,45 lần.   

Từ mục tiêu đó, ngành bưu điện luôn đổi mới theo hướng tập trung mọi nguồn vốn để  tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống bưu điện trong tỉnh, chú trọng đổi mới các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đồng thời tổ chức lại bộ máy quản lý, nâng cao trình độ tay nghề cho đôi ngũ cán bộ công nhân viên để khai thác có hiệu quả thiết bị mới. Hoạt động dịch vụ bưu điện của Nam Định  có bước phát triển căn bản.

Năm 1991, mạng bưu cục của tỉnh chỉ có 39 bưu cục (trong đó có 1 bưu cục cấp I, 6 bưu cục cấp II và 32 bưu cục cấp III). Bán kính phục vụ của một bưu cục là 3,7 km, với bình quân 44.700 người/1 bưu cục. Đến năm 2000, các chỉ tiêu trên đã được nâng lên đáng kể, với 68 bưu cục, đại lý và kiot (trong đó có 1 bưu cục cấp I, 9 bưu cục cấp II và 58 bưu cục cấp III), bình quân 29.160 người / 1 bưu cục.

Đặc biệt, từ năm 1999, mạng Bưu điện văn hoá xã hình thành, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành. Năm 2001, Nam Định đã có 188 điểm Bưu điện  -  văn hoá xã trong toàn tỉnh, đóng góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các điểm Văn hoá xã được phân bố như sau: thành phố Nam Định: 6, huyện Mỹ Lộc: 9, Vụ Bản:18, Ý Yên: 28, Nam Trực: 16, Trực Ninh: 17, Giao Thuỷ: 17, Xuân Trường: 18, Hải Hậu: 31, Nghĩa Hưng: 25.

Trong quá trình xây dựng và củng cố, mục tiêu của ngành được đặt ra ở mức cao hơn: “Tốc độ, tiêu chuẩn, tin học”.  Thực hiện mục tiêu đó, từ năm 1994 đến năm 1996, ngành bưu điện đã được đầu tư 5 xe ô tô chuyên dùng để thay thế cho việc vận chuyển thư trên 4 tuyến bằng xe khách nội tỉnh. Sau đó, tỉnh mở thêm 2 tuyến nữa, nâng tổng số km đường thư cấp II vào năm 2000 lên 582 km, đảm bảo 100% xã nhận được công văn thư báo trong ngày. Đây là bước tiến mới về xây dựng mạng vận chuyển.

Do các trung tâm của tỉnh, huyện và một số bưu cục cấp III lớn đã được trang bị máy vi tính nối mạng nên ngoài các dịch vụ truyền thông vẫn được duy trì và phát triển, hệ thống bưu điện Nam Định đã đáp ứng yêu cầu mở rộng các loaị hình dịch vụ bưu chính như: EMS, điện hoa, chuyển tiền nhanh, đặc biệt năm 1999 phát triển dịch vụ tiết kiệm bưu điện.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com