Y tế Nam Định trước năm 1975

07:08, 29/08/2013

Năm 1956, hai công ty thuốc Tây và thuốc Nam, thuốc Bắc được thành lập, phân phối thuốc men.

Đến cuối năm 1957, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 bệnh viện, bệnh xá gồm 625 giường bệnh, 33 trạm hộ sinh xã, 5 đội y tế lưu động (2 đội chữa mắt hột và 3 đội phòng dịch), 1568 tủ thuốc ở các thôn xóm. Hầu hết các xã đã thành lập Ban y tế và trạm xá. Trang bị dụng cụ y tế trong các bệnh viện, trạm xá ngày một tăng cường. Đội ngũ cán bộ y tế đã có 3 bác sĩ, 21 y dược sĩ, 75 y tá, 18 nữ hộ sinh (trong đó có 2 trung cấp) và 60 hộ lý.

Tính đến năm 1958, Nam Định còn có 2314 người hành nghề đông – tây y, dược tư. Trong đó có 2 y sĩ, 67 y tá, 22 thợ trồng răng, 4 hộ sinh Đông Dương, 10 hộ sinh sơ cấp, 395 mụ vườn và 1754 đông y dược...

 Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1960, toàn tỉnh đã tổ chức được 1 hợp tác xã đông y gồm 23 hộ, 1 hợp tác xã cao đơn hoàn tán gồm 25 hộ và 1 hợp tác xã trồng răng gồm 16 hộ. Vận động 192 người y dược tư tham gia Ban Y tế xã va 10 người tham gia Ban Bảo trợ y tế, 11 người vào làm việc tại Trạm y tế dân lập khu phố.

Hồ Chủ tịch thăm và căn dặn cán bộ, nhân viên Bệnh viện tỉnh Nam Định (1963).
Hồ Chủ tịch về thăm và căn dặn cán bộ, nhân viên Bệnh viện tỉnh Nam Định (ngày 22/5/1963).

Đến cuối năm 1960, hệ thống y tế được mở rộng: 3 bệnh viện, 4 bệnh xá, 1 viện điều dưỡng với tổng số 942 giường bệnh và 6 phòng hộ sinh gồm 45 giường. Cấp huyện có 10 phòng y tế, 174 trạm y tế xã, phường và 325 ban phòng bệnh. Cán bộ y tế đã có 10 bác sĩ, 75 dược sĩ, 78 y sĩ, bảo đảm mỗi phòng y tế huyện, thành phố có từ 1 đến 3 y sĩ.

Trong 3 năm (1958 - 1960), đã có 9.494 cán bộ  y tế được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho địa bàn xã, xóm, khu phố. Đặc biệt, phong trào xây dựng trạm y tế dân lập phát triển mạnh. Đến tháng 12/1960, tỉnh Nam Định đã thành lập được 159 trạm, trong đó có 33 trạm có quỹ y tế dân lập, đài thọ cho 104 cán bộ y tế trạm. Cùng năm 1960, trường Y sĩ Nam Định được thành lập, cung cấp lực lượng y sĩ cho toàn tỉnh.

Đến năm 1960, trung bình cứ 580 người có 1 giường bệnh, 12.000 người có 1 y bác sĩ, 17.000 người có 1 trạm y tế; mỗi xá, khu phố có gần 3 cán bộ y tế, 2 nữ hộ sinh và 21 vệ sinh viên.

Phong trào vệ sinh phòng bệnh có nhiều tiến bộ, tỉnh xây dựng được 79.546 hố xí hợp vệ sinh, trong đó có 7399 hố kiểu mẫu, làm 3.611 giếng nước ăn, trong đó có 853 giếng xây; thành lập 2.240 túi thuốc ở hầu khắp các xã, xóm và hợp tác với tổng số vốn là 42.868 đồng.

Khu phố 6 thành phố Nam Định trở thành điểm xuất sắc của miền Bắc về phong trào vệ sinh phòng bệnh. Điển hình cho công tác phòng, chống, chữa bệnh là các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), Trực Thuận (Trực Ninh), Xuân Lạc, Hoà Thượng (Xuân Trường), Giao Lâm (Giao Thuỷ); Hải Bắc (Hải Hậu), Yên Tiến, Yên Khang (Ý Yên)... Công tác y tế góp phần tăng tuổi thọ trung bình của nhân dân  trong tỉnh từ 20,4 tuổi  (năm 1957) lên 26,6 tuổi (năm 1959).

Đến hết tháng 6 năm 1964, tỉnh Nam Định đã xây dựng được 5 trạm chuyên khoa: vệ sinh phòng dịch, bảo vệ bà mẹ trẻ em, mắt,  lao và da liễu.

Từ năm 1954 đến 1964, ngoài những tổ chức y tế Nhà nước, 3 đoàn thể quần chúng: Hội hồng thập tự, Hội Đông y và Hội Y học được thành lập, tập hợp lực lượng quần chúng giúp sức cho các cơ quan y tế tỉnh, huyện, xã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Từ tháng 7/1963 đến cuối tháng 7/1964, có 154 y sĩ ra trường về các xã trong tỉnh bổ sung lực lượng cho trạm y tế hộ sinh và đến tháng 7/1966, tất cả các xã trong tỉnh đều có y sĩ phục vụ.

Trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, công tác y tế của Nam Định vẫn được tăng cường.

Năm 1968, công tác y tế kết hợp với thể dục thể thao trong việc bảo vệ và nâng cao  sức khoẻ cho nhân dân. Với phương châm phòng bệnh là chính, phong trào vệ sinh yêu nước, nhất là cuộc vận động xây dựng nhà vệ sinh hai ngăn, đào giếng khơi, làm nhà tắm phát triển. Công tác tiêm chủng cũng được chú trọng. Mạng lưới y tế ngày càng mở rộng. Việc kết hợp giữa đông – tây y, điều trị nội trú và ngoại trú đã có tiến bộ. Các tuyến điều trị, nhất là tuyến huyện được chú trọng. Do có nhiều thành tích trong việc vận động nhân dân thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước và cấp cứu phòng không, tháng 3 năm 1968, ngành y tế Nam Định được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 1969- 1972, thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ hai.  Mạng lưới y tế được củng cố. 128 xã hoàn thành xây dựng ba công trình vệ sinh và tính chung toàn tỉnh cứ 1,2 gia đình có 1 công trình vệ sinh; 4,9 gia đình có một giếng khơi và 6,3 gia đình có 1 nhà tắm. Việc tiêm phòng dịch bệnh được chú trọng, đã có kết quả trong việc dập tắt dịch lỵ ở Nam Ninh và sốt xuất huyết ở thành phố Nam Định. Công tác điều trị ở các bệnh viện cũng có tiến bộ. Nhiều trạm xá đã chữa được các bệnh thông thường; 42 xã chế biến được thuốc Đông y. Tỷ lệ tử vong ở bệnh viện từ 2,3% năm 1968 giảm còn 1,9% năm 1969.

Các bệnh viện, trạm xá được tiếp tục củng cố, tăng thêm giờ khám bệnh, tăng cường tổ chức điều trị.

Năm 1973- 1974, công tác y tế và bảo vệ sức khoẻ có nhiều tiến bộ hơn trước. Đã tổ chức tiêm phòng tả cho 1.353.000 người, tiêm phòng bại liệt cho 340.000 người. Bên cạnh một số bệnh thông thường có thuyên giảm (tả, lỵ, cúm, sưng phổi) nhưng một số loại bệnh khắc lại tăng (viêm não, viêm gan, sởi, ho gà, thuỷ đậu và lao). Số lượt người đến khám bệnh, điều trị và số lần sử dụng giường bệnh, tỷ lệ tử vong đều gia tăng.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com