Phong trào tẩy chay tư sản nước ngoài ở Nam Định

08:10, 09/10/2012

Ngay từ khi mới ra đời, giai cấp tư sản Việt Nam nói chung và tư sản ở Nam Định nói riêng đã chịu khống chế của tư bản Pháp và sự cạnh tranh của tư bản người Hoa. Tư sản Hoa kiều là lực lượng giữ vị trí thứ hai sau tư bản người Pháp trong việc nắm giữ các ngành kinh tế ở Việt Nam.

Để chống lại thế lực kinh tế của tư sản Hoa kiều và tạo đà cho sự phát triển của chính mình, năm 1919 tư sản Việt Nam đã dấy lên phong trào  "tẩy chay Khách trú" ở các thành phố, thị xã như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định ... Tại các thành phố này, người ta khuyên nhau không mua hàng của người Hoa và kêu gọi mọi người mua hàng nội hoá. Tư sản Việt Nam nêu khẩu hiệu: "Người Việt Nam không gánh vàng đi đổ sông Ngô", "Người An Nam mua bán với người An Nam"...

Trong phong trào tẩy chay tư sản Hoa kiều ở Nam Định, có nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã quyết tâm tranh đấu với thế lực tư sản của người Hoa ở Nam Định trong ngành vận tải đường thuỷ. Năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã chuyển cả gia đình về thành phố Nam  Định lập nghiệp. Ông quyết định sẽ đầu tư vào kinh doanh ngành vận tải đường thuỷ, ngành mà có quá ít cơ hội cho ông thành công vì bao nhiêu lợi thế hầu như đều bị tư sản người Hoa và Pháp  chiếm hết.

Khởi đầu, Bạch Thái Bưởi thuê 3 chiếc tàu của Hãng vận tải Mácty Đápbađi (Marty d'Abbadie) để chuyên chở hành khách. Vừa mới chân ướt chân ráo vào nghề, ông đã vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các thương nhân Hoa kiều. Biết rõ thế và lực của Bạch Thái Bưởi trong kinh doanh vận tải đường thuỷ không đáng là bao, họ tập hợp lực lượng, cố kết nhau lại với ý đồ làm cho ông bị phá sản.

Cuộc thương chiến bắt đầu từ giá cước vận chuyển. Bạch Thái Bưởi một mặt cho hạ giá vé, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khách. Để đối phó lại, tư sản Hoa kiều lại cho giảm giá vé thấp hơn và chất lượng phục vụ tốt hơn. Do phải liên tục hạ giá để cạnh tranh, 3 chiếc tàu ông thuê mỗi tháng chỉ thu được từ 15 đến 20 đồng, trong khi giá thuê tàu mỗi tháng là 2000 đồng. Trước một đối thủ mạnh hơn về mọi mặt, Bạch Thái Bưởi đã đứng trên bờ vực phá sản. Ông đã thất bại trong cuộc cạnh tranh về giá vé, cước phí vận tải và chất lượng phục vụ.

Khi nguy cơ vỡ nợ chỉ còn trong gang tấc, Bạch Thái Bưởi vẫn quyết không lùi bước. Ông đã cố tìm ra cho mình một phương sách mới để thoát hiểm và trong thời khắc quyết định đó, bí quyết thành công của ông chính là việc phát huy tinh thần dân tộc trong kinh doanh.

Bạch Thái Bưởi cho người đi tuyên truyền tại các bến tàu để giãi bày sự thiệt hơn trong việc kinh doanh cho các hành khách nghe, khuyên người Việt Nam nên giúp đỡ lẫn nhau mới có thể cạnh tranh với người Khách được. Khi tinh thần dân tộc được thức tỉnh, đông đảo hành khách đã tìm đến với Bạch Thái Bưới. Ông còn đặt một ống đựng tiền trên tàu để kêu gọi các hành khách hảo tâm bỏ chút ít tiền giúp đỡ cho chủ tàu có thể đứng vững. Ý tưởng độc đáo, mang đậm tinh thần dân tộc này đã giúp cho Bạch Thái Bưởi không những không bị phá sản mà còn phát triển mạnh mẽ. Chỉ một thời gian sau ông đã mở thêm được nhiều tuyến giao thông đường thuỷ quan trọng nối liên Nam Định với các tỉnh trong cả nước.

Để giành thắng lợi, Bạch Thái Bưởi đã sử dụng triệt để việc quảng cáo trên báo chí như tờ Nam Phong, tờ  l'Eveil Economique de l' Indochine (Kinh tế Đông Dương thức tỉnh). Bản thân Bạch Thái Bưởi cũng đã sáng lập ra tờ Khai hoá với mục đích hô hào chấn hưng thực nghiệp, dung hoà hai nền văn hoá Đông - Tây, và quảng bá cho công việc làm ăn của mình.

Trước sự lớn mạnh của Bạch Thái Bưởi, một số hãng vận tải của tư sản Hoa kiều, tư sản Pháp cũng bị phá sản do bị mất khách vào tay Bạch Thái Bưởi. Năm 1915, Công ty Mácty Đápbađi phá sản. Năm 1917 Công ty Đétsơoenđơ (Deschawander) cũng bị phá sản. Bạch Thái Bưởi đã mua lại toàn bộ tàu của hai Công ty này và tàu của các tư sản người Hoa bị phá sản.

Đến đầu năm 1917, Bạch Thái Bưởi đã có một đội tàu lớn với 30 chiếc gồm cả tàu và sà lan, thành lập "Giang Hải luân thuyền Bạch Thái Công ty" khẳng định sự lớn mạnh của mình trong kinh doanh.

Như vậy, trên mảnh đất Thành Nam, Bạch Thái Bưởi từ hai bàn tay trắng đã quyết tâm lao vào thương trường để giành lại những quyền lợi kinh tế mà đáng nhẽ ra tư sản Việt Nam phải được hưởng. Thắng lợi của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi trong cuộc thương chiến khốc liệt với tư sản nước ngoài không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có sức cổ vũ mạnh mẽ trong nhân dân, nó khơi dậy tinh thần dân tộc, thôi thúc khát vọng làm giàu chính đáng của người Việt Nam ngay trên chính quê hương mình.

Theo Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com