Phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định

08:10, 16/10/2012

Hoà chung với khí thế đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, công nhân Nam Định ngay từ thời kỳ đầu cũng đã tự tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của bọn thực dân. Nam Định trở thành một điểm sáng trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cả nước, với nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu.

Ngay từ tháng 5 năm 1909 ở Nam Định đã nổ ra cuộc bãi công đầu tiên của nữ công nhân nhà máy chai phản đối việc chủ dùng bọn Tây đen khám xét thân thể chị em khi tan tầm trở về. Từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 7 tháng 3 năm 1924, 100 công nhân ở nhà máy tơ bãi công chống lại việc chủ bắt chụp ảnh, làm thẻ căn cước.

Ngày 11 tháng 9 năm 1924, toàn thể công nhân nhà máy rượu Nam Định tiếp bước cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy rượu Hải Dương, Hà Nội chống lại sự đối xử thô bạo của Rơga, Giám đốc nhà máy. Nét mới của cuộc đấu tranh này là sự phối hợp của công nhân trong một ngành ở những địa phương khác nhau và cùng theo đuổi một mục đích. Ý thức giai cấp của công nhân Bắc Kỳ nói chung và công nhân Nam Định nói riêng bước đầu đã được bộc lộ.

Ngày 24-9-1924, 250 công nhân xưởng dệt đóng máy đồng loạt bãi công. Khởi nguồn của cuộc bãi công này bắt đầu từ việc tên đốc công Măngdôlê (Manzolet) tuyên bố cắt tiêu chuẩn bánh mì ăn đêm và giảm tiền công lao động của công nhân ở xưởng dệt. Phẫn nộ trước việc quyền lợi của mình bị chiếm đoạt, công nhân đã tổ chức bãi công để phản đối. Tuy cuộc đấu tranh này chưa giành được thắng lợi, nhưng nó đã đánh dấu một bước tiến mới của phong trào công nhân nhà máy, khi đã biết đoàn kết nhau lại để cùng tranh đấu.

1.jpg
Một phần nhà máy Dệt Nam Định trước năm 1965.

Nổi bật nhất là cuộc đấu tranh ngày 30 tháng 4 năm 1925 của 2.500 công nhân nhà máy sợi Nam Định. Công nhân đấu tranh đòi chủ phải bỏ đánh đập, phản đối việc sa thải 300 công nhân trước đó, phải tăng lương từ 4 xu lên 5 xu, 6 xu một ngày. Đây là lần đầu tiên một phong trào đấu tranh của công nhân trong phạm vi toàn nhà máy, thu hút được một lực lượng công nhân tham gia đông hơn hẳn so với các cuộc đấu tranh trước đó. Cuộc đấu tranh này đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức và ý thức tập thể của công nhân nhà máy, có tác động tích cực đến phong trào cách mạng của địa phương và toàn quốc. Cuộc bãi công này thực sự gây một tiếng vang lớn. Trong bản tham luận đọc tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VI (tháng 8/1928), đồng chí Nguyễn An (Nguyễn Văn Tạo) đã nhắc tới cuộc đấu tranh như một bằng chứng cho khả năng cách mạng và sự trưởng thành của giai cấp vô sản Đông Dương.

Phẫn nộ trước việc tên đốc công Ét sam (Essam) vô cớ đánh chị Nguyễn Thị Vá bị trọng thương, ngày 30 tháng 8 năm 1926, toàn thể công nhân xưởng sợi đã bãi công để biểu thị sự phản đối hành động bạo ngược trên, phản đối các hành động đánh đập và yêu cầu bọn chủ phải bồi thường cho chị Nguyễn Thị Vá. Trước sự đấu tranh kiên quyết của công nhân xưởng sợi, chủ nhà máy đã phải nhượng bộ, nhận  bồi thường cho nạn nhân và hứa sẽ hạn chế việc đánh đập công nhân.

Trong phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định từ đầu thế kỷ XX đến giữa những năm 1920, công nhân Nam Định đã biết sử dụng hình thức đấu tranh phổ biến nhất của giai cấp công nhân là bãi công để chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn tư bản Pháp ở Nam Định. Phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định thời kỳ này còn mang nặng tính tự phát, mục tiêu đấu tranh chính vẫn hướng vào việc đòi các quyền lợi về kinh tế, cải thiện đời sống sinh hoạt. Tuy nhiên, phong trào cũng đã thể hiện được ý thức giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, cung cấp những bài học kinh nghiệm hữu ích cho công nhân Nam Định bước tiếp trên những chặng đường tranh đấu sau đó.

Năm 1927, các chi hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập ở Nam Định. Đến năm 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lâm thời thành lập. Các hội viên của Hội đã nhanh chóng tham gia các hoạt động đấu tranh của công nhân Nam Định.

Mở đầu cho thời kỳ đấu tranh của công nhân Nam Định có sự hỗ trợ, chỉ đạo và tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là cuộc đấu tranh của 24 nữ công nhân thuộc xưởng dệt Nhà máy sợi. Đã từ lâu, cũng như các xưởng khác, các nữ công nhân ở đây thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt, nhiều người bị trừ phạt tới 0,05đ trong khi thu nhập mỗi ngày của họ chỉ có 0,18đ. Do đó, từ lâu họ đã mang sẵn lòng công phẫn, uất ức, chỉ chờ có dịp bùng phát. Hơn nữa, họ lại được giác ngộ tinh thần đấu tranh của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nên nhân việc tên Ét sam đánh chị Đán, các nữ công nhân lập tức bãi công. Họ gửi đơn đòi chủ nhà máy phải tăng lương, giảm giờ làm, bãi bỏ việc đánh đập. Cuộc bãi công kéo dài hơn một tuần. Trước thái độ đấu tranh kiên quyết của các nữ công nhân, bọn chủ đã phải nhượng bộ. Chúng chấp nhận tăng lương từ 18 xu lên 20 xu mỗi ngày, hứa sẽ không đánh đập, mức cúp phạt giảm xuống còn 2 xu, nhưng tìm mọi cách thoái thác về yêu cầu cắt giảm giờ làm. Mặc dù không được thoả mãn tất cả các yêu cầu, nhưng đây là một thắng lợi quan trọng, kích thích phong trào đấu tranh của công nhân Nam Định.

Tiêu biểu nhất phải kể đến cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi Nam Định vào tháng 3 năm 1929. Nguyên nhân dẫn đến cuộc bãi công này bắt đầu từ việc chủ nhà máy tăng thêm số máy, sa thải 1/3 số công nhân nhưng không giảm việc, toàn bộ lượng công việc đó trút lên đầu số công nhân còn lại. Vừa phải làm việc cật lực mà không được tăng thêm đồng lương nào, làn sóng bất bình đã bùng lên trong công nhân. Do đó, sáng ngày 20 tháng 3 năm 1929, toàn bộ công nhân xưởng A bãi công. Tiếp đó, công nhân xưởng B bãi công để hưởng ứng. Công nhân đã làm đơn gửi lên phòng giấy để đề đạt các yêu sách của mình như tăng lương, không được đánh đập công nhân, gọi thợ đã bị giãn trở lại làm việc.

Lúc đầu, bọn chủ nhà máy không những đã không chấp thuận các yêu sách đó, tên đốc công người Pháp còn thẳng tay đánh đập các đại diện của công nhân, thậm chí chúng còn dán yết thị đe doạ đuổi các công nhân tham gia bãi công. Phẫn nộ trước các hành động ngang ngược đó, công nhân nhà máy sợi quyết không lùi bước. Họ còn bầu ra một ban lãnh đạo viết các thông báo, khẩu hiệu kêu gọi các công tác đấu tranh tới cùng. Ngày nào công nhân cũng tập trung trước cửa phòng giấy và cổng ra vào xưởng sợi, nhằm gây áp lực buộc bọn chủ phải thực hiện các yêu sách của mình.

Sau 10 ngày tranh đấu không khoan nhượng, ngày 29 tháng 3, bọn chủ nhà máy đã buộc phải chấp nhận tăng lương công nhật cho thợ đứng máy sợi con từ 18 xu lên 24 xu, lương thợ đổ sợi từ 11 xu lên 13 xu một ngày.

Trong cuộc đấu tranh này, công nhân nhà máy sợi đã biết đoàn kết từng bộ phận, từng kíp để tạo thành một lực lượng thống nhất, biết sử dụng các khẩu hiệu trong đấu tranh, liên tục đưa đơn một cách dồn dập để gây áp lực, buộc bọn chủ phải nhượng bộ. Nét mới trong cuộc đấu tranh này là lần đầu tiên công nhân đã tự bầu ra một bộ phận lãnh đạo để động viên và tổ chức công nhân đấu tranh. Thắng lợi của cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi đã tạo nên một tiếng vang lớn, góp phần tạo động lực thúc đẩy việc tiến tới thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân. Trong cuộc họp của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu của Kỳ bộ Bắc kỳ, đã mạnh dạn đề nghị thành lập Đảng Cộng sản và đã lấy cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy sợi Nam Định làm minh chứng cho sự trưởng thành của giai cấp công nhân và yêu cầu cấp thiết phải có sự lãnh đạo của một đảng cộng sản trong phong trào đấu tranh của công nhân.

Theo Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com